Có nên làm phố đi bộ tại TPHCM kiểu “trăm hoa đua nở”?
VOV.VN - Ngày 29/12, phố đi bộ Kỳ đài Quang Trung ở Quận 10, TP HCM chính thức đi vào hoạt động. Như vậy, cùng với phố đi bộ Nguyễn Huệ và phố đi bộ Bùi Viện ở Quận 1 thì đến thời điểm này TP HCM có tổng cộng ba khu vực được xây dựng thành phố đi bộ.
Mới đây, UBND Quận 3 cũng đề xuất xây dựng phố đi bộ khu vực Hồ Con Rùa. Người dân và chuyên gia tại TP HCM có nhiều ý kiến xung quanh việc phố đi bộ đang “nở rộ”.
Đua nhau làm phố đi bộ
Phố đi bộ vừa được Quận 10 đưa vào hoạt động nằm tại khu vực Kỳ đài Quang Trung, vốn là một vòng xoay nhỏ, nằm kế bên chợ Nguyễn Tri Phương. Với chiều dài khoảng 100m, khu vực có tên gọi phố đi bộ tập trung phần lớn là các gian hàng về ăn uống, ẩm thực, thời gian hoạt động từ 18h đến 23h các ngày trong tuần - trừ thứ Hai. Xét về quy mô, hình thức hoạt động, khu vực này giống như một chợ đêm hơn là phố đi bộ, bởi không gian nhỏ, đóng, không có tính kết nối với các khu vực xung quanh.
Còn ở Quận 3, trao đổi với phóng viên VOV bên lề hội thảo “Quận 3 - Tiềm năng phát triển đô thị” diễn ra mới đây, ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND Quận 3 cho biết: Ý tưởng xây dựng phố đi bộ khu vực Hồ Con Rùa được quận coi như một bước đột phá, bổ sung những vấn đề còn thiếu của đô thị. Theo ông Bình, việc quận lựa chọn Hồ Con Rùa để làm phố đi bộ cũng là chăm lo, giải quyết vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội.
Hiện Quận 3 vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm cho ý tưởng này: “Trước mắt, từ đây đến Tết Tân Sửu cố gắng chỉn chu để người dân vui chơi. Còn để có một phương án mang tính toàn diện và lâu dài, hiện nay đang kết nối Sở GT-VT, Sở Xây dựng cùng thực hiện đồng bộ”.
Cần xử lý lấn chiếm vỉa hè
Bà Hoàng Thị Lợi, sinh sống trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1 cho rằng, cần xem xét thấu đáo việc các quận quá gần nhau lại cùng tổ chức phố đi bộ. Từ khu vực Hồ Con Rùa tới đường Nguyễn Huệ không xa, trong khi Hồ Con Rùa là khu vực giao cắt với nhiều con đường trung tâm, lại là đường một chiều. Nếu tổ chức chặn xe để đi bộ thì có nguy cơ quá tải lên các con đường trung tâm này. Theo bà Lợi, cần tính toán kỹ về hạ tầng cơ sở, quan trọng hơn là quy hoạch chung về chỉnh trang đô thị chứ không phải cứ thích là làm phố đi bộ.
Một vấn đề nữa phải tính đến khi làm phố đi bộ là không để ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, làm sao để lợi ích chung của thành phố phù hợp với lợi ích của người dân. Bà Lợi cảnh báo, nếu các quận cứ làm đồng loạt làm phố đi bộ thì sẽ giống như trước đây từng đồng loạt xây chợ, đầu tư nhiều nhưng lại bỏ hoang, trong khi vẫn cứ phát sinh chợ tự phát, gây hiệu ứng không tốt: “Bây giờ đồng loạt các quận, huyện mà có phố đi bộ thì tôi e là sẽ rối. Sẽ phải điều phối, làm một loạt hướng giao thông, dừng đậu như thế nào. Sẽ ùn tắc bởi người dân sử dụng phương tiện cá nhân nhiều quá, sẽ nảy sinh bãi gửi xe. Đây là điểm yếu của thành phố từ xưa đến nay chưa làm được”, bà Lợi nói.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về quy hoạch cho rằng hiện đang có sự ngộ nhận về phố đi bộ. Việc sử dụng một tuyến phố vài trăm mét rồi đóng không cho giao thông, rồi nhân rộng ra quận nào cũng có thì sẽ là phát triển thiếu bền vững. Theo ông Sơn, thời gian qua, tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm và đa số con phố không còn thân thiện với người đi bộ. Ông Sơn đưa ra khái niệm “phố thân thiện cho người đi bộ” và khuyến nghị hướng tới xây dựng loại này. Đây là những con phố vẫn cho phương tiện giao thông nhưng bố trí lại vỉa hè, nhiều cây xanh và có mái che, kết nối với nhà cửa, dịch vụ hai bên đường: “Nhìn ở Quận 3 thì những con đường như Nguyễn Đình Chiểu, Trương Định…cây xanh đang bao phủ rất mát. Nếu những vỉa hè này không còn bị lấn chiếm nữa, tổ chức lại cho đàng hoàng sẽ là những phố đi bộ thân thiện, đem lại hiệu quả về kinh tế xã hội và thu hút khách du lịch”.
Một đô thị hiện đại không cần quá nhiều phố đi bộ kiểu chợ đêm, dẫn tới lộn xộn, nhếch nhác và thiếu điểm nhấn. Thay vì các quận, huyện đua nhau làm phố đi bộ, UBND TP HCM cần làm “nhạc trưởng” để quy hoạch đô thị bài bản, chi tiết, vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh mỗi địa phương mà vẫn mang tính đồng bộ, kết nối, có tính hỗ trợ lẫn nhau. Nếu làm tốt TP sẽ giải quyết được vấn nạn lấn chiếm lề đường, vỉa hè, trả lại nơi đi bộ đúng nghĩa cho người dân./.