Cộng đồng quốc tế đánh giá cao quyết tâm kiềm chế tai nạn giao thông của Việt Nam

Mỗi năm, Việt Nam có 880.330 trường hợp tai nạn thương tích, 33.000 trường hợp tử vong, chủ yếu do tai nạn giao thông (chiếm tới 50%) và chết đuối ở trẻ em (chiếm 20%)...  

Sáng 4/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã đến dự và phát biểu khai mạc “Hội nghị Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 2 về Phòng chống tai nạn thương tích”, với sự tham dự của hơn 600 đại biểu lãnh đạo các bộ, ngành và đại biểu đến từ 28 quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Phó Thủ tướng nêu rõ: Tai nạn thương tích đang trở thành mối quan tâm lo ngại của mỗi quốc gia và trên toàn thế giới. Ước tính hàng năm trên thế giới có khoảng 5 triệu người chết do tai nạn thương tích, trong đó trên 5% tai nạn giao thông đường bộ. Tai nạn thương tích cũng là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong và tàn tật cho trẻ em dưới 19 tuổi ở Việt Nam, với trên 500 trường hợp trẻ em mắc và hơn 20 trường hợp tử vong mỗi ngày. Trước thực trạng trên, ngay từ năm 2001, Chính phủ đã phê duyệt chính sách Quốc gia phòng, chống tai nạn thương tích- Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chính sách này. Chính phủ Việt Nam đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm chủ động phòng, chống tai nạn thương tích có hiệu quả. Đặc biệt, Nghị quyết 32/2007/NQ-CP về việc tăng cường một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, trong đó quy định đội mũ bảo hiểm bắt buộc cho người đi mô tô xe máy. Đặc biệt, công tác đảm bảo an toàn giao thông đường bộ được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của các địa phương. Kết quả cho thấy số người bị tai nạn giao thông nhập viện giảm 9,4%; tỷ lệ chấn thương sọ não, giảm 14,1%... Đồng thời, công tác phòng, chống tai nạn thương tích đang được Chính phủ rất quan tâm, dự kiến cuốn năm 2008 sẽ thông qua kế hoạch Hành động Phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em năm 2008-2010 và Chương trình hành động phòng, tránh đuối nước cho trẻ em.

Cũng như các nước đang phát triển, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng tai nạn thương tích có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ thiệt hại do các loại thương tích gây ra ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng (tương đương gần 2 tỷ USD mỗi năm) và để lại gánh nặng cho xã hội trong việc chăm lo cho người tàn tật, mất sức lao động...

Phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ Shigeru Omi - Giám đốc Khu vực Tổ chức Y tế Thế giới Tây Thái Bình Dương khẳng định: Cộng đồng quốc tế đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc kiềm chế tai nạn giao thông, bằng những cam kết chính trị cấp cao đã góp phần giảm thiểu tại giao thông và các tai nạn khác.

Hội nghị châu Á - Thái Bình Dương về phòng chống tai nạn thương tích, diễn ra từ ngày 4 đến 6/11/2008 với nhiều chuyên đề được trình bày như: Chuyên đề về nâng cao năng lực trong phòng thương tích và bạo lực; mũ bảo hiểm với an toàn xe gắn máy; phòng chống đuối nước và bạo lực; xây dựng cộng đồng an toàn; an toàn giao thông đường bộ; chăm sóc chấn thương và giám sát tai nạn thương tích…

Kết thúc Hội nghị lần này, các đại biểu sẽ thông qua Tuyên bố Hà Nội./.