Công tác cứu trợ chưa có kịch bản hoàn chỉnh

Một gói cứu trợ không chỉ có mì tôm mà phải có đầy đủ, từ nước sạch, các chất dinh dưỡng, vitamine đến những khoáng chất cần thiết, bổ sung sức đề kháng, phù hợp với mọi đối tượng…

Từ tuần đầu tháng 10/2010, miền Trung đã trải qua những đợt lũ lụt chưa từng có trong nhiều năm qua gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của nhân dân và những hậu quả nghiêm trọng về môi trường, dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

PV VOV phỏng vấn ông Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng Cục ATVSTP về vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vùng lũ.

** Thưa ông, người dân các tỉnh miền Trung đang phải đối mặt với những mối nguy nào đến từ thực phẩm?

Cho đến thời điểm này, chưa có vụ ngộ độc thực phẩm lớn nào xảy ra, dù cũng đã xuất hiện những ca tiêu chảy lẻ tẻ, đó là điều rất may mắn. Nhưng từ thực tế ở vùng lũ cũng cho thấy chúng ta không được chủ quan. Bởi theo kinh nghiệm cũng như quan sát, tôi thấy nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn còn rất lớn. Đó là nguy cơ ngộ độc thực phẩm do nhiễm vi sinh vật.

Sau khi lũ rút, từ đồ dùng, dụng cụ nấu ăn, thực phẩm, nước sinh hoạt đều có thể bị nhiễm vi sinh vật gây các bệnh đường tiêu hoá như tả, sammodela. Song song với đó là nguy cơ ngộ độc do thực phẩm bị hư hỏng. Thực phẩm như lạc, lúa, gạo, các loại củ quả, rau… bị ngâm trong nước nhiều ngày đều bị nấm mốc, nảy mầm. Nếu sử dụng những loại thực phẩm này, không chỉ gây ngộ độc cấp tính mà có thể để lại những hậu quả lâu dài.

Bên cạnh đó, nhiều  kho hoá chất của ngành nông nghiệp không thể di dời được sẽ tràn ra môi trường, gây ảnh hưởng lớn tới môi trường, thực phẩm.

** Trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm tiềm ẩn rất cao như vậy, ngành y tế đã có giải pháp gì để đảm bảo ATVSTP cho gười dân vùng lũ?

Trong những tuần qua, Cục ATVSTP cùng các đội ATVSTP của các huyện, tỉnh luôn có người túc trực ở các vùng lũ. Nhiệm vụ hàng đầu mà ngành đang tập trung là xử lý nguồn nước sinh hoạt, hướng dẫn bà con thực hành ATVSTP, ăn chín uống sôi, kiểm tra nguồn thực phẩm, cấp phát thuốc cho bà con…

** Qua thực tế ở các vùng lũ, ông đánh giá như thế nào về các giải pháp ứng phó với thiên tai cũng như phương thức mà chúng ta đang thực hiện công tác cứu trợ?

Lũ lụt là hiện tượng thường xuyên, năm nào cũng xảy ra. Tuy nhiên cho đến nay việc cứu trợ chưa có một kịch bản hoàn chỉnh. “Bài ca” mì tôm năm nào cũng diễn ra, đến nỗi có nơi người dân nhìn thấy mì tôm là sợ. Chúng tôi đề nghị Bộ Y tế, Viện dinh dưỡng phối hợp với các bộ, ngành cùng đầu tư nghiên cứu các giải pháp cứu trợ cho bà con. Ví dụ ngành Quân y nghiên cứu lương khô, rất tốt, nhưng phải tính toán các suất ăn đóng hộp ra sao, có đủ dinh dưỡng cho từng đối tượng không? Theo tôi, 1 gói cứu trợ không chỉ có mì tôm mà phải có đầy đủ, từ nước sạch, các chất dinh dưỡng, vitamine đến những khoáng chất cần thiết, bổ sung sức đề kháng, phù hợp với mọi đối tượng… Chúng tôi rất mong Ban Cứu trợ Trung ương có phương án hoàn chỉnh cho vấn đề này.

Để đảm bảo ATVSTP và dinh dưỡng cho người dân sau lũ, tôi nghĩ phải đi bằng 2 chân: y tế và nông nghiệp. Ngành nông nghiệp phải có 1 phương án hướng dẫn nuôi trồng, cung cấp nguồn thực phẩm lâu dài cho khu vực đó. Cục ATVSTP và địa phương phải thiết kế phương án hợp lý để cung cấp nguồn thực phẩm, ổn định đời sống cho bà con những ngày trước mắt cũng như lâu dài.

** Ông có điều gì khuyến cáo bà con vùng lũ?

Điều mà chúng tôi muốn khuyến cáo với những người dân vùng lũ rất đơn giản. Đó là: hãy ăn chín, uống sôi. Thực hiện các quy định hướng dẫn của các cơ quan chức năng trong việc thực hành vệ sinh. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình phải thực hiện thật tốt ATVSTP để sớm ổn định cuộc sống…

** Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên