Chuyện về bà lão 80 tuổi hồi sinh những mảnh đời lầm lỡ
VOV.VN -Ở tuổi 80, bà Trần Thị Cỏn (phường Văn Miếu, Đống Đa) vẫn luôn cần mẫn giúp đỡ nhiều người nghiện ở địa phương từ bỏ ma túy, tái hòa nhập cộng đồng.
Căn nhà rộng chừng 40m2 của vợ chồng bà Trần Thị Cỏn nằm trên tầng 3 của dãy tập thể cũ, nép mình trong con ngõ sâu ngoằn nghèo không dễ tìm. Thế nhưng, chỉ cần đi đến khu vực đường tàu đoạn Lê Duẩn, hỏi thăm vào nhà bà Cỏn, không ai không biết. Người dân quanh đây từ hàng chục năm nay đã quen với hình ảnh của bà giáo già có sức mạnh hồi sinh những mảnh đời lầm lỡ của khu khố cạnh đường tàu này.
Lần đầu gặp, trái với suy nghĩ về bà lão tuổi 80, lưng hơi còng, dáng đi chậm rãi. Bước ra mở cửa là người phụ nữ đã già, nhưng dáng người khỏe khoắn, nhanh nhẹn, đặc biệt là nụ cười rất tươi và sự niềm nở.
Bà Trần Thị Cỏn bao năm nay vẫn luôn trăn trở với công việc giúp đỡ những người sau cai tái hòa nhập cộng đồng. |
Kể về hành trình đến với công việc giúp đỡ những người sau cai nghiện trở về làm lại cuộc đời, bà Cỏn chia sẻ, vào năm 2001 bà chính thức về hưu, kết thúc những năm tháng gắn với mục giảng, phấn trắng, bảng đen. Đó cũng là khi phường Văn Miếu từng là điểm nóng của quận Đống Đa về tệ nạn xã hội, nhất là nghiện ma túy. Thời kỳ cao điểm nhất, số người nghiện lên đến cả trăm người. Lúc này, các CLB B93 phường Văn Miếu lần đầu được thành lập, tuy nhiên, chưa có ai dám đứng ra đảm nhiệm. Lúc này, bà Cỏn mạnh dạn nhận nhiệm vụ. Từ đó đến nay đã ngót nghét 18 năm, ấy cũng là khoảng thời gian bà gắn bó và giúp đỡ biết bao mảnh đời lầm lỡ.
“Hồi ấy còn công tác ở hội phụ nữ, tôi thấy nhiều chị em khổ sở. Nhưng đến khi nhìn sang những đối tượng sau cai trở về địa phương, họ còn khốn khổ hơn ngàn lần. Họ là những người không tiền, không sức khỏe, không uy tín. Làm gì cũng khó, bị soi xét, kỳ thị. Nhiều người đi cai nghiện 3, 4 đợt rồi được vài ngày về lại tái nghiện, 1 xu dính túi không có. Lúc túng quẫn lại nghĩ đến chuyện ăn cắp vặt của người này người kia. Nhiều người muốn cai, lúc tỉnh thì khóc lóc quyết tâm, nhưng đến khi cơn lên, thì lại mất hết lý trí, đi vào đường cũ. Nhiều người đáng thương hơn đáng trách”, bà Cỏn tâm sự.
Biết trước sẽ rất khó khăn, nhưng bà Trần Thị Cỏn vẫn quyết tâm: “Biết là khó nhưng đối tượng của tôi cần”, bà Cỏn nói.
Với những đóng góp cho cộng đồng, nhiều năm liền bà Trần Thị Cỏn đều nhận được bằng khen của TP Hà Nội. |
Chú thích ảnh |
Những năm đầu, khi tình hình tại địa phương còn nhiều phức tạp, tỷ lệ người nghiện hút cao, CLB B93 của bà Cỏn làm chủ nhiệm sinh hoạt thường xuyên, hàng ngày, hàng tuần. Tại đây, các hội viên và ban chủ nhiệm cùng chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống, giao lưu văn nghệ để hiểu hơn về hoàn cảnh của từng hội viên và có hướng giúp đỡ.
Không chỉ có vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập và hoạt động, bà Cỏn hiểu được rằng, với những người từng mắc lỗi và họ đang làm lại cuộc đời, chỉ cần một ánh mắt, lời nói thiếu thiện cảm sẽ khiến họ bị tổn thương nghiêm trọng và càng trở nên tự ti, mặc cảm, sống khép mình hơn. Và rất có thể, chính sự thờ ơ, xa lánh của cộng đồng sẽ khiến họ dễ bước vào vết xe đổ một hoặc nhiều lần nữa. Thế nên bà đã vận động hàng xóm khéo léo trong giao tiếp, ứng xử, xóa bỏ những định kiến để gần gũi, giúp đỡ những người sau cai nghiện trở về với cộng đồng. Nhờ đó, những mặc cảm, tự ti dần được thay thế bằng ý chí, nghị lực và sự lạc quan trong cuộc sống.
“Chúng tôi luôn cố gắng để tạo ra không khí như gia đình. Giúp đỡ mọi người bằng nhiều cách, từ chia sẻ tình cảm, đến tạo nguồn vốn vay làm ăn. Chúng tôi vẫn thường xuyên đến từng nhà trao đổi với gia đình có người sau cai một cách gần gũi. Điều quan trọng khi làm việc với những người từng lầm lỡ vào con đường ma túy, mại dâm là để họ thấy được họ được tôn trọng, nhận ra giá trị của bản thân và không bị kỳ thị. Cách tốt nhất là tạo việc làm cho họ để có kế sinh nhai bền vững”, bà Cỏn cho biết.
Ngân sách địa phương cấp hàng năm cho CLB chỉ đủ để mỗi buổi mua dăm ba quả bưởi, vài túi hạt dưa. Bởi vậy, bao năm nay, việc hỗ trợ vốn cho các hoàn cảnh khó khăn muốn thay đổi cuộc đời đều do bà Cỏn đứng ra kêu gọi các thành viên trong ban chủ nhiệm, các tổ chức, cá nhân giúp đỡ.
Đến nay, dưới sự giúp đỡ của bà Cỏn cũng như CLB B93, nhiều mảnh đời từng lầm lỡ đã vượt qua được những cám dỗ, xây dựng cuộc sống mới.
Nhiều năm trôi qua, anh Trần Thanh Tùng vẫn nhớ như in về hành trình thay đổi cuộc đời mình. Năm 2008, khi từ trung tâm cai nghiện ma túy trở về, cuộc sống gia đình anh Tùng gần như bế tắc vì anh không có việc làm, mẹ già đau ốm. Tài sản duy nhất lúc đó là căn nhà vỏn vẹn 6m2, là nơi trú mưa nắng của 2 mẹ con.
Anh Tùng cho biết, thời điểm đó, bà Cỏn đã thường xuyên động viên mẹ con anh. Bà Cỏn cũng đã liên hệ với một xưởng may tại địa phương, lấy uy tín cá nhân ra để đảm bảo, xin việc cho anh. Sau một thời gian làm việc chăm chỉ, anh Tùng dần tích lũy được số tiền đầu tiên và lập gia đình. Lúc này bà Cỏn lại cùng các thành viên trong CLB góp tiền, tổ chức đám cưới cho cặp đôi trẻ. Chặng đường sau này của vợ chồng anh Tùng luôn có sự giúp đỡ nhiệt tình của bà giáo già. Hiện, cuộc sống của anh Tùng đã ổn định, khấm khá, 2 vợ chồng anh tự xây được ngôi nhà 3 tầng khang trang, nuôi dạy 2 con ăn học ngoan ngoãn.
Mẹ của những đứa trẻ mang trên mình vết thương không bao giờ lành
Hay trường hợp của Nguyễn Quang Hải, sau khi đi cai nghiện nhiều đợt không thành. Hải trở về nhà với sự thất vọng vào chính bản thân mình. Lúc này bà Cỏn đã động viên Hải tham gia vào CLB B93. Sau những buổi nói chuyện tâm sự, hiểu được hoàn cảnh và suy nghĩ của cậu thanh niên trẻ từng lầm lỡ. Bà Cỏn đã tìm cách để giúp Hải có công việc ổn định, quên đi những cám dỗ bên ngoài.
Để có xe đi lại, phục vụ công việc, bà Cỏn đã kêu gọi mọi người trong CLB và bỏ cả tiền túi của mình để giúp Hải mua xe.
“Cách đây vài ngày, nó quay lại bảo tôi là, bà ơi, con có tiền rồi. Tôi hỏi, có tiền rồi thì định làm gì. Nó bảo, bà xem có bạn nào cần vốn để làm ăn, con cho vay, được 5 triệu bà ạ”, bà Cỏn vui mừng, kể như khoe.
Số tiền không lớn với nhiều người, nhưng lại là tài sản quý giá với Hải, bởi đây là tài sản lớn nhất cậu thanh niên tự làm ra, sau thời gian dài lầm lỡ.
Gần 20 năm hoạt động, gặp không ít khó khăn như bị người nhà của người nghiện mắng, nhiều khi bị coi như việc làm vô ích. Tuy nhiên, bao năm qua, bà vẫn cần mẫn, không từ bỏ trong bất cứ trường hợp nào. Mỗi lần chứng kiến một cuộc đời đổi thay, bà Cỏn lại cảm nhận được niềm hạnh phúc vỡ òa. Khi được hỏi, niềm vui tuổi già của bà là gì, thì đó chính là niềm hạnh phúc của những người đã từng lầm lỡ và gia đình họ.
“Chính sự tin yêu của các thành viên trong CLB B93 đã thôi thúc tôi có trách nhiệm hơn nữa để giúp mỗi cá nhân có cơ hội thay đổi cuộc đời”, bà Cỏn tâm sự.
Với việc làm nhân văn của mình, bà Trần Thị Cỏn đã nhiều lần được UBND quận Đống Đa khen thưởng. CLB B93 phường Văn Miếu cũng trở thành một trong những địa chỉ hoạt động tiêu biểu của thủ đô./.
Tên nhân vật sau cai nghiện đã được thay đổi.
Hồi sinh những cuộc đời lầm lỡ
Cảm động Sư cô 10 năm nuôi dưỡng 6 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi