Chuyện tác nghiệp trong tâm dịch của những phóng viên nơi tuyến đầu
VOV.VN - Dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp tại các địa phương, cùng với các y bác sĩ, lực lượng công an, quân đội... tham gia chống dịch, các phóng viên, nhà báo cũng xông pha nơi tuyến đầu. Làm việc trong điều kiện đặc biệt nên họ có rất nhiều câu chuyện, kỷ niệm đáng nhớ.
Sáng 27/1/2020, tỉnh Hải Dương ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên tại công ty TNHH Poyul Việt Nam (KCN Cộng Hòa, TP Chí Linh). Nguyễn Dương, PV báo điện tử Zingnews.vn khi đó đang thường trú tại TP.Hải Phòng, nhận nhiệm vụ sang Chí Linh tác nghiệp. Theo kế hoạch ban đầu, anh sẽ ghi nhận thực tế tại khu phong tỏa xã Hưng Đạo (TP.Chí Linh) sau đó trở về Hải Phòng hoàn thành một số tin bài Tết trước khi trở về Nghệ An đón Tết Nguyên đán cùng gia đình.
Trưa 27/1, Bộ Y tế tiếp tục công bố 82 ca mắc Covid-19 tại Chí Linh. Nhận tin này, Nguyễn Dương chủ động trả vé xe Tết, gọi điện về gia đình thông báo, Tết này không về và quyết định ở lại Chí Linh phản ánh tình hình dịch bệnh.
Những ngày đầu, số ca bệnh tại Chí Linh tăng nhanh, dịch bệnh diễn biến phức tạp, Dương phải di chuyển liên tục giữa các khu vực phong tỏa, từ khu cách ly đến bệnh viện dã chiến để cập nhật tình hình dịch bệnh, phản ánh nỗ lực của lực lượng chức năng ngăn chặn, điều trị các ca lây nhiễm.
Một ngày làm việc của anh thường kết thúc vào 9, 10 giờ đêm nhưng cũng không hiếm lần kéo dài đến rạng sáng hôm sau. 40 ngày gắn bó với Chí Linh, phóng viên Nguyễn Dương đã quen thuộc từng góc phố, từng con ngõ và đón năm mới, đón sinh nhật ngay trong tâm dịch.
“Đêm 30 Tết, tác nghiệp ở bệnh viện Dã chiến số 1 (TP.Chí Linh), đêm khuya khoảng 11h thì có cuộc họp của Bộ Y tế với các điểm cầu, các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, trong đó có bệnh viện Dã chiến số 1, tôi cũng ở đó dự cuộc họp và về nhà xử lý tin bài đến 4 giờ sáng. Lần đầu tiên đón Tết xa nhà, cũng là một cái Tết đáng nhớ. Trong quá trình làm nghề, có lẽ là hiếm. Thực sự, đã vào làm thì chỉ nghĩ là làm cho tốt thôi, chứ không nghĩ nhiều”, phóng viên Nguyễn Dương chia sẻ.
Từng tác nghiệp tại Đà Nẵng, Hải Dương 20 ngày trong các đợt dịch trước và cũng vừa trở về từ Bắc Giang sau 17 ngày đồng hành cùng đoàn công tác của Bộ Y tế, phóng viên Ngô Anh Văn (Báo Sức khỏe Đời sống) nhớ nhất những ngày trong tâm dịch Đà Nẵng, bởi đây là thời điểm chúng ta thực hiện phong tỏa toàn bộ thành phố Đà Nẵng.
Khi đó, các thông tin về tình hình dịch bệnh, từ thông tin về hoạt động của đoàn công tác của Bộ Y tế tại Đà Nẵng và nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch bệnh của thành phố, sự hy sinh thầm lặng của các thầy thuốc... đã được phóng viên Ngô Anh Văn phản ánh nhanh chóng, kịp thời và chính xác đến bạn đọc trong cả nước.
Kinh nghiệm của anh Ngô Anh Văn trong những lần tác nghiệp tại tâm dịch là để có được những tin bài chất lượng, phóng viên phải luôn tư duy để có góc nhìn ấn tượng: “Trong chống dịch, quan trọng nhất là thông tin phải chính xác, không gây hoang mang trong dư luận. Vì ở hiện trường thì mới biết được thông tin nào chính xác, thông tin nào cần đưa và không được đưa. Nếu đưa không đúng thời điểm sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống chống dịch. Trong ngồn ngộn thông tin như vậy phải chọn được thông tin hay nhất đắt giá nhất, cách truyền tải cho hợp lý nhất và phù hợp với tôn chỉ mục đích của tờ báo”.
Sau khi tác nghiệp tại tâm dịch Hải Dương trong đợt dịch thứ 3, PV Nguyễn Hoàn, báo Tiền Phong tiếp tục có chuỗi ngày đáng nhớ trong khu cách ly tập trung tại Trung đoàn 836 (Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Đáng nhớ bởi lúc này, Nguyễn Hoàn tác nghiệp trong điều kiện đang bị cách ly y tế, ghi nhận ý kiến của nhiều người dân Hải Phòng từng qua các vùng dịch như Hải Dương, Quảng Ninh và có được rất nhiều tư liệu để cho ra đời những tuyến bài đặc sắc, trong đó có tuyến bài "Nhật ký cách ly" của anh được bạn đọc đánh giá cao.
Nguyễn Hoàn kết thúc thời gian cách ly y tế tập trung khi chỉ còn chưa đầy 12 giờ đồng hồ nữa là đến Giao thừa. Vội vàng mua ít quà bánh và bắt chuyến xe cuối cùng, anh vừa kịp bữa cơm tất niên cùng gia đình.
“Khi tác nghiệp trong khu cách ly, đầu tiên nhiều bà con phản đối, không cho tác nghiệp, vì sợ chụp ảnh, lên bài thì người xung quanh sẽ kỳ thị. Nhưng sau khi lên 2, 3 bài tuyên truyền về công tác truy vết, xét nghiệm, thành phố làm công tác phòng dịch rất tốt nên người dân lại thấy, điều này tốt cho họ nên đã hợp tác. Nhiều người khi gặp thường chào: "Chào nhà báo! Cảm ơn nhà báo đã thông tin!", nhà báo Nguyễn Hoàn cho hay.
Những ngày tác nghiệp trong tâm dịch, không chỉ cho các phóng viên, nhà báo những kỷ niệm đẹp trong nghề mà giúp họ thêm kinh nghiệm, trưởng thành và "chín" nghề hơn qua gian khó; không chỉ giúp bạn đọc có thêm thông tin từ tâm dịch mà chính công việc của họ đã tiếp lửa, động viên những y bác sĩ... thêm vững vàng tuyến đầu chống dịch./.