Chuyện những Chủ tịch xã quên mình, cứu dân trong lũ dữ

VOV.VN - Những đợt bão lũ lịch sử nổi cơn thịnh nộ suốt 2 tháng 10 và 11 năm ngoái đã nhấn chìm nhiều làng mạc, ruộng vườn ở các tỉnh miền Trung. Câu chuyện về những Chủ tịch xã ở tỉnh Quảng Bình quên mình cứu dân trong lũ dữ được nhiều người dân địa phương nhắc lại với lòng biết ơn tận đáy lòng mình.

Xuân này, nhiều người từng được cứu sống trong những ngày mưa to lũ lớn ấy được quây quần bên người thân, vui Tết sum vầy. Họ thầm cảm ơn những cán bộ cơ sở đã xả thân, đi cứu dân trong đêm tối mưa gió bão bùng. 

Bên mâm cơm chiều cuối năm, ông Trần Văn Thanh (thôn Phú Thọ, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) kể lại chuyện ông thoát chết trong đợt mưa lũ kinh hoàng hồi cuối năm ngoái. Hôm đó, khi dọn nhà chạy lũ, ông Thanh bị ngã gãy xương sườn, nằm im một chỗ, nước ngày càng dâng cao. Nghe tin ông Thanh gặp nạn, Chủ tịch xã Lê Văn Quyết chèo đò băng giữa dòng nước lũ, vào tận nơi đưa nạn nhân lên thuyền đi cấp cứu.

Ông Trần Văn Thanh nói rằng, nếu không có ông Quyết chắc gì ông còn sống đến ngày hôm nay: “Bị thương nằm qua 1 đêm, nước lên ngập cả giường, ngày hôm sau đội cứu hộ của anh Lê Văn Quyết, Chủ tịch xã An Thủy đưa tôi ra. Lúc đó đò ở ngoài mà trong này sóng quá to, anh Quyết nói rằng bằng mọi giá phải cứu người ra cho bằng được, cần thiết nhảy xuống nước bơi đưa đò vào. Lúc đó các anh đã rất cương quyết phải cứu cho được tôi ra ngoài đưa đi cấp cứu”.

Bà Đỗ Thị Phượng, vợ của ông Trần Văn Thanh rất cảm phục về hành động quên mình cứu dân trong lũ dữ của ông Lê Văn Quyết: “Ông Quyết hôm đó đi cả ngày cứu dân, chỉ về thay áo quần 1 lần rồi lại đi. Ông ra đem mì tôm cho dân, thậm chí bơi ra đem đồ cho những nhà phía xa cuối làng. Một người cán bộ như vậy biết lo lắng cho dân. Chúng tôi không biết lấy gì mà đền đáp, cảm ơn ông Quyết".

Đã gần 4 tháng trôi qua, người dân xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vẫn nhớ mãi hình ảnh ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã An Thủy bất chấp hiểm nguy đi cứu hơn 100 người dân gặp nạn trong mưa lũ. Những ngày mưa lũ đặc biệt lớn, điện thoại của ông Quyết liên tục đổ chuông, nhiều cuộc gọi kêu cứu trong đêm.

Nước lũ chảy cuồn cuộn, bất chấp hiểm nguy, ông Quyết cùng với các lực lượng dân quân, công an xã đi thuyền nhỏ, len lỏi đến từng ngõ ngách, bơi vào cứu người. Những ngày mưa lũ đó, ông Quyết đã đưa gần 100 người dân đến nơi an toàn. Khi nhà của ông bị ngập 2-3m, ông vẫn cố gắng đưa 33 người dân lên tầng 2 tránh lũ.

Ông Lê Văn Quyết cho biết suốt những ngày mưa lũ lớn, ông chỉ về nhà được 1 đêm ngả lưng, còn vợ con ông lo cơm nước cho bà con: “Người ta cứ liên tục gọi tôi kêu cứu, nhà họ bị thế này, bị thế kia, rồi có trẻ nhỏ, người thì ở vùng xa kêu cứu, lúc đó đi cứu người có biết mệt mỏi đâu, trách nhiệm của anh em phải đi cứu người. Do đợt lũ quá lớn, 1 phần nữa là bà con gặp khó khăn nguy hiểm quá nhiều nên đã thôi thúc anh em chúng tôi đi làm sao đó phải cứu cho được bà con”.

Năm hết, Tết đến, những người được ông Lê Văn Quyết cứu nạn, thoát chết trong cơn đại hồng thủy tỏ lòng biết ơn người cán bộ hết lòng với dân. Trong lúc bão lũ khó khăn, các anh đã cứu sống mọi người, giống như ban cho mọi người cơ hội được hồi sinh lại lần thứ 2.

Lũ dữ đi qua, tình người ở lại. Còn nhớ vào đầu tháng 11/2020, ông Phan Thanh Miên, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cũng nhiều ngày lội trong mưa lũ đi giúp dân. Trong lúc ứng cứu, ông bị thương khớp gối phải nhưng vì tính cấp bách của việc di dời, cứu dân, ông Miên xem đó là vết thương nhẹ, tiếp tục dầm mình trong lũ đi cấp phát lương thực cho bà con vùng ngập lụt.

Lũ rút, ông Miên bị sốt nhẹ, ra trạm xá xã tiêm thuốc giảm sốt nhưng không thuyên giảm. Sau đó, ông được chuyển vào Bệnh viện Việt Nam-Cu Ba (Đồng Hới) rồi chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế điều trị. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán ông bị nhiễm trùng máu. Do bệnh tình quá nặng, ông Miên qua đời ở tuổi 51.

Bà Ngô Thị Khai, ở thôn 4, xã Bắc Trạch không thể quên hình ảnh ông Chủ tịch xã Phan Thanh Miên trong đêm mưa lũ nước dâng ngập làng. Nước lũ dâng cao, bà cùng mấy đứa cháu bị kẹt lại trong nhà. Trong đêm tối mưa gió bão bùng, vang vọng tiếng ông Miên: “Trong nhà còn ai không?”. Nghe bà Khai kêu cứu, ông Miên cùng anh em trong đội cứu hộ đẩy chiếc thúng to, lội nước ngang cổ vào nhà đón mấy bà cháu ra chỗ trú tránh an toàn.

“Chú Miên sống đàng hoàng, không để mất lòng ai, bà con trong thôn xóm ai cũng yêu mến cả. Ông Miên đi chống bão lụt rồi gặp rủi ro, không may nên khiến làng xóm ai cũng thương tiếc, cảm động lắm, làng xóm yêu mến", bà Khai chia sẻ.

Ông Phan Thanh Miên mới nhận nhiệm vụ Chủ tịch xã hơn 3 tháng đúng vào thời gian mưa lũ dồn dập. Ngày ông Miên mất, bà con trong xã đến viếng rất đông, ai cũng tiếc thương tiễn biệt vị Chủ tịch xã trẻ tuổi tận tụy với người dân.

Ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Đảng ủy xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết:  “Với 1 cán bộ cơ sở, phải có tâm huyết, phải có năng lực, đặc biệt là trách nhiệm và sự nhiệt tình trong công việc và đồng chí Miên đã đạt được điều đó. Trong cuộc sống có mối quan hệ bạn bè, làng xóm rất gần gũi, rất trách nhiệm. Đồng chí Miên rất có trách nhiệm với nhân dân, với quê hương".

Với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, những cán bộ cơ sở sẵn sàng quên mình cứu dân, vượt qua hoạn nạn. Những ngày này, các cán bộ cơ sở ở những nơi từng gánh chịu nhiều thiệt hại thiên tai, dịch bệnh vẫn chưa thể nghỉ ngơi. Họ đến từng nhà thăm hỏi, tặng quà Tết, động viên, giúp đỡ bà con đón Xuân an vui. Trong những câu chuyện bên chén trà đầu năm mới, người dân sẽ còn nhắc mãi hình ảnh những người cán bộ cơ sở tận tâm, tận lực, hết lòng với nhân dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên