Cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia: Không thể dàn hàng ngang
VOV.VN - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, nếu đề xuất nhiều trường trong danh mục cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia thì không còn “trọng điểm” nữa vì nguồn lực nhà nước có hạn.
Dự thảo quy hoạch mạng lưới giáo dục ĐH và Sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 định hướng có 28-30 cơ sở giáo dục ĐH trọng điểm quốc gia. Trong đó có 5 ĐH quốc gia, 5 ĐH vùng,18-20 cơ sở giáo dục ĐH trọng điểm ngành quốc gia.
Các trường đại học “thi nhau” đề xuất trở thành “trọng điểm”
Nhất trí với những định hướng nêu ra trong dự thảo, GS.TS Nguyễn Hải Nam Hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội cho rằng, hiện nay ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH mới chiếm 0.27% GDP nên thay vì đầu tư dàn trải, việc đầu tư vào các ĐH trọng điểm sẽ phù hợp trong giai đoạn sắp tới.
Theo GS.TS Nguyễn Hải Nam các ĐH quốc gia, ĐH Vùng, ĐH trọng điểm ngành quốc gia giữ vai trò dẫn dắt, cung cấp nhân lực chất lượng cao, đội ngũ giảng viên cho các trường ĐH khác. Vì vậy, ngoài tiêu chí về quy mô sinh viên thì cần bổ sung tỉ lệ sau ĐH tối thiểu 20% nhằm tránh việc các trường ĐH trọng điểm được đầu tư nhiều hơn mà chỉ chạy theo đào tạo sinh viên ĐH chứ không chú trọng đào tạo sau ĐH.
Phó hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội cũng đề nghị Trường ĐH Dược Hà Nội trong danh sách trọng cơ sở giáo dục ĐH trọng điểm quốc gia. Lý do, đây là ngành quan trọng, thể hiện rõ sau đại dịch. Tuy nhiên, toàn quốc hiện chỉ có 1 trường ĐH dược duy nhất là ĐH Dược Hà Nội. Các trường ĐH Y thì không có khoa dược. Còn Trường ĐH Y dược TP.HCM thì Khoa dược nằm trong trường ĐH. Hơn nữa, ĐH Dược Hà Nội đang đào tạo giảng viên cho khoa dược của các trường ĐH Y dược khác, được Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT giao nhiều nhiệm vụ mang tính chất dẫn dắt, tiên phong.
Còn ông Đinh Công Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hóa Hà Nội cho rằng danh mục quy hoạch đề xuất 2 cơ sở đào tạo thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch vào nhóm trọng điểm quốc gia nhưng chưa mang tính chất đại diện và bao quát cho lĩnh vực này.
Ông Tuấn đề xuất lựa chọn và xác định các cơ sở đào tạo trọng điểm về văn hóa theo các tiêu chí đa ngành. Đồng thời, khi chọn cơ sở đào tạo lĩnh vực nghệ thuật cần lưu ý trường có nhiều chuyên ngành nghệ thuật khác nhau.
Trường nào cũng mong được trở thành trường ĐH trọng điểm nhưng bên cạnh “màu cờ sắc áo” thì trường ĐH còn có nhiệm vụ cao hơn là đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong lĩnh vực được giao đào tạo. Ông Triệu Hùng Trường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mỏ Địa chất nói và dẫn nguyên văn Nghị quyết 23 NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó nhấn mạnh “đẩy mạnh điều tra cơ bản địa chất tìm kiếm thăm dò, đánh giá trữ lượng tài nguyên trên đất liền, thềm lục địa của đất nước, xây dựng chiến lược quy hoạch kế hoạch quản lý khai thác sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản...”
Ông Trường cho rằng đây là ngành, lĩnh vực được Đảng quan tâm. Nếu ngành lĩnh vực này được gọi trọng điểm thì nên quan tâm đến cơ sở giáo dục ĐH phụ trách có truyền thống, có thế mạnh trong ngành đó để giao thành ngành trọng điểm.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mỏ Địa chất, trong danh sách 18 cơ sở giáo dục ĐH xếp vào trọng điểm ngành quốc gia, cơ cấu ngành nghề lĩnh vực kỹ thuật, khoa học công nghệ còn ít. Trong khi đây là những ngành đóng vai trò quan trọng trong tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội. Do đó, ông Trường đề nghị ban soạn thảo bổ sung thêm cơ cấu ngành nghề kỹ thuật – công nghệ, đưa một số ngành nghề lĩnh vực trọng điểm đúng tầm vóc.
Còn ông Trần Thanh Vân – Phó giám đốc ĐH Thái Nguyên mong muốn ban soạn thảo nhìn nhận dưới góc độ tiếp cận vùng, địa chính trị để xem xem xét ĐH Thái Nguyên và ĐH Cần Thơ có tên trong danh mục ĐH quốc gia theo quy hoạch mới.
Trong khi đó, Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải cũng đề xuất được đưa vào diện quy hoạch cơ sở giáo dục trọng điểm quốc gia.
Nhiều trường trong danh mục cơ sở giáo dục ĐH trọng điểm quốc gia thì không còn “trọng điểm” nữa
PGS.TS Phạm Thu Hương – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại Thương cho rằng, việc đầu tư cho các trường ĐH là hướng tốt để thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục ĐH. Tuy nhiên điều này phải đảm bảo nguyên tắc không tạo nên sự bất bình đẳng trong phát triển giáo dục ĐH, căn cứ vào chất lượng đầu ra của các trường ĐH, khả năng huy động nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực quốc tế cho phát triển giáo dục ĐH.
Lịch sử phát triển giáo dục ĐH cho thấy, một số dự án tập trung đầu tư cho một số trường nhưng thực tiễn chưa hiệu quả. Vì vậy, bà Hương mong muốn việc đầu tư phải gắn với trách nhiệm và hiệu quả trong khai thác nguồn lực.
Theo Phó hiệu trưởng trường ĐH Ngoại Thương, thay vì liệt kê trường trọng điểm thì nên đưa ra các điều kiện cụ thể để trở thành trường trọng điểm và có cơ chế linh hoạt trong việc lựa chọn và phát triển.
PGS.TS Phạm Thu Hương cho rằng cần phân định thành 2 nhóm:
Nhóm 1 là nhóm có điều kiện đảm bảo chất lượng như đã đề cập.
Nhóm 2 là nhóm liên quan đến chất lượng đầu ra. Đây là cơ hội cho các trường có tuyển sinh thuộc top cao, có chuẩn đầu ra tốt, thậm chí có chuẩn đầu ra cao hơn khung quốc gia, đáp ứng chuẩn đầu ra của các chương trình quốc tế.
“Ngoại thương là một trong những trường đầu tiên thực hiện thí điểm tự chủ. Chúng tôi đối mặt với nhiều khó khăn và chưa từng có cơ chế ưu tiên đầu tư thực hiện thí điểm. Mỗi lần chính sách đưa ra, chúng tôi phải đối mặt với câu chuyện làm thế nào đảm bảo chất lượng đầu vào và chất lượng đầu ra. Mong muốn của chúng tôi là đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trong phát triển giáo dục, có cơ chế công bằng để các trường ĐH có cơ hội, dù không nằm trong các trường trọng điểm nhưng cũng không mất đi lợi thế cạnh tranh phát triển kể cả trong nước và quốc tế”, PGS.TS Phạm Thu Hương nói.
GS.TS Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội cho rằng, muốn làm quy hoạch thì cần phải có một đầu mối quản lý Nhà nước. Ngành nào là ngành chủ lực thì nhà nước cần nắm bắt, đặt vấn đề từng bước chứ không thể dàn hàng ngang được.
Ông Minh đề xuất thiết lập một ma trận xác định các tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể về nhân lực, cơ sở vật chất, nhu cầu thực tiễn, cơ cấu ngành nghề, tác động xã hội...Từ đó để “các trường soi vào thấy mình hợp lý, chưa hợp lý, đi theo hướng nào thuận hơn”.
“Trường nào cũng mong muốn trọng điểm, thậm chí quốc gia. Vấn đề xác định cơ cấu nào, nhà nước cần phải quản, chúng ta phải làm trước thì lộ trình đơn giản. Tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, các trường soi vào thì tính tự giác cao hơn”, GS. Minh nói.
Trao đổi với các ý kiến của trường ĐH, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định nếu đề xuất nhiều trường trong danh mục cơ sở giáo dục ĐH trọng điểm quốc gia thì không còn “trọng điểm” nữa vì nguồn lực nhà nước có hạn.
“Theo dự thảo hiện nay có 30 cơ sở đại học trong danh mục, dù chỉ chiếm 10-15% số cơ sở giáo dục ĐH nhưng có quy mô 30% sinh viên, 80% tiến sĩ. Nếu hơn thì rất khó.
Trọng điểm ở đây vừa mang tính chất lĩnh vực ngành trọng điểm then chốt, bám sát Nghị quyết của Đảng, ưu tiên Sư phạm, Y dược, lĩnh vực Khoa học – Kỹ thuật - Công nghệ, Pháp luật...trong Nghị quyết của Đảng, chứ không phải đưa tất cả các ngành,” ông Sơn nói.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Nhà nước quan tâm đầu tư vào các cơ sở giáo dục thuộc các lĩnh vực và ngành trọng điểm. Đồng thời, đầu tư để tăng cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH ở những vùng miền, đối tượng khó khăn. Nếu dàn trải sẽ không có nguồn lực và không đem lại hiệu quả đầu tư cao.