Cô gái bị nhiễm di chứng da cam mạnh mẽ vượt lên số phận
VOV.VN - Cô gái đó là Nguyễn Thị Hiên, hiện đang là một chuyên viên hoạt động tích cực của hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai.
Từ một cô bé tật nguyền với nhiều mặc cảm tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng cô gái mang trên mình di chứng da cam bằng nghị lực mạnh mẽ đã vượt lên số phận; hơn thế, cô còn mang nghị lực vượt khó ấy đến với những người đồng cảnh ngộ.
Cô gái đó là Nguyễn Thị Hiên (ngụ phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai), hiện đang là một chuyên viên hoạt động tích cực của hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai.
Hiên là con thứ 4 trong gia đình có 5 người con, cô gái sinh năm 1980 là người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Lúc sinh ra, cô bé Hiên khỏe mạnh, bình thường như các anh chị em khác. Nhưng chưa đầy 1 tuổi, chân bên trái của Hiên bắt đầu có những biểu hiện khác thường, rồi đôi chân hoàn toàn mất kiểm soát. Hiên bị di chứng da cam di truyền từ bố và cô không thể bước đi.
Chị Nguyễn Thị Hiên tham gia các hoạt động tập huấn, thăm tặng quà cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin (Ảnh: Lao động Đồng Nai) |
Đến trường trên lưng của cha mẹ, anh chị, Hiên lại càng thấu hiểu những khó khăn mình phải đối mặt: bị bạn bè trêu ghẹo, không thể chơi đùa hồn nhiên như các bạn, Hiên dần trở nên tự ti, khóc nhiều và muốn nghỉ học. Nhưng cũng chính từ đây, tinh thần vượt khó, động lực vượt lên số phận của cô gái tật nguyền được nhen nhóm.
Năm lên 10 tuổi, đôi chân Hiên được phẫu thuật. Bằng nỗ lực và một chút may mắn, cô gái đã tự bước đi trên chính đôi chân của mình mà không phải nhờ đến cặp nạng đã mang bên mình suốt bao nhiêu năm. Dù đã có thể tự đi lại, nhưng di chứng da cam quái ác vẫn khiến Hiên không thể có dáng đi bình thường.
Lần thứ 2 trong đời, Hiên phải đối diện với sự thật nghiệt ngã: cô vẫn là một người khuyết tật. Và vì là người khuyết tật, tấm bằng tốt nghiệp ngành kế toán không thể giúp cô có được công việc như một người bình thường.
Năm 2012, Hiên tham gia một lớp tập huấn kỹ năng cho người khuyết tật do một tổ chức phi chính phủ tổ chức tại Đồng Nai. Ban đầu chỉ tham gia cho biết, nhưng hiệu quả từ chương trình đã làm thay đổi nhìn nhận của Hiên về khả năng của người khuyết tật. Hiên trở thành một cộng tác viên tích cực cho dự án Cải thiện cuộc sống người khuyết tật thành phố Biên Hòa.
Tại đây, cô cùng dự án đã hỗ trợ hàng trăm người khuyết tật đã được học nghề, có kỹ năng công việc tốt, nhiều người trong số đó tìm được việc làm và duy trì công việc ổn định. Hiên tâm sự, khó khăn nhất nhưng cũng là thành công nhất của cô là giúp những người cùng cảnh ngộ như mình, đặc biệt là gia đình họ nhận thức được rằng người khuyết tật không phải là người vô ích.
“Các chuyên gia đã nói hết về những người khuyết tật. Họ chứng minh người khuyết tật không bị tàn mà còn có khả năng làm việc. Vì thế mà nhiều gia đình đã có con em họ tham gia hoạt động cộng đồng” – Hiên tâm sự.
Đến nay, nhiều người khuyết tật được Hiên và dự án hỗ trợ có công việc ổn định, có thể tự kiếm sống thay vì phụ thuộc hoàn toàn như trước đây. Anh Trần Minh Hoàng, một người khuyết tật làm tranh gạo có tiếng ở Đồng Nai đã thay đổi cuộc đời từ dự án hỗ trợ người khuyết tật mà Hiên là một thành viên tích cực.
Anh Hoàng cho biết: “Mình thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Mình mong muốn tất cả những người khuyết tật có thu nhập, có thể vươn lên và làm tất cả những việc như mọi người, tự tin lên”.
Kết thúc dự án thành công, nhận thấy khả năng của cô gái khuyết tật giàu nghị lực Nguyễn Thị Hiên, hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai đã nhận cô về làm việc. Tại đây, Nguyễn Thị Hiên tiếp tục khẳng định vai trò và khả năng của mình khi giới thiệu cho hàng chục người khuyết tật tìm được việc làm, ổn định cuộc sống, hỗ trợ và tổ chức các nhóm tình nguyện dành cho người khuyết tật sinh hoạt, chia sẻ những khó khăn, vui buồn trong cuộc sống. Bản thân cô vừa đi làm vừa đi học ban đêm để lấy được bằng đại học.
Bà Đào Nguyên, Chủ tịch hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai nhận xét: “Nguyễn Thị Hiên là người nỗ lực, cố gắng mặc dù sức khỏe không bằng người khác nhưng làm việc với tinh thần trách nhiệm”.
Câu chuyện vượt khó của cô gái tật nguyền Nguyễn Thị Hiên một lần nữa cho thấy, người khuyết tật không hề vô ích, ngược lại, mỗi người khuyết tật, bằng nghị lực hoàn toàn có thể tự đứng lên trên đôi chân của chính mình./.