Chuyện học ở vùng Càng mùa lũ
VOV.VN - Ghe thuyền nhỏ vừa là phương tiện di chuyển vừa là công cụ mưu sinh của người dân vùng Càng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ở đây, nhà dân chỉ cách mặt sông chừng vài chục bước chân. Chuyện học của các em nơi này cũng chênh vênh giữa sóng nước mênh mông.
7 xóm nhỏ với hơn 300 hộ dân sống dọc bờ sông Ô Giang của vùng trũng huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị được gọi là vùng Càng, bởi dải đất này trông như những chiếc càng cua. Mùa mưa, nước lụt bao quanh, xóm làng nằm trơ trọi giữa đồng. Bao đời nay, người dân vùng Càng sống chung với lũ lụt, lựa theo con nước để đánh bắt cá và làm nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Họng, ở càng An Thơ kể, vào mùa mưa, nước dâng gây chia cắt khu dân cư. Nhiều gia đình có con em đi học ở điểm trường Càng đều phải luân phiên nhau chạy ghe đưa con đến trường.
“Về mùa mưa lũ, lút đường, bà con phải đưa ghe, đưa các cháu đến trường để học. Trong mấy năm nay, các bậc phụ huynh ở các vùng Càng ni, vì có cơ sở trường nằm ở đây, dù khó khăn như thế nào thì phụ huynh cũng cùng với trường, thầy giáo ở đây, bao nhiêu công việc cũng như lũ lụt, rồi lụt ra, vét bùn thì phụ huynh tập trung vét bùn để tạo điều kiện cho các thầy cô giáo, đồng thời cho con em tương lai sau này”. Ông Nguyễn Văn Họng nói thêm.
Chuyện đến trường của học sinh vùng Càng mùa lũ thật nhọc nhằn, nhiều lúc phải đánh cược sinh mạng trên những chiếc ghe nhỏ. Vì thế, bố mẹ luôn theo sát chuyện đi học của con. Từ năm 2009, tuyến đê bao vùng trũng Hải Lăng được xây dựng, chạy dọc dòng Ô Giang về vùng Càng, những con đường bê tông cũng hình thành theo. Thế nhưng, cứ vào mùa mưa lũ, những khu nhà ở vùng Càng như là một “ốc đảo” nổi trên mặt nước. Độc đạo nối các khu dân cư bị chia cắt. Bà con đi lại mùa mưa lũ chủ yếu bằng ghe.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường, các thầy, cô giáo đã trang bị kiến thức về an toàn giao thông đường thủy, nhắc nhở các em mặc áo phao đúng cách khi đi ghe đến trường.
Thầy giáo Nguyễn Văn Huynh, một người con vùng Càng đã nhiều năm nay gắn bó và giúp đỡ học sinh nơi đây tâm sự: “Mình sinh ra và lớn trên mảnh đất này, hôm nay trở thành giáo viên thì cũng thường lấy ra những ví dụ trên những thực tiễn của mình, thời đi học khó khăn để động viên các em. Dù trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, một phần nào đó các em vẫn thấu hiểu được và các em cố gắng trong việc học tập. Bản thân là một giáo viên chủ nhiệm thì tôi luôn tin tưởng rằng, con em vùng Càng mình một mai nào đó cũng sẽ thành công, cũng sẽ vượt lên khó khăn để thành công trong cuộc sống”.
Cách đây 4 năm, học sinh nơi này phải học lớp ghép. Các lớp ghép ở vùng Càng chính thức kết thúc năm 2020, khi một ngôi trường khang trang được xây dựng ngay tại càng An Thơ, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng. Ngôi trường này gồm một dãy nhà 2 tầng, 5 phòng học, 1 phòng giáo viên, 1 phòng dành cho trang thiết bị dạy học… Điểm trường Càng được xây dựng đã chính thức xóa sổ các lớp ghép tồn tại hơn 20 năm qua ở vùng đất này.
Thầy giáo Trương Văn Mẫu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hải Hòa, huyện Hải Lăng cho biết, điểm trường Càng này hiện có 61 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5: “Ngoài việc nằm cách biệt so với khu dân cư thì đây là một trường chịu ảnh hưởng khá nặng nề bởi mưa lũ. Hàng năm, học trò thường có một khoảng thời gian khá dài tầm nửa tháng thậm chí cả tháng phải nghỉ học vì ảnh hưởng của mưa lũ. Có một số khu vực nhỏ lẻ, thậm chí khi toàn trường đi học được rồi thì học sinh vẫn phải đến trường bằng phương tiện ghe thuyền của phụ huynh và các thôn họ đưa đón. Đây là một trong những yếu tố khiến cho trường Càng được xem là một trong những điểm khó”.
Những ngày mưa gió, lũ lụt, đường đến trường của học sinh vùng Càng như dài ra và vất vả hơn. Vậy mà lớp học không vắng một em nào. Thầy Lê Văn Thạnh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị hy vọng ngày càng có nhiều học sinh ở vùng Càng sẽ vững vàng vào đời bằng ý chí vượt khó, từ những con chữ được nắn nót trên vùng đất gian khó này.
“Riêng giáo viên dạy ở vùng Càng, thì Phòng luôn có sự quan tâm hơn, thăm hỏi, động viên, có trao đổi, có chia sẻ, vừa động viên vừa giúp đỡ cho học sinh, giáo viên trường vùng Càng có những kết quả về học tập cũng như là tình cảm gắn bó ngày càng tốt hơn đối với vùng đất là khổ nhất của huyện. Gần đây qua theo dõi thì thấy có sự thay đổi rất nhiều và tương lai sẽ có sự phát triển mạnh hơn nữa”. Thầy Lê Văn Thạnh nói.