CSGT "mách nước" cách xử lý an toàn thay vì đứng ở làn đường 120km/h cãi nhau
VOV.VN - Sau vụ tai nạn giao thông liên quan đến việc đứng cãi nhau sau va chạm ở cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, CSGT hướng dẫn cách xử lý an toàn trong lúc vừa chờ cảnh sát và bảo hiểm đến giải quyết.
Như đã đưa, vào khoảng 9h ngày 11/7, tại Km 49+400 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (hướng đi Hà Nội- Hải Phòng) thuộc thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, xe bán tải BKS 38C-195.83 do Đặng Quốc Hoàng (SN 1983, trú tại Nam Phúc Thăng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) điều khiển chạy chậm để tránh chướng ngại vật thì bị xe ô tô 16 chỗ, BKS 15F-006.78 do Quách Văn Lâm (SN 1989, trú tại Thanh Hối, Tân Lạc, Hòa Bình) điều khiển, trên xe có 10 người (cả lái xe là 11 người) va chạm từ phía sau.
Điều đáng nói, sau vụ va chạm nhẹ, những người trên hai xe gồm anh Trịnh Tuấn Anh (SN 1990, trú tại Hậu Lộc, Thanh Hóa) và Lê Ngọc Hùng (SN 1988, trú tại Thanh Chương, Nghệ An ngồi trên xe bán tải) và lái xe 16 chỗ Quách Văn Lâm đã dừng lại ở làn bên trái ngoài cùng, nơi cho phép các phương tiện chạy 120km/h để phân định đúng sai. Trong lúc 3 người trên đang dừng xe cãi nhau thì bị xe ô tô BKS 30K-757.00 do Trần Ngọc Thế (trú tại Thái Hưng, Hưng Hà, Thái Bình), chở anh Lâm Quốc Hiếu (SN 1987, trú tại Đông Anh, Hà Nội) tông vào.
Chính vì sự vô ý thức, không chấp hành quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông của họ đã dẫn đến tai nạn nghiêm trọng khiến anh Trịnh Tuấn Anh và lái xe Quách Văn Lâm chết tại hiện trường, anh Lê Ngọc Hùng bị thương nặng. Nhiều người khác bị thương phải chuyển đi cấp cứu, 3 phương tiện hư hỏng nặng.
Liên quan đến vấn đề này, Thiếu tá Phạm Đức Hoàng - Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 14, Phòng CSGT – Công an TP. Hà Nội cho biết: "Đối với trường hợp này, hai xe ban đầu xảy ra va chạm nhẹ phải bật đèn cảnh báo nguy hiểm ngay. Trên mặt đường phải đặt cảnh báo an toàn từ xa để các phương tiện khác biết. Sử dụng cảnh báo hình tam giác phản quang luôn để trên xe, hoặc nếu không có thì sử dụng cành cây hoặc các loại vật dụng khác không nguy hiểm để cảnh báo ngay lập tức".
Ngoài ra, theo Thiếu tá Phạm Đức Hoàng, tài xế có thể cảnh báo trên kênh VOV giao thông hoặc đơn vị quản lý đường cao tốc để các phương tiện nắm đươc chủ động giảm tốc độ, vòng tránh.
"Trong trường hợp này, nếu va chạm nhẹ thì các chủ phương tiện có thể sử dụng hộp sơn phấn, gạch hoặc các loại mực có thể đánh dấu được vị trí các phương tiện, chụp ảnh sơ bộ toàn cảnh hiện trường hoặc quay clip lại toàn cảnh hiện trường, đánh gọn xe vào làn dừng khẩn cấp. Gọi điện cho cơ quan chức năng đến giải quyết, cách gọi nhanh nhất là gọi số 113", Thiếu tá Phạm Đức Hoàng nhấn mạnh.
Song song với đó, Thiếu tá Phạm Đức Hoàng khuyến cáo, tài xế điều khiển xe đi trên cao tốc cần chú ý quan sát, giữ khoảng cách an toàn và đảm bảo tốc độ. Nếu tuân thủ đúng quy định như thế thì dù có vật cản hoặc xe dừng đột ngột thì vẫn có thể có đủ không gian, thời gian xử lý an toàn.