Còn nhiều vướng mắc di dời dân vùng nguy cơ sạt lở ở Hòa Bình
VOV.VN - Tỉnh Hòa Bình có gần 4.000 hộ dân nằm trong khu vực bị ảnh hưởng, có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất cần di dân tái định cư theo Quyết định 590 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, các cấp, các ngành ở tỉnh Hòa Bình đã có nhiều cố gắng trong việc di dời các hộ dân, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc.
Trong giai đoạn 2021-2024, tỉnh Hòa Bình đã bố trí di dời dân theo hình thức tập trung được 373 hộ. Kèm với đó xây dựng đường giao thông, hệ thống nước sinh hoạt tập trung, đường điện, trường học, nhà văn hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân tại những khu tái định cư mới.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. Về cơ chế chính sách, mức hỗ trợ cho các hộ dân còn thấp, nên đời sống của người dân sau khi di chuyển vẫn còn gặp khó khăn. Đối với những dự án bố trí theo hình thức xen ghép tại chỗ do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư còn thiếu quỹ đất. Nguồn vốn Trung ương còn hạn chế không có kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng cũng như đất sản xuất. Về nguồn vốn thực hiện dự án chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Trung ương, nên thường chậm hơn so với tiến độ dự án làm cho địa phương bị động khi thực hiện dự án.
Ông Nguyễn Hồng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, cho biết: "Tỉnh Hòa Bình là tỉnh còn nhiều khó khăn nên đầu tư cho tái định cư còn hạn chế. Cái khó khăn lớn nhất là quỹ đất để xây dựng tái định cư tập trung. Thứ hai là do phong tục tập quán khi phải xa nơi chôn nhau cắt rốn cũng khó khăn. Bên cạnh việc xây khu tái định cư tập trung là hết sức cần thiết thì cũng nên quan tâm tái định cư theo hình thức xen ghép".
Cùng với đó, việc chậm di dời các hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét còn có nguyên nhân chủ quan trong phân cấp cơ chế quản lý giữa các sở ngành và cấp huyện chưa thật sự rõ ràng. Cơ chế chính sách còn chậm đổi mới, chưa theo kịp phát triển xã hội.
Ông Nguyễn Hồng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, cho biết thêm: "Sử dụng nguồn ngân sách để di dân xen ghép là hết sức khó khăn. Chúng tôi mong muốn cùng với nguồn lực của địa phương Trung ương cũng xem bổ sung thêm nguồn lực. Hiện nay trong Quyết định 590 của Thủ tướng Chính phủ trong Mục 3 có quy định chương trình di dân tái định cư không nằm trong vùng đầu tư chương trình dân tộc miền núi 1719. Đối với Hòa Bình vùng nguy cơ sạt lở cao cần phải di dời lại nằm trong các chương trình dân tộc miền núi, do vậy không thể dùng được nguồn ngân sách khác. Trong khi đó đầu tư ở vùng này theo 1719 thì chỉ thực hiện di dân tập trung không di dân xen ghép".