Có một "quyết tử quân" Hà Nội

Đêm ấy, nhân dân Sơn La đã nhìn thấy trên bầu trời 3 vệt lửa rực sáng. Mãi sau này, họ mới được biết, vệt sáng cuối cùng ấy chính là vệt sáng của người anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều

Trên gác 2 của căn nhà số 21 phố Đặng Dung, Hà Nội, có một chiếc đồng hồ vẫn luôn chỉ cố định ở 9 giờ 45 phút (đêm 28/12/1972). Đó là thời điểm mà người con của gia đình - phi công Vũ Xuân Thiều - đã anh dũng hy sinh khi lao chiếc máy bay MIG 21 vào máy bay B52 của giặc Mỹ. Gần 40 năm trôi qua, thời khắc ấy đã đi vào lịch sử như một biểu tượng sáng ngời cho tinh thần quyết tử của một người con Hà Nội.

Lấy thân mình làm quả đạn thứ 3

“Nếu chú ấy không hy sinh thì đến nay là tròn 65 tuổi - chú ấy sinh năm 1945. Chỉ vài ngày nữa thôi là đất nước ta kỷ niệm quốc khánh 2/9 - cũng là 65 năm ngày nước nhà độc lập. Tiếc là chú ấy đã không thể có mặt trong ngày vui này” - đại tá Vũ Xuân Thăng, anh trai của liệt sỹ Vũ Xuân Thiều ngậm ngùi nói khi lật giở cho tôi xem những tấm ảnh của người em trai.

Đó là những bức ảnh được lưu giữ cẩn thận và sắp xếp theo trình tự thời gian trong một cuốn album của riêng anh - liệt sỹ phi công Vũ Xuân Thiều. Đầu tiên là những bức ảnh đen trắng chụp anh hồi đang học trường Chu Văn An, những bức ảnh anh chụp chung với bạn bè khi còn là sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau đó là bức ảnh của anh trong bộ quần áo phi công. Rồi đến những bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và trò chuyện cùng mẹ anh - bà Vũ Thị Vượng sau khi anh hy sinh. Những bức ảnh của các đồng đội thuộc Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không Không quân trong những lần đến thắp hương cho anh…Tất cả cứ trải ra trước mắt tôi như một câu chuyện dài vô tận về anh - liệt sỹ Vũ Xuân Thiều, ấn tượng đọng lại trong tôi là hình ảnh không thể quên về anh với đôi mắt sáng, nụ cười rạng rỡ trong bộ quần áo phi công.

Liệt sĩ Vũ Xuân Thiều

Sau cuốn alblum ảnh, Đại tá Vũ Xuân Thăng lại lần giở cho tôi xem một cuốn album khác, dày và to hơn cuốn album trước, tập hợp những bức thư Vũ Xuân Thiều đã gửi về cho gia đình, những bài báo ca ngợi chiến công của anh, và đặc biệt là rất nhiều những bức thư, những bài thơ viết về anh và người mẹ Vũ Thị Vượng từ mọi miền của Tổ quốc gửi về cho gia đình. Những bức thư tay với những nét chữ đã thấm nhòe theo thời gian khiến tôi phải vừa đọc vừa luận. Nhưng càng đọc, tôi lại càng bị cuốn hút bởi những dòng cảm xúc rất chân thành và đầy cảm phục trước tấm gương hy sinh của anh hùng liệt sỹ Vũ Xuân Thiều. Những vần thơ đôi khi chỉ là những câu chữ giản dị, mộc mạc nhưng chất chứa đầy tình cảm và sự ngợi ca về anh:

Với chiếc “MIG” anh lao vào
thằng giặc
Chiếc pháo đài chớp lửa
nổ tung ngay
Trời Yên Châu rực sáng
tựa ban ngày
Cả tỉnh Sơn La vui mừng hớn hở….

Đặc biệt, trong những bức thư ấy, có rất nhiều bức thư gửi riêng cho bà Vũ Thị Vượng - mẹ của liệt sỹ Vũ Xuân Thiều - với tấm lòng biết ơn, kính trọng. Bà Vũ Thị Vượng là chiến sỹ liên lạc của Đảng từ năm 1945. 10 người con của bà, tất cả đều tốt nghiệp Đại học. Trong đó có 5 tiến sỹ, 9 người là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và cũng 5 người trong số đó tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong dịp Quốc khánh 2/9/2000, mẹ nhận được một bức thư với những dòng chữ đầy xúc động: “Mẹ Vượng ơi! Con xin nhận mẹ là người mẹ tinh thần của con. Và sự thực, mẹ đã là người mẹ tinh thần của con rồi. Mẹ là người mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ ơi” (Phan Thanh Hưng, Thu Ngạc, Thanh Sơn, Phú Thọ). 

Mẹ Vượng đã mất 6 năm rồi, nhưng với những người con trong gia đình nhỏ ở số 21 phố Đặng Dung, và những người con khác trên mọi miền Tổ quốc của mẹ, hình ảnh người mẹ tảo tần bên chiếc máy may hằng đêm vẫn luôn sống mãi. “Con nghĩ lúc này không phải lúc lo lắng cho riêng ngôi nhà thân yêu của mình…”.

“Con nghĩ lúc này không phải lúc lo lắng cho riêng ngôi nhà thân yêu của mình…”

Ngay từ nhỏ, Thiều đã ước mơ thành phi công. Trên bìa vở của anh thường vẽ rất nhiều hình máy bay. Lớn lên, Thiều theo học tại khoa Vô tuyến điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đang học cuối năm thứ 3, không nói với bố mẹ, Thiều tự ý tham gia tuyển phi công. Lần thứ nhất, anh trượt vì đã bị nôn khi kiểm tra động tác quay tròn. Sau đó, hàng tối, Thiều lên sân thượng tập quay. Thi lần thứ hai, Vũ Xuân Thiều trúng tuyển phi công. Khi nhập ngũ, anh đã được nhà trường đặc cách cấp bằng tốt nghiệp đại học.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần đến thăm bà Vũ Thị Vượng – mẹ anh hùng liệt sĩ Vũ Xuân Thiều

Sau đó, Thiều được cử đi học lái máy bay tại Liên Xô. Luôn say mê học hành, quyết tâm luyện tập, anh đã nhanh chóng nắm vững kỹ thuật, chiến thuật, sử dụng tốt loại máy bay MIG 21 có trang bị đánh đêm. Năm 1968, Vũ Xuân Thiều về nước tham gia chiến đấu ở Trung đoàn 921, rồi Trung đoàn 927. Ngày 22/5/1972, Thiều viết thư về cho bố mẹ: “Khi cuộc chiến tranh đến giai đoạn tàn khốc nhất, Mỹ huỷ diệt các thành phố, những chiếc máy bay B52 sẽ được dùng vào đêm nhiều hơn và đó sẽ là thời cơ của chúng con”.  “Cấp trên bảo với chúng con rằng: đừng nghĩ đến những chiếc F4, mà hãy nghĩ đến những chiếc B52”. Qua thư của anh, gia đình được biết: Anh được biên chế trong đoàn bay chiến đấu về đêm ở tầm cao để đánh B52.

Trung tuần tháng 12/1972, đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B52 vào thành phố Hà Nội, Hải Phòng. Lá thư gửi cho gia đình đề ngày 21/12/1972, Vũ Xuân Thiều viết: “Trải qua 2 đêm nặng nề, cái nặng nề của mọi người phải đứng nhìn lửa bom hết đợt này đến đợt khác rải xuống Hà Nội và những vùng phụ cận. Rồi sẽ còn chồng chất thêm những tội ác nào nữa. Đó là điều mà ai cũng lo lắng và căm giận. Con nghĩ lúc này không phải là lúc lo lắng cho riêng ngôi nhà thân yêu của mình, cùng với...”. Đó là lá thư viết dở dang. Và anh đã không kịp gửi về cho gia đình lá thư cuối cùng ấy…

Trong trận chiến đấu lúc 21 giờ 41 phút ngày 28/12/1972, Vũ Xuân Thiều trên chiếc MIG 21, cất cánh từ sân bay Cẩm Thuỷ, Thanh Hóa. Đến vùng trời Sơn La, Vũ Xuân Thiều vượt qua hàng rào máy bay tiêm kích của địch tiếp cận và phát hiện được mục tiêu B52. Được lệnh, Vũ Xuân Thiều vào công kích. Sau khi bắn 2 quả tên lửa mà B52 địch chỉ bị thương, Vũ Xuân Thiều đã dùng chiếc MIG 21 của mình làm quả đạn pháo thứ 3, lao vào máy bay địch. Chiếc B52 tan xác rơi ngay trên vùng trời Sơn La. Còn người con trai Hà Nội đi vào cõi vĩnh hằng.

Đại tá Vũ Xuân Thăng kể, sau này, ông có dịp được gặp Thiếu tướng Anh hùng Không quân Nguyễn Hồng Nhị. Trong những ngày tháng 12/1972, Thiếu tướng là Trung đoàn trưởng của Vũ Xuân Thiều. Thiếu tướng kể lại: “Có lần Thiều nói với tôi, nếu bắn 2 quả tên lửa xong mà nó không rơi, em xin phép đâm thẳng vào đó”.

Đêm ấy, nhân dân Sơn La đã nhìn thấy trên bầu trời 3 vệt lửa rực sáng. Mãi sau này, họ mới được biết, vệt sáng cuối cùng ấy chính là vệt sáng của người anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều. Thi thể anh được an táng tại Sơn La. Cảm phục trước tấm gương hy sinh của người anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều, nhiều người hàng ngày vẫn qua nghĩa trang Bố Ẩn, thị xã Sơn La thắp hương cho anh.

Chị Bế Minh Hương, khi ấy còn là học sinh, sau mỗi buổi đi học về đều qua nghĩa trang thắp hương cho anh. Sau này, khi liệt sỹ Vũ Xuân Thiều được gia đình đưa về nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội, chị đã tìm cách liên lạc với mẹ Vũ Thị Vượng. Từ đó, hàng năm, mỗi ngày giỗ của anh, chị đều từ Thái Nguyên (sau này gia đình chị chuyển về Thái Nguyên) xuống Hà Nội để thắp hương cho anh. Những khi bận không về được, chị cũng không quên gửi lễ thắp hương cho anh.

Khi viết bài này tôi may mắn được nói chuyện với Vũ Đình Rạng, người đồng đội cùng phi đội bay đêm với liệt sỹ Vũ Xuân Thiều. Ông kể: “Tôi bằng tuổi với Thiều. Tính cậu ấy điềm đạm, hiền lành và rất thông minh. Hồi cùng học với chúng tôi ở bên Liên Xô, Thiều luôn là người tiếp thu, nắm bắt rất nhanh những kỹ thuật bay và nhiệt tình giúp đỡ bạn bè khi ai đó còn có điều thắc mắc hay chưa hiểu”.

Đặc biệt, ông cũng như những người đồng đội khác vẫn luôn nhớ câu nói của Vũ Xuân Thiều: “Nếu không bắn được B52, mình sẽ làm quả đạn pháo thứ 3”. Phi công Vũ Đình Rạng là phi công MIG 21 đầu tiên trên thế giới dùng tên lửa bắn trúng B52 Mỹ. Chiếc máy bay Mỹ đã rơi ở Thái Lan. Từ cuộc chiến đấu của ông, Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam đã rút được nhiều bài học quý.

Xin được khép lại bài viết này bằng những câu thơ từ bức thư tay đã nhòe mực lưu giữ trong cuốn album của gia đình Anh hùng liệt sỹ Vũ Xuân Thiều:

Hà Nội bình yên thương tiếc
ngậm ngùi
Vũ Xuân Thiều - người anh hùng
đất Việt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên