Chuyển giáo viên nhiều cống hiến về vùng thấp để giữ chân “người gieo chữ” vùng cao
VOV.VN - Tỉnh Yên Bái trong 2 năm qua đã điều chuyển gần 100 giáo viên đang công tác ở các huyện vùng cao và các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn về các huyện, thị xã, thành phố vùng thấp hơn.
Trong khi ở nhiều địa phương trong cả nước xuất hiện tình trạng nhiều giáo viên, nhân viên giáo dục ở khu vực vùng cao xin nghỉ việc do điều kiện gia đình và làm ăn sinh sống thì những chính sách nhân văn như thế này đã góp phần quan trọng trong việc giữ chân “người gieo chữ” gắn bó vùng cao mà nhiều địa phương khác có thể tham khảo, áp dụng.
Sinh ra và lớn lên ở thị xã Nghĩa Lộ, nhưng ngay sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm, cô giáo Trịnh Thị Thanh Bình đã xung phong tình nguyện lên công tác tại huyện vùng cao Trạm Tấu, một vùng trời mới vô cùng lạ lẫm và đầy thử thách đối với cô. Ban đầu, cô Bình được phân công giảng dạy tại xã Xà Hồ, rồi đến xã Phình Hồ và tiếp đến là xã Trạm Tấu, tất cả đều là những xã đặc biệt khó khăn.
Thời gian đầu, cô Bình đã có lúc từng nghĩ rằng mình không thể bám trụ lâu dài ở đây vì rất nhớ nhà, nhất là những lúc ốm đau phải một mình xoay xở, lo âu. Khi đó, chồng cô là bộ đội đang công tác ở tỉnh Sơn La, con nhỏ phải gửi bố mẹ già ở nhà chăm sóc. Nhưng hình ảnh những em bé người Mông chân trần giữa mùa đông giá rét, ngồi trong lớp học nhưng lưng phải cõng theo em nhỏ để bố mẹ đi làm nương, tấm áo mặc mong manh không đủ ấm đã giữ chân cô ở lại. Thời gian dần trôi, cô Bình đã cùng các đồng nghiệp cần mẫn đưa biết bao "chuyến đò" qua sông. Các lớp học trò của cô trưởng thành, có nhiều em trở thành cán bộ, bác sỹ, giáo viên..., tiếp tục góp sức xây dựng quê hương.
Hơn 20 năm công tác cô giáo Trịnh Thị Thanh Bình luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hằng năm, cô đều được các cấp khen thưởng, đồng thời, luôn được đồng nghiệp, học sinh và người thân tin yêu. Tháng 11 này, khi cô Bình bất chợt nhận ra mái tóc của mình đã điểm bạc thì cũng là lúc cô nhận được quyết định điều động về với vùng thấp.
“Tôi rất mong muốn chủ trương luân chuyển giáo viên từ vùng cao về vùng thuận lợi sẽ vẫn sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo để tạo điều kiện cho giáo viên vùng cao hợp lý hóa gia đình; đồng thời cũng là động lực để mỗi giáo viên có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục”, cô Bình bày tỏ.
Toàn tỉnh Yên Bái hiện có gần 6.000 cán bộ quản lý, giáo viên đang công tác tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi, chiếm 45,7% số giáo viên trong ngành giáo dục. Đa số các thầy, cô giáo đều gắn bó với vùng cao từ 10 năm trở lên; rất nhiều người đã tình nguyện cống hiến và dành trọn những năm tháng tươi đẹp nhất của tuổi thanh xuân với giáo dục vùng cao. Trong quá trình công tác, các thầy cô đã không quản ngại khó khăn, vươn lên đạt nhiều thành tích cao trong giảng dạy.
Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thảo có 11 năm gắn bó với vùng cao Trạm Tấu, chưa một ngày nghĩ tới việc bỏ nghề dù cuộc sống vô cùng vất vả, thiếu thốn về vật chất, tinh thần, hay những bất đồng về ngôn ngữ, phong tục tập quán. Miệt mài nỗ lực, cố gắng hết mình vì sự nghiệp giáo dục vùng cao, năm học này, cô Thảo nhận quyết định chuyển về Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Suối Bu, huyện Văn Chấn. Vui vì được gần gia đình hơn để chăm sóc con cái bao năm nay vẫn phải gửi ông bà, cô Thảo cũng thấy mình càng phải nỗ lực hơn để đáp ứng yêu cầu dạy học cao hơn ở môi trường mới.
“Tâm trạng của tôi lúc này là rất vui và hạnh phúc. Tôi nghĩ bước đầu tiên là mình cần trau dồi về chuyên môn để hòa nhập được với môi trường mới để làm sao hoàn thành nhiệm vụ một cách cao nhất, có nhiều kết quả tốt; đồng nghiệp tin yêu, học trò quý mến”, cô Thảo chia sẻ.
Năm 2022 là năm thứ 2 tỉnh Yên Bái giải quyết nguyện vọng cá nhân cho các giáo viên vùng cao mong muốn được chuyển về vùng thấp với số lượng khá lớn ở cùng một thời điểm, trong điều kiện biên chế ngành Giáo dục và Đào tạo còn có những khó khăn. Trước đó vào năm ngoái, cũng đã có 45 thầy cô giáo từ các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và những nơi có điều kiện đặc biệt khó khăn được chuyển về vùng thấp để có điều kiện gần gũi, chăm lo cuộc sống, gia đình tốt hơn sau nhiều năm xa nhà, nỗ lực “gieo chữ” nơi non cao.
Thầy giáo Hoàng Văn Bình, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải cho biết: Gắn bó và dành nhiều tình cảm cho học trò vùng cao vốn còn rất nhiều khó khăn, nhưng qua 14 năm công tác nơi xa xôi, thầy cũng mong muốn được chuyển công tác về quê ở xã An Phú, huyện Lục Yên vì đến lúc bố mẹ già cần được quan tâm chăm sóc.
“Ông, bà, bố, mẹ ở quê tuổi cao lên thì cũng ốm đau thường xuyên, mình cũng lo lắng vì mình ở xa những lúc có công có việc, bố mẹ ốm đau thì không về kịp để đưa đi điều trị ở những nơi tốt được. Chính vì vậy mình muốn về gần hơn để chăm sóc bố mẹ, con cái”, thầy Bình nói.
Đây cũng là nguyện vọng của cô giáo Nguyễn Thị Huyền, giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải khi bố mẹ già và con cái đến tuổi đi học cần người quan tâm, chăm lo.
“Mình cũng công tác trên vùng cao rất lâu năm rồi. Vài năm gần đây, con cái lớn lên, đến tuổi đi học, cũng cần sự quan tâm của bố mẹ dạy bảo, chăm lo cuộc sống cho nên là một vài năm gần đây tôi có ý định chuyển về gần hơn để chăm sóc con cái và bố mẹ già”, cô Huyền cho hay.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết: Hiện nay, mạng lưới trường, lớp học của tỉnh được sắp xếp tinh gọn, hợp lý; chất lượng giáo dục dân tộc có nhiều tiến bộ mới, khoảng 40% học sinh dân tộc thiểu số toàn tỉnh được hưởng chính sách nội trú, bán trú. Cơ sở vật chất giáo dục được đầu tư đồng bộ.
Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn được nâng lên rõ rệt; duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học đạt chuẩn mức độ 3 và phổ cập trung học cơ sở. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được sắp xếp hợp lý, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học. Đây cũng là một trong những cơ sở để tỉnh thực hiện chính sách điều động các giáo viên có nhiều cống hiến từ vùng cao về vùng thấp, thể hiện sự quan tâm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh nhằm động viên, ghi nhận, biểu dương những đóng góp của các thầy cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục vùng cao.
“Việc điều động, tiếp nhận các giáo viên đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, thực hiện đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, đúng đối tượng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn; đồng thời đảm bảo ổn định biên chế, chất lượng đội ngũ giữa các trường, không để mất cân đối về cơ cấu ban môn và số lượng giáo viên trong toàn tỉnh”, ông Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Trần Huy Tuấn, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục thực hiện chính sách nhân văn này trong thời gian tới. Tỉnh đã giao Sở Nội vụ, Sở giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát biên chế của ngành để xem xét nguyện vọng của các thầy cô giáo đã có nhiều năm gắn bó với giáo dục vùng cao, đạt thành tích xuất sắc trong công tác.
Với sự khẳng định của lãnh đạo tỉnh Yên Bái, chắc chắn, sẽ còn nhiều thầy cô giáo “dành cả thanh xuân” cho vùng cao được chuyển về vùng thấp để thuận lợi hơn trong việc chăm lo cho gia đình. Chính sách nhân văn của tỉnh Yên Bái như một sự khích lệ tinh thần “đúng chỗ, đúng lúc”, động viên tinh thần cống hiến của đội ngũ giáo viên vùng cao, nơi gian khó, bởi những nỗ lực, hy sinh đó đã được ghi nhận, đền đáp./.