Cơ quan chức năng nói gì về chất cấm trong chăn nuôi?

Để người chăn nuôi "nói không" với chất cấm, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, cần sự vào cuộc của toàn xã hội.

Trước thông tin người chăn nuôi sử dụng hóa chất cấm trong thức ăn chăn nuôi để kích thích tỉ lệ nạc trong thịt lợn, gây hại cho sức khỏe con người, khiến nhiều người tiêu dùng tẩy chay thịt lợn, ngành chăn nuôi thiệt hại hàng tỉ đồng mỗi tháng.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT: Tạo điều kiện để nhân dân tố giác vi phạm

** Hiện có hàng trăm loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu vào Việt Nam. Các cơ quan chức năng cần phải làm gì để thức ăn chăn nuôi có chứa các chất cấm không còn đất sống ở thị trường Việt Nam, thưa ông?

** Theo đánh giá ban đầu, thức ăn nhập khẩu qua con đường chính ngạch hoàn toàn không có các chất cấm. Thức ăn chăn nuôi có chứa các chất cấm vào Việt Nam đều thông qua con đường nhập lậu và tiểu ngạch. Tuy nhiên, việc này không thể chủ quan, thời gian tới chúng tôi vẫn tiếp tục tăng cường kiểm soát thức ăn chăn nuôi để những sản phẩm kém chất lượng và chứa chất cấm không lọt vào Việt Nam.

Thịt lợn siêu nạc đang là nổi ám ảnh nhiều người tiêu dùng quay lưng với loại thực phẩm này (Ảnh: TPO)

Còn việc quản lý thức ăn chăn nuôi qua con đường tiểu ngạch và nhập lậu cần có sự phối hợp của các bộ, ngành, các cơ quan có liên quan. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tăng cường hậu kiểm, thường xuyên kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi ở các nhà máy, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh.

** Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện nhiều lô hàng thức ăn chăn nuôi có chứa các chất cấm nhưng kiểm tra các mẫu thịt trên thị trường lại phát hiện rất ít sản phẩm tồn dư hóa chất. Tại sao có sự chênh lệch như vậy, thưa ông?

** Kết quả này là do thời gian qua, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi nên người chăn nuôi không dám dùng nữa. Những con lợn đã bị cho ăn chất cấm, nếu họ không cho ăn tiếp thì chỉ trong một tuần là các chất này thải hết ra ngoài. Do vậy, kết quả kiểm tra trên các mẫu thịt lợn hầu hết là âm tính. Vì vậy, người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng sản phẩm trong nước.

** Thời gian tới, Cục Chăn nuôi có biện pháp nào để người chăn nuôi nói "không" với thức ăn chăn nuôi có chứa chất cấm gây nguy hại cho sức khỏe con người?

** Chúng tôi kêu gọi toàn xã hội tẩy chay chất cấm. Các cơ quan chức năng ở địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng ở Trung ương tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng các chất cấm. Người chăn nuôi, người sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi ký cam kết với cơ quan quản lý Nhà nước cấp cơ sở không sử dụng chất cấm, không bao che và sẽ tố giác hành vi sử dụng chất cấm. Cơ quan quản lý Nhà nước cần tạo điều kiện để người dân tham gia tố giác bằng cách thiết lập đường dây nóng.

Hiện, Cục Chăn nuôi đã có hai đường dây nóng để người dân tham gia tố giác vi phạm. Bên cạnh đó, cần tích cực tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu rõ tác hại của chất cấm, biết chất cấm đang được sử dụng ở mức độ nào và kêu gọi người dân tích cực tham gia vào quá trình giám sát, phát hiện những cơ sở vi phạm.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thường xuyên lấy mẫu phân tích để thực phẩm đưa ra thị trường đảm bảo an toàn. Chế tài xử lý vi phạm của chúng ta hiện nay khá đầy đủ, ngoài xử phạt hành chính còn có các hình phạt bổ sung khá mạnh, thậm chí cả xử lý hình sự. Điều quan trọng là chúng ta phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để có sức răn đe.

** Xin cảm ơn ông!./.

Ông Nguyễn Đăng Vang, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: Kết quả kiểm tra những mẫu thịt lợn lấy ngẫu nhiên ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An hầu hết là âm tính. Vì vậy, người tiêu dùng có thể yên tâm, không nên quá hoang mang, lo ngại. Nếu người tiêu dùng có phản ứng tiêu cực tẩy chay thịt lợn thì chỉ khoảng 6 tháng nữa, đàn lợn sẽ giảm đi trông thấy, không đủ thịt cung cấp cho thị trường, giá thịt tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.

Để loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi, chúng ta phải tiến hành đồng bộ những công việc chính sau: Công tác thanh tra, kiểm tra phải làm thường xuyên, quyết liệt; công khai thông tin nhanh chóng khi thông tin đó đã được kiểm chứng đầy đủ và chính xác; phạt nặng những người vi phạt, phạt mức nặng nhất như trong Luật An toàn thực phẩm quy định, phạt hành chính gấp 7 lần so với giá trị sản phẩm vi phạm gây ra kèm theo các hình phạt bổ sung.

Những trường hợp vi phạm nặng cần xử phạt hình sự để có sức răn đe. Khi Luật Hình sự được sửa đổi có thể bổ sung những điều cụ thể hơn, tạo thuận lợi trong vấn đề quản lý ATVSTP.  

** Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM: Quản lý chặt chẽ các hộ nuôi lợn nhỏ, lẻ

Trước đây rất dễ nhận biết heo “nạp” chất cấm qua đánh giá cảm quan vì vai nở, mông to. Nay người chăn nuôi dùng nhiều chiêu thức nên muốn đánh giá chính xác việc sử dụng chất cấm phải xét nghiệm khiến quá trình xử lý kéo dài, phức tạp.

Việc sử dụng chất cấm đa phần xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ do nhận thức còn hạn chế, lại bị tư thương xúi giục vì lợi nhuận. Nếu quản lý chặt các hộ nuôi heo này, tư thương hết đường làm ăn, thực trạng sử dụng chất cấm sẽ giảm đáng kể.

** Ông Hoàng Công Nhiên, cán bộ Trạm thú y huyện Ea Kar tỉnh Đắk Lắk: Khuyến cáo người chăn nuôi sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng

Trên địa bàn huyện đã phát hiện được một, hai điểm sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng cấp trên có định hướng cụ thể, chỉ đạo việc xử lý vi phạm. Chúng tôi luôn khuyến cáo người dân sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng hoặc thức ăn có sẵn tại địa phương giá vừa thấp, đồng thời cũng đảm bảo tính an toàn.

Chúng tôi thường xuyên kiểm tra các quầy thuốc, quầy thức ăn gia súc để phát hiện các cơ sở vi phạm. Bên cạnh đó, Trạm thú y tăng cường tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, công tác tập huấn cơ sở, tuyên truyền cho nông dân hiểu rõ tác hại và mức xử phạt để họ không sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên