Công nhân, người lao động mỏi mòn chờ đợi tiền hỗ trợ thuê nhà
VOV.VN - Việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn quá chậm trễ so với yêu cầu. Cần quan tâm nhiều hơn đến các gói hỗ trợ, đặc biệt trong thời điểm lực lượng lao động tại một số địa phương đang thiếu hụt nghiêm trọng.
Anh Nguyễn Bảo Trung (quê ở Nghệ An) làm việc tại Công ty Nissei Electric (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) được 5 năm, hiện, anh thuê một căn phòng trọ nhỏ chỉ khoảng 15 m2 tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội, cách nơi làm việc gần 1km. Mỗi tháng anh Trung phải trả 700.000 tiền thuê phòng trọ, chưa kể điện, nước. Khi nghe báo, đài và được lãnh đạo công ty tuyên truyền về gói hỗ trợ thuê nhà cho người lao động, anh và các bạn cùng dãy nhà trọ phấn khởi lắm.
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, các thủ tục hỗ trợ được Công ty tiến hành và hàng nghìn công nhân đã nhận được số tiền hỗ trợ thuê nhà là 500.000 đồng vào tài khoản mỗi tháng. Trung cho rằng, đây là một chính sách hỗ trợ đầy nhân văn và rất ý nghĩa, bởi trong bối cảnh dịch Covid-19 mới kết thúc, giá cả mọi thứ đang tăng cao thì số tiền này mặc dù không nhiều nhưng cũng giúp các công nhân vơi bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống.
Đây chỉ là một trong số rất ít công ty, doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thành việc triển khai gói hỗ trợ tiền thuê nhà đến tay người công nhân, người lao động.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố, tính đến ngày 4/7 vừa qua, đã tiếp nhận hồ sơ của 13.880 doanh nghiệp để hỗ trợ cho 558.024 lao động với kinh phí hỗ trợ hơn 357 tỉ đồng tại 45 địa phương.
Các địa phương đã phê duyệt cho 280.954 lao động với tổng kinh phí 209 tỉ đồng tại 38 địa phương. Đã có 15 địa phương giải ngân cho 13.541 lao động với kinh phí hơn 70 tỉ đồng, con số này chỉ chiếm hơn 1% gói hỗ trợ.
Nguyên nhân là do các địa phương phải chờ hướng dẫn tại Quyết định 791, mặc dù đã phê duyệt nhưng chưa bố trí kinh phí từ ngân sách Trung ương để trả. Ngoài ra, một số địa phương, doanh nghiệp sợ làm sai nên yêu cầu phải có xác nhận, dẫn đến việc chi trả chậm trễ, khiến nhiều công nhân, người lao động phải mỏi mòn chờ tiền hỗ trợ thuê nhà.
Đến thời điểm này, đúng 1 tháng trước khi hết hạn nhận hồ sơ hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà (15/8), nhiều doanh nghiệp và địa phương đã bắt đầu tiến hành hướng dẫn công nhân, người lao động làm thủ tục để nhận tiền hỗ trợ thuê nhà.
Ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần May Hưng Yên cho biết, sau khi được hướng dẫn, Công ty đang triển khai phát đơn cho công nhân để họ kê khai thông tin, xin xác nhận của chủ nhà cho thuê, sau đó công ty tập hợp lại rồi xin hỗ trợ. Công ty đang phấn đấu hoàn thành việc giải ngân cho người lao động thuê trọ trong tháng này.
Ông Dương cho hay, sở dĩ việc chi trả tiền hỗ trợ thuê nhà trọ cho công nhân người lao động chậm trễ trong thời gian qua, một phần là do các Công ty, doanh nghiệp chưa nắm rõ hướng dẫn, sợ bị làm sai, một phần khác do người lao động chưa chủ động trong việc trong việc tìm hiểu thông tin, đề xuất để bảo vệ quyền lợi của mình.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính, gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân, người lao động là một trong những gói hỗ trợ mang tính nhân văn rất sâu sắc, hỗ trợ đúng thời điểm cho những người đang gặp khó khăn khi mới quay trở lại thị trường lao động sau một thời gian dài nghỉ việc do đại dịch Covid-19. Ai cũng mong muốn gói hỗ trợ này sẽ sớm đến tay công nhân, để từ đó đem lại hiệu quả cho lao động, phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
“Tuy nhiên, việc triển khai gói hỗ trợ này quá chậm trễ so với yêu cầu, điều này có thể gây cản trở cho việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Đã đến lúc chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến các gói hỗ trợ tăng trưởng, phát triển và đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, lực lượng lao động tại một số địa phương đang thiếu hụt nghiêm trọng, do đó, việc hỗ trợ này là rất cần thiết”, ông Đinh Trọng Thịnh cho hay.
Cũng theo ông Thịnh, gói hỗ trợ này có đến được với công nhân nhanh hay không thì phải phụ thuộc vào đội ngũ, cán bộ cơ sở ở các địa phương, cán bộ công đoàn. Các gói hỗ trợ này có đi vào thực tiễn hay không thì phụ thuộc rất lớn vào sự chứng nhận cũng như việc triển khai làm các thủ tục, chứng từ, giấy tờ mà Chính phủ Nhà nước yêu cầu đối với gói hỗ trợ.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, một trong những khó khăn khi triển khai gói hỗ trợ trong thời gian qua là việc xác nhận, chứng nhận cho người công nhân đi thuê nhà. Việc xác nhận của địa phương là rất quan trọng, thế nhưng, các động thái của công đoàn, doanh nghiệp địa phương lại chưa tích cực, dẫn đến có rất nhiều doanh nghiệp chưa triển khai được gói hỗ trợ và gói hỗ trợ chưa được thực thi theo đúng nguyện vọng. Đây là một trong những điều cần phải lưu tâm để việc giải ngân được triển khai nhanh chóng hơn tại các doanh nghiệp, địa phương. Thời hạn để triển khai gói hỗ trợ sắp hết, tiền thì có mà chưa giải ngân được, đây là điều lãng phí, khiến hoạt động tăng trưởng và sự phát triển của nền kinh tế trong tương lai chậm lại. Đã đến lúc cần phải xem xét mọi khó khăn, vướng mắc để gói hỗ trợ được triển khai một cách hiệu quả nhất.
“Về phía người lao động, trước hết phải nắm bắt được thực tiễn, chính sách của Nhà nước và tìm hiểu xem mình có nằm trong diện được hỗ trợ không. Nếu nằm trong diện được hỗ trợ thì cần có yêu cầu, đề xuất để giúp cho việc triển khai gói này được nhanh nhất. Nếu cứ ỷ lại vào doanh nghiệp, công đoàn thì mọi việc sẽ rất trì trệ và mất nhiều thời gian. Nên chăng người lao động cần chủ động hơn nữa trong việc làm thủ tục, hồ sơ, thay vì cứ loay hoay trông chờ vào các tổ chức, công đoàn”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan, địa phương liên quan có giải pháp đẩy nhanh việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo quyết định 08.
Theo đó, người lao động đang làm việc nhận hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng). Mức hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động 1.000.000 đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng). Dự kiến có 3,4 triệu lao động thụ hưởng chính sách này./.