Công bố vận hành hệ thống quản lý thông tin trợ giúp xã hội

VOV.VN - Hệ thống MIS POSASoft là một hệ thống quản lý thông tin trợ giúp xã hội và giảm nghèo dựa trên nền tảng web.

Ban quản lý dự án “Tăng cường sự trợ giúp xã hội Việt Nam” (Ban QLDA) công bố bắt đầu vận hành Hệ thống thông tin quản lý (MIS POSASoft). Việc triển khai áp dụng hệ thống MIS POSASoft vào công tác quản lý sẽ giúp giảm thiểu áp lực về hành chính, nhân sự, tăng cường hiệu quả giám sát báo cáo và đảm bảo tính minh bạch trong việc thực hiện chi trả các khoản hỗ trợ.

Giới thiệu hệ thống phần mềm MIS và tham vấn quy chế, quản lý, vận hành, khai thác và chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu về giảm nghèo và trợ giúp xã hội (Ảnh: Bộ LĐ,TB&XH)

Hệ thống MIS POSASoft là một hệ thống quản lý thông tin trợ giúp xã hội và giảm nghèo, dựa trên nền tảng web, có thể mở rộng quy mô và được khai thác sử dụng cho nhiều chương trình trợ giúp xã hội và giảm nghèo khác nhau. Với cơ sở dữ liệu quốc gia về trợ giúp xã hội và giảm nghèo, hệ thống sẽ vận hành thống nhất từ cấp huyện, tỉnh và Trung ương, hỗ trợ quản lý biến động về người hưởng lợi, đồng thời theo dõi được dòng tài chính dành cho trợ giúp xã hội, hỗ trợ cán bộ quản lý trong công tác báo cáo, giám sát và phục vụ xây dựng định hướng chính sách.

Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đại diện cơ quan chủ quản của dự án, cho biết: “Việc áp dụng hệ thống Thông tin quản lý MIS là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính và tăng cường giám sát, đánh giá. Sau khi triển khai thí điểm thành công tại 4 tỉnh là Hà Giang, Lâm Đồng, Quảng Nam và Trà Vinh, dự án sẽ được triển khai trên toàn quốc, giúp tiết kiệm ngân sách dành cho quản lý và chi trả trợ cấp xã hội hiện nay”.

Ban QLDA đã phối hợp với Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Cục Bảo trợ xã hội và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (Sở LĐTB&XH) của 63 tỉnh/thành phố trên cả nước để thực hiện thu thập thông tin hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình có người hưởng trợ cấp/trợ giúp thường xuyên tại cộng đồng. Dự tính, sau khi hoàn thành, dữ liệu lưu trữ trong hệ thống MIS sẽ khoảng 6,5 triệu hộ gia đình và hiện dự án đang bắt đầu bàn giao cơ sở dữ liệu cho các tỉnh/thành phố để chuẩn bị vận hành đồng bộ trong năm 2017.

Song song với quá trình hiện đại hoá hệ thống thông tin quản lý, việc đào tạo đội ngũ cán bộ vận hành hệ thống MIS tại địa phương cũng đã được đưa vào kế hoạch. Dự tính trong quý I và quý II năm 2017, sẽ có khoảng 3.000 cán bộ trên cả nước được đào tạo để có thể vận hành tốt hệ thống MIS.

Bên cạnh hệ thống quản lý hiện đại, dự án cũng đặc biệt chú trọng phát triển và nâng cao năng lực cho đội ngũ cộng tác viên thôn/bản (CTV). Trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2016, dự án đã tổ chức 142 lớp tập huấn kiến thức và kỹ năng truyền thông cho hơn 6.072 CTV và cán bộ lao động, thương binh và xã hội xã tại 690 xã của 4 tỉnh dự án (Hà Giang, Quảng Nam, Lâm Đồng và Trà Vinh). Đây được coi là lực lượng nòng cốt, được bồi dưỡng kiến thức về chính sách của chương trình “Tạo cơ hội” và các kỹ năng truyền thông để hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng đăng ký tham gia chương trình, cung cấp thông tin và tuyên truyền vận động người dân sử dụng tiền trợ cấp đúng mục đích, đầu tư cho dinh dưỡng, khám sức khỏe và cho trẻ đến trường.

Dự kiến trong giai đoạn tiếp theo, dự án sẽ phát triển các kế hoạch đào tạo ngắn hạn và dài hạn cho đội ngũ CTV, cũng như xây dựng các chương trình truyền thông vì sự phát triển nhằm truyền thông tới mọi cấp lãnh đạo và người dân hiểu hơn về định hướng đổi mới mà dự án đang thực hiện. Các chương trình đào tạo nâng cao năng lực sẽ được xây dựng riêng cho từng nhóm đối tượng của dự án, với sự tư vấn và hỗ trợ từ các chuyên gia của World Bank và UNICEF.

Có thể nói, dự án “Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam” trong thời gian triển khai vừa qua đã thể hiện những ưu điểm nổi trội trong việc quản lý và chi trả, giúp giảm gánh nặng cho hệ thống quản lý, giảm bớt khó khăn cho các đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao hiệu quả của các chính sách trợ giúp xã hội hiện hành. Những sáng kiến, đổi mới trong công tác quản lý và cung cấp dịch vụ sẽ góp phần giải quyết những thách thức về giảm nghèo bền vững mà Việt Nam đang phải đối mặt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên