Có nên xóa bỏ hạn điền?

Theo ông Đặng Hùng Võ: Cần thiết phải xóa bỏ hạn điền và thời gian sử dụng đất để người nông dân mạnh dạn áp dụng sinh học hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa… vào nông nghiệp  

>> Tăng cường tích tụ ruộng đất?

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nếu không tích tụ đất đai, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ không bao giờ đi lên được.

“Khuyến khích tập trung ruộng đất; phát triển gia trại, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng” là một trong những chính sách, chủ trương lớn được đưa vào Dự thảo “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020” trình Đại hội lần thứ XI của Đảng.

Để chính sách này đi vào cuộc sống, việc xóa bỏ "hạn điền" cần tập trung làm trong thời gian sớm nhất. Báo TNVN xin trích đăng ý kiến của một số chuyên gia và nhà nông về vấn đề này:

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường: Điều chỉnh đất đai dựa trên nguyên tắc tài chính

PV: Ông có đồng ý với ý kiến, khuyến khích tập trung ruộng đất là con đường duy nhất chúng ta cần đi để tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, trong đó quan trọng nhất là xóa bỏ "hạn điền"?

Ông Đặng Hùng Võ

Ông Đặng Hùng Võ: Năm 1994, chúng ta đã tạo ra động lực mạnh mẽ khi giao đất cho hộ gia đình. Nay là thời điểm phải tạo ra động lực mới, nếu không nông nghiệp chỉ dừng lại ở kinh tế hộ gia đình, không thể phát triển hơn được nữa. Đã đến lúc cần phải giải phóng sức sản xuất của người nông dân để họ có thể chủ động, mạnh dạn, tính toán dài hơi trong việc đầu tư vào nông nghiệp.

Cần thiết phải xóa bỏ hạn điền và thời gian sử dụng đất để người nông dân mạnh dạn áp dụng sinh học hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa… vào nông nghiệp. Trong khi đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp thì việc khuyến khích nông dân tăng cường hàm lượng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp là cần thiết.

PV: Bỏ "hạn điền" và không giới hạn về thời gian sử dụng đất trên thực tế đã được nói đến nhiều, nhưng một số chuyên gia không đồng tình mà cho rằng chỉ nên nới rộng "hạn điền" chứ không nên xóa bỏ? Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Ông Đặng Hùng Võ: "Hạn điền" hiện đã được nới rộng so với trước đây. Trước đây ở khu vực ngoài ĐBSCL, mỗi hộ gia đình được giao là 2 ha và ở khu vực ĐBSCL là 3 ha. Sau đó, chúng ta coi đấy là hạn mức giao đất. Còn "hạn điền" được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trong một nghị quyết ở mức gấp đôi diện tích giao đất.

"Hạn điền" đã được nới rộng nhưng chưa đủ. Hiện nay, chúng ta có quy định về "hạn điền" nhưng thực tế lại không quản lý được "hạn điền". Những người vượt hạn mức cũng không bị xử lý vì không có cơ chế.

Đặt ra hạn điền chỉ mang tính hình thức nhưng lại tác động rất lớn đến tâm lý người nông dân. Những người nghiêm túc trong việc thực hiện pháp luật không dám vượt quá "hạn điền" cho phép. Do tác động tâm lý, người nông dân có tiền cũng không dám mở rộng đất đai, không dám bỏ tiền đầu tư dài hơi.

PV: Có rất nhiều vấn đề cần phải làm trong khi giới hạn thời gian thực hiện xóa bỏ "hạn điền" chỉ cho phép kéo dài đến năm 2013. Điều này có quá gấp gáp không thưa ông?

Ông Đặng Hùng Võ: Năm 1993, chúng ta bắt đầu tính thời hạn giao đất. Đến năm 2013 là tròn 20 năm, là thời điểm hết thời hạn giao đất đối với đất sản xuất trồng cây hằng năm. Vì vậy, dù muốn dù không chúng ta cũng phải quyết định hoặc là tiếp tục giao đất hoặc là thu hồi. Quốc hội quyết định phải xem xét việc sửa đổi bổ sung Luật Đất đai hoặc xây dựng Luật Đất đai mới trước năm 2013 cũng vì lý do đó.

PV: Nếu chúng ta làm vội vàng, có sợ rằng lại xuất hiện địa chủ, điền chủ thâu tóm đất đai hoặc nhiều người không làm nông nghiệp nhưng có tiền mua đất để đầu cơ hoặc đón đầu quy hoạch không thưa ông?

Ông Đặng Hùng Võ: Chuyện đất đai chúng ta làm không khéo thì hầu hết người nông dân trong tương lai sẽ trở thành người đi làm thuê. Những người không làm nông nghiệp nhưng có tiền sẽ thu gom đất nông nghiệp rồi lại phát canh thu tô.

Chúng ta phải chấp nhận cơ chế thị trường bởi nếu không rất khó nâng cao năng suất và chất lượng nông sản. Chỉ có điều, chúng ta cần lưu ý trong việc tạo ra một cơ chế phân chia địa tô hợp lý. Người nông dân bỏ sức lao động trên đồng ruộng phải được nhận công sức xứng đáng. Pháp luật đất đai phải tính kỹ vấn đề này, phải có cơ chế để điều tiết mọi mặt cả về quy hoạch, sử dụng, tài chính.

Có thể những người không làm nông nghiệp mà tích tụ đất nông nghiệp thì sẽ bị đánh thuế cao. Còn những người trực tiếp sản xuất trên đồng ruộng, chúng ta có thể giảm thuế, thậm chí miễn thuế cho họ. Vấn đề là chúng ta cần đồng nhất ý kiến tạo khung pháp lý hợp lý, chặt chẽ.

PV: Ông từng nói, để tích tụ đất đai không thể dùng biện pháp hành chính là lấy đất của người này để giao cho người khác mà phải dùng biện pháp tài chính để điều tiết. Xin ông cho biết rõ thêm về quan điểm này?

Ông Đặng Hùng Võ: Hiện tại, ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, nhiều người có đất nông nghiệp nhưng lại bỏ đi làm những việc phi nông nghiệp. Họ không chuyển nhượng đất cho người khác vì với họ, mảnh đất là chỗ lùi cuối cùng khi họ lâm vào tình cảnh khó khăn. Vì vậy, ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ hết thời hạn 20 năm có thể thu hồi đối với những trường hợp này để chia lại, giao cho những người thực sự có nhu cầu.

Tuy nhiên, ở khu vực ĐBSCL, người nông dân tận dụng cao nhất sức sản xuất trên đất. Bây giờ mà lấy đất của họ là cả một vấn đề lớn, tác động không tốt tới tâm lý người nông dân. Vì vậy, chúng ta có thể điều chỉnh dựa trên nguyên tắc tài chính. Người nhận đất phải bỏ ra một món tiền để trả cho người bị Nhà nước điều chỉnh vì có đất mà không sử dụng.

PV: Chúng ta đã xây dựng mô hình nông lâm trường nhưng thực tế hiện nay có nhiều bất cập nảy sinh từ những mô hình này. Theo ông, mô hình nông lâm trường ở thời điểm này còn phù hợp không?

Ông Đặng Hùng Võ: Phần lớn những nông lâm trường hiện giao khoán đất của mình cho các nông lâm trường viên. Những nông lâm trường viên lại thực hiện kinh tế hộ gia đình trên nông lâm trường được giao khoán đó và hằng năm phải nộp lại một phần thu nhập cho nông lâm trường mẹ.

Tại sao chúng ta phải đẻ ra một bộ máy hành chính cồng kềnh như vậy mà không giao đất trực tiếp cho hộ gia đình ở địa phương. Đã đến lúc cần mạnh dạn thu lại đất của những nông lâm trường để giao trực tiếp cho hộ gia đình cá nhân.

PV: Chuyện xóa bỏ "hạn điền" là một xu thế khách quan. Tuy nhiên, điều cần tính tới là nông dân phải có được quyền thực sự trên mảnh đất của mình để có thể tham gia góp cổ phần làm ăn lớn. ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Đặng Hùng Võ: Tôi cho đó là một phương thức tốt. Nông dân có thể tham gia góp cổ phần dưới dạng thành lập một doanh nghiệp hoặc một HTX kiểu mới khi họ thấy từng cá nhân không chống chọi được với thiên tai, với bất thường trong sản xuất nông nghiệp. Họ có thể dùng đất đai của mình làm tài sản để góp cổ phần, như thế vừa được thu lợi từ việc cho thuê đất vừa được trả công theo sức lao động bỏ ra trên đồng ruộng.

Xin cảm ơn ông!

Ông Peter Core, Giám đốc "Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế" (Australia): Nên kéo dài thời gian giao quyền sử dụng đất

Ở Việt Nam, thời gian giao quyền sử dụng đất quá ngắn, không thể tạo ra mức độ chắc chắn và như thế không khuyến khích việc đầu tư cải tạo đất. Do đó, Chính phủ cần xem xét để kéo dài thời gian giao quyền sử dụng đất cho nông dân.

Chính sách "hạn điền" của Việt Nam hiện nay ngăn cản những hộ nông dân sản xuất hiệu quả tích tụ và đầu tư trên đất. Vì vậy, những chính sách cho phép và khuyến khích việc chuyển đổi sử dụng đất một cách linh hoạt là cần thiết.

Việt Nam cần tạo khung pháp lý và thể chế cho việc đẩy nhanh các giao dịch và đảm bảo quyền sử dụng đất. Khung thể chế này cần phải chú ý đến hiện trạng thị trường đất đai và phải đưa ra một cơ chế hiệu quả cho thị trường đất đai hoạt động. Trong đó cần quy định quyền và nghĩa vụ của các bên hay thành phần tham gia. Khi đó, việc đổi ruộng để giảm manh mún có thể diễn ra nhanh hơn. Những người tham gia đổi đất cho nhau có thể có lợi từ các giao dịch đất đai dựa trên giá cả thị trường được thỏa thuận./.

Ông Nguyễn Văn Khái, chủ trang trại ở ấp Bàu Bàng (Lai Uyên, Bến Cát, Bình Dương): Nhà nước nên bỏ hẳn "hạn điền"

Tập trung ruộng đất đang là đòi hỏi bức thiết để phát triển sản xuất nông nghiệp. Hiện tôi có một trang trại cao su rộng 60ha. Lương mà các trang trại cao su ở đây trả cho công nhân cạo mủ khoảng hơn 3 triệu đ/tháng, cao hơn lương của công nhân đang làm trong các nhà máy, khu công nghiệp. Nếu trả lương không thoả đáng, công nhân nông nghiệp sẽ bỏ đi làm ở nơi khác.

Do đó, việc tập trung ruộng đất trong thời đại ngày nay chắc chắn sẽ không làm sản sinh ra tầng lớp địa chủ, điền chủ bóc lột những người tá điền như ngày xưa nữa. Vì thế, Nhà nước nên bỏ hẳn hạn điền và giới hạn thời gian của quyền sử dụng đất./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên