Cụ bà 83 tuổi gửi đơn xin thoát nghèo và lòng tự trọng
VOV.VN - Câu chuyện bà Đỗ Thị Mơ đạp xe lên UBND xã Lương Sơn, Thường Xuân, Thanh Hóa gửi đơn xin thoát nghèo lan tỏa đến nhiều vùng quê trên cả nước.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau” luôn là quyết tâm của cả hệ thống chính trị, để mọi người dân Việt Nam đều được hưởng thành quả của phát triển kinh tế. Điều đáng mừng là có nhiều người có sự thay đổi về nhận thức, cho rằng đói nghèo là điều đáng hổ thẹn, không trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tại Thanh Hóa, câu chuyện cụ bà Đỗ Thị Mơ đạp xe lên UBND xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa để gửi đơn xin tự nguyện thoát nghèo trở thành nguồn cảm hứng và lan tỏa đến rất nhiều vùng quê trên cả nước. Từ đó hàng trăm hộ đồng bào dân tộc cũng tình nguyện viết đơn xin thoát nghèo.
Cụ Mơ rong ruổi trên chiếc xe đạp ra chợ, rồi lên xã xin ra khỏi hộ nghèo. (Ảnh: Vietnamnet) |
Vẫn chiếc xe đạp cũ kỹ ngày nào, cụ bà Đỗ Thị Mơ thoăn thoắt trên con đường làng; động tác gọn gàng không ai dám tin đó là bà cụ tuổi 83.
Sau 2 tháng kể từ ngày cụ Mơ được UBND xã Lương Sơn công nhận thoát nghèo, trong căn nhà cấp 4 rộng chừng 20m2, nằm trong một con hẻm nhỏ tại thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cuộc sống của bà ít thay đổi, vẫn là ruộng vườn, gà vịt mỗi ngày. Nghĩ lại việc xin ra khỏi hộ nghèo, bà Mơ bảo vì đó là lòng tự trọng hơn sự tranh giành lợi ích ở đời.
“Tôi nuôi 11 người con, từ khu vườn, ruộng, lên đây tôi phát ra bao nhiêu ruộng, các con ở riêng, xây nhà cửa. Bây giờ tôi thấy nhiều trường hợp giàu có, đông đủ con cái mà tỏ ra cô đơn, họ kêu không nơi nương tựa, như vậy là bêu xấu con, ỉ lại vào xã hội”- cụ bà Đỗ Thị Mơ chia sẻ.
Mỗi năm có biết bao người thoát nghèo, nhưng câu chuyện của bà Mơ hoàn toàn khác, vượt qua ranh giới của sự xét duyệt, bầu bán, hay tính toán được – thua. Bởi lẽ, kinh tế có thể vẫn còn nghèo, tấm lòng nhân ái, biết chia sẻ và yêu thương là lẽ sống của bà nhiều năm qua. Cụ bà Đỗ Thị Mơ quan niệm, sống ở đời cái quý giá nhất là nhân cách, đạo đức. Giàu - nghèo không có thước đo mà chỉ là quan niệm của mỗi người
“Đến bây giờ tôi khỏe mạnh như này cũng là hạnh phúc của tôi. Hạnh phúc không phải mình giàu có mới là hạnh phúc, cho nên tôi sống có nhiều nỗi niềm văn hóa, sống có tình làng nghĩa xóm. Tôi sống vì tấm lòng, tôi sống vì tư cách, bản chất của con người”- cụ bà Đỗ Thị Mơ nói.
Từ việc làm của cụ bà Đỗ Thị Mơ, không ít người ngẫm lại chuyện đã qua. Trước đây đã từng có lãnh đạo xã ở Thanh Hóa hay Quảng Bình bị kỷ luật, thậm chí mất chức vì để “lạc” vợ con vào danh sách hộ nghèo nhằm nhận ưu đãi, hưởng các chính sách của nhà nước; hay chuyện 12 con dê “đi nhầm” vào nhà Bí thư huyện ủy; chuyện cán bộ, lãnh đạo cắt xén tiền hộ nghèo cho vào túi mình… Xã hội vốn bộn bề toan tính, nên khi nhận được lá đơn xin thoát nghèo của cụ già 83 tuổi, ông Lương Xuân Thiêm, Chủ tịch UBND xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) cũng bất ngờ, vì chưa gặp bao giờ.
“Để đáp ứng nguyện vọng của bà, phải xem thu nhập của bà có đảm bảo hay không, nguồn thu phải đảm bảo vì theo nghèo đa chiều phải đảm bảo nguồn thu, tất nhiên trong nhà là về chấm điểm chưa đạt, nhưng nguồn thu của bà phải đạt trên ngưỡng, chứ bà xin thoát mà không đạt thì cũng không cho thoát được”- ông Lương Xuân Thiêm cho biết.
Câu chuyện của cụ bà Đỗ Thị Mơ không đơn thuần là lá đơn xin thoát nghèo, không phải là mớ rau, quả trứng làm ra rồi đưa đến chợ bán có thêm thu nhập để thoát nghèo mà quan trọng hơn là lòng tự trọng, khí phách của một con người đang sống đúng nghĩa. Để rồi, không ít người tự đặt câu hỏi, phải chăng giàu lòng tự trọng còn quý hơn nghìn lần cái sự giàu có về vật chất./.
Xôn xao cụ bà 83 tuổi đạp xe lên xã xin “thoát nghèo“
Mô hình may gia công giúp phụ nữ vươn lên thoát nghèo