Covid-19 tác động nghiêm trọng tới việc làm và số giờ làm toàn cầu

VOV.VN - Đại dịch Covid-19 có thể sẽ cướp đi 6,7% tổng số giờ làm việc trên toàn cầu trong Quý II/2020 – tương đương với 195 triệu việc làm toàn thời gian.

Đại dịch Covid-19 đang cướp đi số giờ làm việc và nguồn thu nhập trên toàn cầu. Đây là thông tin có trong Báo cáo mới nhất được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố; đồng thời chỉ ra những ngành nghề và khu vực bị tác động nghiêm trọng nhất, cũng như đề xuất chính sách để vượt qua khủng hoảng.

Covid-19 tác động nghiêm trọng tới việc làm và số giờ làm việc toàn cầu. (Ảnh minh họa: Lao động)

Báo cáo mới nhất của ILO cho biết: Cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19 dự báo sẽ cướp đi 6,7% tổng số giờ làm việc trên toàn cầu trong Quý II năm 2020 – tương đương với 195 triệu việc làm toàn thời gian. Những khu vực chịu tác động nghiêm trọng dự kiến là các nước Arab (mất 8,1% số giờ làm việc, tương đương 5 triệu người lao động toàn thời gian), châu Âu (7,8%, tức 12 triệu người lao động toàn thời gian), và Châu Á – Thái Bình Dương (7,2%, tương đương 125 triệu lao động toàn thời gian).

Các nhóm quốc gia chia theo mức thu nhập đều chịu tổn thất nặng nề. Trong đó, các nước thu nhập trung bình cao bị tác động mạnh nhất (mất 7% tổng số giờ làm việc, tương đương 100 triệu người lao động toàn thời gian). Những con số này cho thấy ảnh hưởng của dịch Covid-19 vượt xa tác động của cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Các ngành kinh tế bị ảnh hưởng lớn nhất bao gồm dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, bán lẻ, các hoạt động kinh doanh và hành chính.

Tình trạng thất nghiệp toàn cầu trong năm 2020 sẽ phụ thuộc nhiều vào những diễn tiến sắp tới của dịch bệnh và các biện pháp, chính sách của các quốc gia. Có khả năng cao, đến hết năm, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu sẽ cao hơn nhiều so với dự báo ban đầu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đưa ra là 25 triệu người.

Hiện có tới 81% lực lượng lao động toàn cầu (3,3 tỷ người) đang chịu tác động do nơi làm việc bị đóng cửa một phần hoặc toàn bộ.

Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế nêu rõ, cần có các biện pháp chính sách trên diện rộng và đồng bộ, tập trung vào 4 trụ cột là: Hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập; kích thích nền kinh tế và việc làm; bảo vệ người lao động tại nơi làm việc; và sử dụng đối thoại xã hội giữa chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động để tìm kiếm giải pháp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên