Chuyện những lá đơn xin thoát nghèo từ Nậm Pồ

VOV.VN -Việc làm được nhiều người xem là “dại dột” lại đang lan tỏa trong cộng đồng và thể hiện nỗ lực, quyết tâm xóa đói, giảm nghèo của người dân vùng biên.

Những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện biên giới Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đã viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, nhường lại suất hỗ trợ cho những hộ còn khó khăn thiếu thốn hơn mình và lấy đó làm động lực để vươn lên trong cuộc sống. Việc làm được nhiều người xem là “ dại dột” này lại đang lan tỏa trong cộng đồng và thể hiện nỗ lực, quyết tâm xóa đói, giảm nghèo của người dân ở vùng biên giới khó khăn bậc nhất của Tổ quốc.

Từ năm 2016 đến nay, xã Chà Nưa có hơn 80 hộ dân tình nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Là Đảng viên và tham gia công tác tại các chi hội, đoàn thể trong xã, ông Khoàng Văn Né ở bản Nà Ín 2, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ  đã nhận thức sâu sắc về công tác xóa đói giảm nghèo. Do đó, vào năm 2017, ông đã bàn bạc với vợ viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, nhường lại sự hỗ trợ cho những hộ còn khó khăn thiếu thốn hơn mình. Ra khỏi hộ nghèo đồng nghĩa với việc gia đình sẽ không được nhận các khoản hỗ trợ cho hộ nghèo, chi phí bảo hiểm y tế cũng không còn được miễn giảm. Nhưng đó lại chính là động lực để cả gia đình quyết tâm xóa cảnh đói nghèo đã đeo bám nhiều năm.

Tròn 3 năm kể từ ngày gửi lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo cho chính quyền xã, đến nay, gia đình ông không chỉ thoát nghèo thành công, mà còn xây dựng thêm được ngôi nhà sàn mới khang trang, sắm được nhiều vật dụng tiện nghi và trở thành một trong những hộ khấm khá của bản: “Mình cũng là một Đảng viên, hội họp người ta cũng hay nói nhiều. Những cũng đã vươn lên được rồi Nhà nước cũng hỗ trợ bò, xi, cát để cho làm chuồng trại. Thế là cũng vươn lên xin thoát nghèo, xin thoát nghèo được thì cuộc sống của gia đình cũng khá lên. Trồng rau, chăn nuôi trâu, gà, vịt cũng đủ trang trải cuộc sống cho gia đình”.

Từ gia đình ông Né và nhiều hộ khác trong bản viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, nhiều hộ nghèo khác trong xã Chà Nưa cũng đã học tập làm theo. Từ năm 2016 đến nay, xã Chà Nưa có hơn 80 hộ dân tình nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Khi những lá đơn xin thoát nghèo gửi lên chính quyền xã ngày một dày thêm, tỷ lệ hộ nghèo của xã qua từng năm cũng dần giảm xuống.

Số hộ viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo nhiều nhất là ở bản Nà Sự. Trước đây, 60/121 hộ dân trong bản này là hộ nghèo. Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm, đến nay bản Nà Sự đã không còn hộ nghèo.

Bà Lò Thị Nhung, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cho biết: “Xã Chà Nưa mấy năm gần đây các hộ nghèo tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo. Đơn cử như ở bản Nà Sự thì mỗi năm có khoảng từ 3-5 hộ tự nguyện viết đơn. Bản Nà Sự bây giờ hiện tại là không còn hộ nghèo nào. Tôi mong rằng với phong trào của các hộ nghèo ở bản Nà Sự nói riêng, xã Chà Nưa nói chung sẽ truyền cảm hứng cho những hộ nghèo ở các huyện, các xã khác của tỉnh Điện Biên”.

Ở Nậm Pồ, câu chuyện về những lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo đã trở thành điểm sáng ở huyện vùng cao thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên. 4 năm trở lại đây, cả huyện có 150 hộ viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, chủ yếu ở 2 xã: Chà Nưa và Nà Hỳ. Xin thoát nghèo không hẳn vì đã thực sự hết khó khăn, thiếu thốn mà vì họ nhận thức được trách nhiệm nỗ lực vươn lên, ý thức trong việc sẻ chia, hỗ trợ với những hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình.

Ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên chia sẻ: “Một số hộ trong thời gian vừa qua có đơn tự nguyện đăng ký thoát nghèo, chúng tôi cho rằng đây là thay đổi của nhận thức người dân rất đúng đắn, mà tôi cho rằng đây là một chiều hướng rất tích cực. Xuất phát từ cái nội tâm của mỗi con người, trên cơ sở những nội dung đó huyện sẽ có những chủ trương và đồng thời sẽ có khuyến khích để đồng bào được tiếp cận một số nguồn kinh phí của các chính sách của Đảng, Nhà nước, ví dụ như cho vay với lãi suất thấp 0% để người dân có cơ hội nâng cao mức thu nhập”.

Những lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo đã thể hiện ý thức vươn lên, lòng tự trọng không chấp nhận mãi nghèo của nhiều gia đình ở huyện nghèo Nậm Pồ. Rồi từ đây, họ đã không còn phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mà đã tự làm chủ cuộc sống của mình. Cuộc đời đã thực sự thay đổi, bước sang trang mới từ chính nỗ lực, quyết tâm của những nông dân nơi đây./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên