Đưa nghệ thuật truyền thống đến với giới trẻ

Con đường lắm chông gai

Mặt trái của cơ chế thị trường tạo ra một áp lực lớn khiến đội ngũ sáng tạo nghệ thuật truyền thống không đủ tâm, đủ sức, đủ năng lực để sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật truyền thống có chất lượng cao

Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, nghệ thuật truyền thống tồn tại ra sao? Liệu rằng giới trẻ có quan tâm đến nghệ thuật truyền thống hay không? Các nghệ sĩ trẻ có đủ tình yêu và sự đam mê để đeo đuổi nghề tới cùng? Làm thế nào để đưa nghệ thuật truyền thống đến với giới trẻ? là những vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Đăng Chương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) để làm rõ hơn những vấn đề này.

** Thưa ông, xã hội đang rất trăn trở về sự tồn tại của các bộ môn nghệ thuật truyền thống trong đời sống hiện đại. Nhìn nhận của ông về vấn đề này ra sao?

Ông Nguyễn Đăng Chương: Trong những năm gần đây, nghệ thuật truyền thống của chúng ta bị rơi vào tình trạng khủng hoảng khán giả. Nói cách khác, nghệ thuật truyền thống của chúng ta đang bị tách rời đời sống hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.

Thực trạng đó có nhiều nguyên nhân, trong đó, có lý do thuộc về mặt trái của cơ chế thị trường, nó tạo ra một áp lực rất lớn khiến đội ngũ sáng tạo nghệ thuật truyền thống không đủ tâm, đủ sức, đủ năng lực trình độ để sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật truyền thống có chất lượng cao, đáp ứng mong mỏi của nhân dân trong thời kỳ đổi mới.

** Được biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã đề ra chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, trong đó có nêu nhiều giải pháp bảo tồn các bộ môn nghệ thuật truyền thống, chẳng hạn như việc đầu tư để phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, phục dựng các bộ môn nghệ thuật truyền thống, đưa nghệ thuật truyền thống vào nhà trường... Theo ông giải pháp nào là thiết thực nhất?

Ông Nguyễn Đăng Chương: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra nhiều đề án, ví dụ như đề án phát triển nghệ thuật truyền thống để làm cho nghệ thuật truyền thống vừa là hình thức thể hiện, vừa là thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam đi vào đời sống và phát huy được các giá trị văn hóa của cha ông, cũng như tiếp thu được tinh hoa văn hóa của nhân loại để đáp ứng được đòi hỏi trong thời kỳ mới. Trong việc xây dựng đề án này, Bộ đã chú trọng đầu tư vào nguồn lực con người.

** Như ông vừa nói, việc đầu tư vào nguồn lực con người cho các bộ môn nghệ thuật truyền thống có vai trò quyết định?

Ông Nguyễn Đăng Chương: Như chúng ta đã thấy, các loại hình nghệ thuật truyền thống xưa nay đã ngấm sâu vào đời sống của nhân dân, nhưng lâu nay, đặc biệt những năm gần đây, việc đào tạo và tuyển dụng nhân lực cho nghệ thuật truyền thống vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Nghệ thuật tuồng, chèo nhiều năm không tuyển được học sinh. Bên cạnh đó, đội ngũ sáng tạo khác như đạo diễn, tác giả cũng rất mỏng, thiếu hụt ghê gớm.

Một vấn đề cần được quan tâm nữa là phải nâng cao chất lượng đào tạo cho nghệ thuật truyền thống đối với nghệ sĩ chuyên nghiệp. Nghệ sĩ chuyên nghiệp xưa nay hoạt động theo phương pháp truyền nghề. Tuy nhiên, do những vướng mắc về cơ chế chính sách, nên có những người có năng khiếu bẩm sinh để hoạt động trong lĩnh vực truyền thống nhưng lại không có đủ điều kiện để đi học. Chính vì vậy, đối tượng này đang phải đứng bên ngoài biên chế của các đơn vị nghệ thuật. Người ta lao động sáng tạo nhưng chỉ được hợp đồng, nên họ không yên tâm sáng tạo, nhiều người phải từ bỏ nghệ thuật truyền thống. Đó cũng là lý do giải thích vì sao nguồn lực nhân tài trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật truyền thống của chúng ta bị hao hụt, mất đi.

** Thưa ông, cũng có ý kiến cho rằng để nghệ thuật truyền thống có thể tồn tại được và phát triển, việc đào tạo công chúng cho nghệ thuật truyền thống cũng rất quan trọng. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

Ông Nguyễn Đăng Chương: Muốn cho nghệ thuật truyền thống tồn tại và phát triển được buộc nghệ thuật phải có công chúng. Hay nói cách khác là nghệ thuật truyền thống đó phải sống trong lòng nhân dân, chứ không phải chỉ có ghi băng, bảo lưu, bảo tồn, tổng kết hoặc đúc kết... Nghệ thuật truyền thống đó phải sống trong lòng nhân dân, được nhân dân ghi nhận, cổ vũ và được nhân dân tham gia vào. Đây là vấn đề khó khăn vì chúng ta đang thiếu hụt lực lượng khán giả trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống. Nếu chúng ta không có chiến lược gây dựng đội ngũ khán giả cho nghệ thuật truyền thống, 5 năm tới, thậm chí ngay bây giờ hỏi các em hiểu thế nào là chèo, là tuồng, là cải lương, đa số các em sẽ trả lời không biết.

Chính vì thế mà chúng ta cần xây dựng một đề án đưa nghệ thuật truyền thống vào trường học và phải lựa chọn việc thực hiện đề án này ra sao để đạt hiệu quả.

** Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên