Công nhân PouYuen mất việc chật vật mưu sinh
VOV.VN - Mặc dù đã nỗ lực duy trì sản xuất, song vẫn rơi vào tình cảnh thiếu đơn hàng, buộc Công ty TNHH PouYuen, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM phải cắt hợp đồng lao động đối với gần 2.400 công nhân. Công ty cũng có các chính sách hỗ trợ, nhưng để ổn định cuộc sống, công nhân đang phải loay hoay tìm việc làm, mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau.
Ngổn ngang trăm bề
10h đêm, anh Nguyễn Công Chính, 39 tuổi, vẫn ngồi chờ được “nổ” thêm cuốc xe ôm. Từ chiều đến tối mịt, anh chỉ mới có 3 cuốc xe ít ỏi, không đủ tiền ăn của gia đình 4 người trong ngày. Chạy xe ôm công nghệ vào ban đêm là nghề “tay trái” của anh vài năm gần đây, sau khi tan ca ở Công ty PouYuen. Giờ đây mất việc nên anh tạm thời chạy xe cả ngày lẫn đêm.
Theo anh Chính, dường như rất nhiều người đang thất nghiệp (chủ yếu là nam giới) chọn hành nghề xe ôm công nghệ, trong đó có nhóm bạn đồng nghiệp của anh ở PouYuen. Do đó, số cuốc xe anh nhận ngày càng ít.
Đến nay, đã 10 ngày nhận quyết định nghỉ việc, anh Chính còn ngổn ngang trong lòng, lo lắng không biết tìm thêm việc gì để nuôi 2 con ăn học. Vợ anh Chính cũng là công nhân trong PouYuen và làm việc ở khu vực khác nên chưa bị cắt hợp đồng, nhưng không tăng ca, chỉ nhận lương cơ bản.
Theo thông báo của công ty, những lao động nghỉ việc sẽ nhận tiền hỗ trợ qua tài khoản từ ngày 7/4. Nếu như vậy, anh Chính sẽ nhận mức hỗ trợ gần 160 triệu đồng sau 18 gắn bó với PouYuen.
Anh Nguyễn Công Chính chia sẻ: “Trong đầu óc mình vẫn sợ chứ. Xong hết tháng này, sang tháng sau mà không có việc thì làm sao mà sống. Người ta đền bù cho hơn 100 triệu đó xoay được mấy vòng là hết sạch luôn vì đủ thứ chi phí còn phòng con đau ốm. Mong nhất là có việc để làm, chứ còn không thể nào cứ ở không. Vài tháng nữa không tìm được việc thì bắt buộc phải về quê, không thể nào sống ở đây được”.
Với bà mẹ đơn thân Võ Thị Phượng, 44 tuổi, nỗi âu lo nhân lên gấp bội, khi 2 người con và mẹ già 70 tuổi đều trông vào suất lương mỗi tháng hơn 10 triệu đồng của chị. Trong khi người con gái lớn đã 17 tuổi vẫn chưa có việc làm, chị Phượng lại nằm trong danh sách gần 2.400 công nhân bị cắt giảm, càng khiến lòng chị như lửa đốt.
Sau khi nhận được thông tin công ty hỗ trợ 0,8 tháng lương cho mỗi năm làm việc, chị Phượng cũng thấy được an ủi một phần. Tự nhận mình không biết “nhiều chữ”, lại không có khiếu buôn bán, chị dự định gửi tiết kiệm 140 triệu đồng để lo cho mẹ già đang nuôi con nhỏ 8 tuổi của chị. Rồi chờ năm sau, rút bảo hiểm xã hội một lần, chị dồn tiền sửa lại căn nhà của mẹ ở quê.
Vì chị Phượng đã lớn tuổi nên khi đến các xưởng may gần nhà tìm việc vẫn chưa có chỗ nhận. Chân thì bị té xe từ sau Tết đến nay vẫn chưa khỏi hẳn, còn bị bệnh giãn tĩnh mạch, chị chỉ mong tìm được những công việc phù hợp tình hình sức khỏe: “Cũng đi tới đi lui để kiếm việc làm nhưng hỏi tới chỗ này chỗ kia người ta cũng chưa nhận người. Giờ xoay xở để sửa nhà, cũng sập xệ nhiều chỗ nứt lắm rồi. Chỗ nào nứt mình sửa, chỗ nào ở tạm được cứ để đó. Để tiết kiệm cho mẹ một ít tiêu hàng tháng với con, rồi mình lên đây đi kiếm việc làm tiếp”.
Bươn chải nhiều việc mưu sinh
Cùng cảnh ngộ bị cắt giảm, chị Phạm Thị Ngọc Thắng, 39 tuổi hiểu rằng việc cắt giảm lao động là bất đắc dĩ. Công ty đã có sự “bồi thường” nên không oán trách, mà lặng lẽ đi bươn chải để lo cho cuộc sống gia đình.
Mấy ngày qua, chị lên mạng tìm việc, nhưng hầu hết là do trung tâm môi giới, phải mất chi phí nên chị không đăng ký. May mắn là trước đây, lúc bị giảm giờ làm, là người năng động nên chị nhận giúp việc nhà theo giờ. Nay mất việc, chị vẫn duy trì và còn nhờ chủ nhà giới thiệu thêm những nơi khác để gia tăng thu nhập. Cùng với đó, chị còn nhận đưa đón học sinh.
Chồng chị làm công nhân lắp cửa sắt, mỗi tuần được 1 triệu 900 ngàn đồng để chị lo cho con ăn học. Chị Thắng tính toán, số tiền gần 80 triệu được công ty hỗ trợ sẽ gửi tiết kiệm để cho con ăn học, lo cho mẹ già bị bệnh tim, và mổ khối u cho con.
Chị Phạm Thị Ngọc Thắng trải lòng: “Mình cố gắng, cho dù không làm được nhiều nhưng kể cả ngày giúp việc nhà tổng cộng được 100 ngàn cũng là kiếm ra tiền. Mình không thể lãng phí thời gian. Mấy hôm nay chạy xe ôm nữa cũng kiếm được ngày 200 ngàn đồng. Sắp tới nhận tiền trợ cấp thất nghiệp nữa, như vậy cộng vào tháng được 9 triệu, cũng lo được cho các con”.
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, tình trạng công nhân mất việc do không có đơn hàng là vấn đề nghiêm trọng chứ không đơn giản. Các địa phương, ngành chức năng phải thẳng thắn nhìn nhận, nhìn đúng, không né tránh để tập trung giải quyết, hỗ trợ cho người lao động.
Ông Phan Văn Mãi đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương giới thiệu việc làm cho người mất việc, ngừng việc. Theo ông, đây là cơ hội để “biến nguy thành cơ” thông qua đào tạo chuyển đổi nghề cho công nhân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các ngành mà thành phố định hướng phát triển.
Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM cho biết, Công ty PouYuen vẫn hỗ trợ 1 tháng lương cơ bản cho các công nhân bị cắt hợp đồng lao động. Do đó, đến cuối tháng 3 này công ty mới tạo điều kiện cho Trung tâm đến hỗ trợ thủ tục trợ cấp thất nghiệp và tư vấn, giới thiệu việc làm cho công nhân./.