Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 4/4
VOV.VN - Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 4/4.
Tổng thống Nga truy tặng phóng viên chiến trường Tatarsky Huân chương Dũng cảm. Ngày 3/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã truy tặng phóng viên chiến trường Vladlen Tatarsky, tên thật là Maxim Fomin, người đã thiệt mạng một ngày trước đó tại St.Petersburg, Huân chương Dũng cảm. Sắc lệnh tương ứng đã được công bố trên cổng thông tin pháp lý.
Trong sắc lệnh viết “Vì lòng dũng cảm và can đảm thể hiện trong việc thực hiện nghĩa vụ chuyên nghiệp, trao tặng Huân chương Dũng cảm cho Fomin Maxim Yuryevich (Vladlen Tatarsky), phóng viên chiến trường (đã qua đời)”.
Nga đình chỉ thanh toán các khoản đóng góp cho Hội đồng Nghị viện OSCE. Ngày 3/4, Chủ tịch Duma quốc gia (tức Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin tuyên bố, Hội đồng Duma Quốc gia đã quyết định đình chỉ việc nộp các khoản đóng góp cho ngân sách của Hội đồng Nghị viện (PA) của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) trong năm 2023.
Theo Chủ tịch Duma quốc gia Nga V.Volodin, quyết định này là do Nga đang phải đối mặt với những nỗ lực can thiệp vào công việc của phái đoàn nước này. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi không nên trả tiền cho thứ mà chúng tôi không tham gia. Nếu họ không cho phép làm việc cả trong năm nay, chúng tôi sẽ yêu cầu trả lại khoản phí đã thanh toán trước đó".
Tổng thống Putin ký luật thành lập tòa án tại 4 vùng mới sáp nhập vào Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 3/4 đã ký ban hành luật liên quan đến lập tòa án và bổ nhiệm các thẩm phán tại 4 vùng gồm Lugansk, Donetsk Kherson, Zaporizhzhia.
Các thẩm phán cũ tại những vùng này khi còn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine có quyền được ứng tuyển vào các vị trí trong tòa án mới nhưng phải đáp ứng các điều kiện đặt ra và phải có quốc tịch Nga. Luật cũng thiết lập thủ tục tiến hành những kỳ thi tuyển chọn cho các vị trí tư pháp ở 4 vùng trên, cũng như xác định quyền hạn của Hội đồng thẩm phán.
Ukraine đưa quân dự bị về giành Bakhmut sau khi Nga tuyên bố kiểm soát thành phố, ông Yan Gagin - cố vấn lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng cho hay.
Theo ông Yan Gagin: “Đối phương quyết tâm chiến đấu để giành các khu vực xung quanh mà quân đội Ukraine vẫn kiểm soát mặc dù họ đã mất thành phố này. Ukraine đang điều động lực lượng dự bị để giành lại Bakhmut”. Cố vấn lãnh đạo DPR cũng cho biết, hàng trăm binh lính Ukraine vẫn tiếp tục chiến đấu ở Bakhmut. Tuy nhiên, theo lời ông, lực lượng dự bị mà Kiev đưa đến thành phố đã bị bẻ gãy.
Nga phong tỏa mọi con đường đến “chảo lửa Bakhmut thứ hai", ông Denis Pushilin, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, cho biết, các lực lượng Nga đã phong tỏa thành công con đường dẫn tới thành phố Avdiivka ở khu vực Donetsk, nhằm làm suy yếu vị trí của quân đội Ukraine.
“Ở hướng Avdiivka, các đơn vị của chúng tôi đang tiến về phía trước. Vẫn còn sớm để nói về việc bao vây thành phố. Tình hình giao tranh ở đây vẫn rất căng thẳng. Chúng tôi thấy cần phải phong tỏa con đường dẫn đến thành phố này để đạt được bước tiến”, ông Pushilin nói trong một chương trình phát sóng trực tiếp trên kênh truyền hình Rossiya-24.
Tiết lộ số xe tăng thực sự đến tay Ukraine sau hàng loạt cam kết của phương Tây. Tính đến đầu tháng 4/2023, Ukraine đã nhận được 57 xe tăng trong tổng số 293 xe tăng mà các nước phương Tây cam kết hỗ trợ ở thời điểm hiện tại, Tass đưa tin. Điều đó tức là cho đến nay, 19% số lượng xe tăng phương Tây cam kết đã được vận chuyển cho Ukraine. Hồi tháng 1, Đức thông báo sẽ cung cấp 14 xe tăng Leopard 2A6 và cam kết sẽ hỗ trợ thêm 4 xe tăng này vào 24/2. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Ukraine đã nhận được số xe tăng trên.
Berlin cũng thông qua việc cung cấp 178 xe tăng Leopard 1A5 trong kho quốc phòng. Những chiếc xe tăng cũ sẽ được cung cấp trong sự phối hợp với Đan Mạch và Hà Lan. Tổng cộng, Đức dự định cung cấp thêm 100 xe tăng cho Ukraine cho tới quý 1 hoặc quý 2 của năm 2024. Na Uy đã chuyển 8 xe tăng và Bồ Đào Nha đã cung cấp 3 xe tăng cho Ukraine. Ba Lan thông báo chuyển 14 xe tăng Leopard 2A4 cho Kiev. 4 trong số những xe tăng này được vận chuyển vào cuối tháng 2 và những chiếc còn lại đến tay Kiev vào đầu tháng 3.
Phần Lan chính thức trở thành thành viên của NATO. Phần Lan đã chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO, đánh dấu một sự thay đổi lớn đối với an ninh ở đông bắc châu Âu, làm tăng thêm khoảng 1.300 km (830 dặm) biên giới giới khối liên minh quân sự này với Nga. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã có mặt tại trụ sở NATO ở Brussels khi Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto ký văn kiện gia nhập khối liên minh quân sự của Helsinki.
“Phần Lan hôm nay đã trở thành thành viên của liên minh quân sự NATO. Kỷ nguyên không liên kết quân sự trong lịch sử của chúng ta đã kết thúc. Một kỷ nguyên mới bắt đầu. Mỗi quốc gia phải đảm bảo tối đa an ninh của chính mình. Phần Lan cũng vậy. Đồng thời, việc trở thành thành viên NATO sẽ củng cố vị thế quốc tế của chúng ta và tạo cơ hội cho các hành động. Là một đối tác, từ lâu chúng ta đã tích cực tham gia các hoạt động của NATO. Trong tương lai, Phần Lan sẽ đóng góp vào khả năng phòng thủ và răn đe tập thể của NATO”, Tổng thống Phần Lan cho biết trong một tuyên bố.
Điện Kremlin cảnh báo đáp trả việc Phần Lan gia nhập NATO. Nga sẽ phải thực hiện các biện pháp đáp trả đối với việc Phần Lan gia nhập NATO, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 4/4 nhấn mạnh.
“Quân đội của chúng tôi sẽ thông báo về mọi thứ trong thời gian thích hợp. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Phần Lan và xem khối NATO sẽ sử dụng lãnh thổ Phần Lan như thế nào để triển khai vũ khí, các hệ thống và cơ sở hạ tầng gần biên giới của chúng tôi, điều có khả năng gây ra mối đe dọa đối với Nga”, ông Peskov nhấn mạnh./.