Chuyện về những thầy thuốc nơi tuyến đầu chống dịch
VOV.VN - Đội ngũ nhân viên y tế từng ngày, từng giờ đối diện khó khăn phòng chống dịch Covid-19. Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay thực sự đặc biệt đối với họ
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh kiêm Giám đốc Bệnh viện cách ly đặc biệt số 2 tỉnh Quảng Ninh cùng các cộng sự không thể quên cảm giác ngày 10/2 chờ đón chuyến bay đặc biệt HVN 68 đưa 30 công dân Việt Nam từ vùng tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc) trở về tại sân bay quốc tế Vân Đồn.
Đón những công dân Việt Nam trở về từ Vũ Hán.
|
Suốt 35 năm công tác trong ngành y tế, đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc với nghề, sau một đêm gần như thức trắng bác sĩ Hùng thực sự xúc động khi đúng 5h04 phút máy bay hạ cánh. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, cánh cửa máy bay mở và đoàn người bước xuống, hình ảnh em bé được mẹ bế ngủ say trông thật quá đỗi bình yên. Hành khách khóc, cười, có người thốt lên “Đất mẹ, sống rồi”... Ngoài trời mưa rét nhưng chuyến bay của tình người như xua đi sự giá lạnh, chào đón những công dân Việt Nam trở về.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng kể: “Điều ấn tượng nhất là chúng ta đã làm một việc hết sức đặc biệt, vừa mang tính chất hỗ trợ công dân, nhưng lại đảm bảo rất tốt vấn đề an toàn. Hôm đấy chúng tôi có khoảng gần 100 người làm việc trong kíp chỉ để đón 30 công dân Việt Nam về nước. Vào khu vực không an toàn ấy, họ lo chứ. Thế nhưng khi nói với anh em tối nay có nhiệm vụ đặc biệt thì kể từ lái xe cho đến nhân viên đều sẵn sàng, chính vì sự quyết tâm ấy mà việc diễn ra rất tốt và ổn định”.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện cách ly đặc biệt số 2 tỉnh Quảng Ninh (bên trái) hướng dẫn đội ngũ nhân viên y tế kỹ năng tác nghiệp. |
Để phục vụ công tác khám, điều trị và phòng chống dịch Covid-2019, Bệnh viện cách ly đặc biệt số 1 và số 2 tỉnh Quảng Ninh đã được đưa vào hoạt động, trang bị đầy đủ các loại máy móc, thiết bị y tế mới, hiện đại, như: Máy thở, máy chụp X-quang tại chỗ, moniter, hệ thống lọc máu... Cùng với việc điều động đội ngũ nhân viên y tế có trình độ chuyên môn cao từ các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến tỉnh đến làm nhiệm vụ, tham gia vào đội ngũ nhân viên y tế được điều động có không ít những người mới chập chững vào nghề.
Chị Vũ Thị Vân Anh, nữ sinh viên mới ra trường được điều động làm điều dưỡng tại bệnh viện Cách ly số 1 thành phố Móng Cái, chia sẻ: Công việc trong bệnh viện thời gian đầu thực sự vất vả, mọi người dường như bị ngợp bởi công việc quá nhiều, ai nấy cũng đều cố gắng gấp đôi, gấp ba sức lực: “Cuộc sống cũng xáo trộn khá là nhiều vì ở nhà cũng đã quen với cuộc sống có ba mẹ, có bạn bè… Khi mà vào khu cách ly này chúng em phải ở trong này tuyệt đối, không được ra ngoài. Nhiều khi bố mẹ gọi điện hỏi thì em cũng cố gắng bảo bố mẹ yên tâm. Tất cả đội ngũ y bác sĩ tại đây luôn nhắc nhở nhau phải hoàn thành tốt nhiệm vụ và cũng rất tự hào khi được là những người đầu tiên tham gia chống dịch bệnh”.
Không được ra ngoài, suốt ngày đêm phải ở trong môi trường bệnh viện, những người bị cách ly luôn cảm thấy lo lắng, bất an. Đó là tâm lý chung. Ngoài thực hiện nghiêm túc các quy trình cách ly, theo dõi sức khỏe và các nghiệp vụ chuyên môn, đội ngũ nhân viên y bác sĩ tại đây còn trở thành những người bạn đối với những người “ đồng hương đặc biệt”. Chị Lê Thị Dinh và anh Hoàng Phúc Điệp trở về từ Trung Quốc, trong diện cách ly 14 ngày cảm kích.
Chị Dinh cho biết: “Lúc đầu vào tôi cũng thấy rất hoang mang, lo sợ. Khi trở về thì rất bối rối, không biết là sẽ thế nào, được cách ly có an toàn hay không. Nhưng mà về đến đây rồi thấy mỗi người cách ly một phòng, y bác sỹ thì quan tâm khiến tôi cảm thấy an toàn, yên tâm hơn nhiều”.
Anh Điệp nói: “Bước chân về đây em cảm thấy thực sự may mắn. Vì mình cũng từ nước có dịch từ trước. Ở bên đấy thì em sợ lắm, lúc nào cũng run, cũng sợ, cũng nghĩ ngợi trong đầu không biết người có bệnh dịch nào hay không. Sau khi về đây được các bác sỹ kiểm tra rằng không sao hết thì em cảm thấy rất yên tâm. Các bác sỹ, y tá từ cái nhỏ nhất như cái khăn mặt thôi thì các bác sỹ đều chăm lo chúng em rất là tốt, được xét nghiệm từ A-Z, rồi tất cả mọi thứ khiến em cảm thấy rất may mắn khi được quay trở về đây”.
Sau 14 ngày cách ly, nhận kết quả an toàn, nụ cười và giọt nước mắt của những người được trở về với gia đình, người thân ngời lên niềm vui, hạnh phúc. Những thầy thuốc áo trắng lại tiếp tục ở lại với công việc của mình.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương, Trung tâm Y tế kiểm dịch Quốc tế Quảng Ninh cũng như bao đồng nghiệp của mình nhiều tuần nay không có thời gian về nhà. Khi trò chuyện với chúng tôi, nước mắt chị cứ thế trực trào ra vì nỗi nhớ con: “Nơi đầu sóng ngọn gió chúng tôi cũng xác định mình là người đầu tiên trong công cuộc phòng chống dịch bệnh xâm nhập này nên bản thân tôi về nhà cũng tự cách ly với những người thân trong gia đình. Tôi đã thuê một mình ở một ngôi nhà khác, sinh hoạt riêng để bảo vệ cho gia đình, cho những anh em đang cùng công tác tại cửa khẩu, tránh lây nhiễm đến mức tối đa. Nghề tôi đã chọn rồi thì không thể chùn bước được”.
Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, những người thầy thuốc đang tiếp tục là chỗ dựa đáng tin cậy của người dân. |
Hình ảnh những thầy thuốc áo trắng những ngày này càng trở nên thân thương hơn với mọi người. Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, những người thầy thuốc đang tiếp tục là chỗ dựa đáng tin cậy của người dân. Và họ cũng có cách kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam theo một cách rất riêng, như tâm sự của bác sỹ Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện cách ly đặc biệt số 2 tỉnh Quảng Ninh.
“27/2 có khi anh em ở trong diện phòng dịch có khi chỉ chúc nhau qua hệ thống trực tuyến chứ chưa chắc đã gặp mặt nhau được. Thực ra sinh nghề tử nghiệp, chúng tôi đã vào nghề này thì chúng tôi cũng xác định phải là lực lượng để người dân nhìn vào ,để cho người dân yên tâm, nếu dịch có xảy ra thì người bệnh cũng có chỗ để gửi gắm sự tin tưởng. Đó là điều hạnh phúc của nhất anh em chúng tôi trong ngày kỷ niệm năm nay”, bác sĩ Hùng tâm sự./. Infographics: Khuyến cáo quan trọng để bảo vệ trẻ trước dịch Covid-19