Cửa khẩu đường sắt sâu trong nội địa: Rút ngắn thời gian, giảm tải cho đường bộ
VOV.VN - Mới đây hơn 500 tấn nông sản được làm thủ tục hải quan và đưa lên tàu vận chuyển từ ga Sóng Thần (Bình Dương) đi Trịnh Châu (Trung Quốc). Trước đó, Đường sắt Việt Nam cũng đã khai trương hoạt động liên vận quốc tế tại ga Kép (Bắc Giang).
Đây là nỗ lực rất lớn của ngành đường sắt nhằm đưa cửa khẩu đường sắt vào sâu trong nội địa, tạo thuận lợi cho địa phương và DN, giúp đẩy mạnh hoạt động liên vận quốc tế. Cùng với đó, Đường sắt Việt Nam đã chú trọng đầu tư nâng cao dịch vụ vận tải hành khách, đặc biệt là ở những cung đoạn ngắn.
Tuy nhiên, với mạng lưới đường sắt hiện hữu còn nhiều hạn chế, việc xóa bỏ các lối đi tự mở chưa được như kỳ vọng đang là những điểm nghẽn trong chiến lược phát triển của đường sắt. PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xung quanh nội dung này:
PV: Năm 2023 đánh dấu bước chuyển đáng kể trong hoạt động vận tải vận tải liên vận quốc tế, trong đó ngành đường sắt đã đưa cửa khẩu vào sâu trong nội địa, điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Ông Đặng Sỹ Mạnh: Năm 2023 chúng tôi xác định được những điểm nghẽn của vận tải đường sắt cả hàng hóa và hành khách, từ đó đưa ra kế hoạch phù hợp và phấn đấu sản xuất kinh doanh phải có lãi.
Để làm được việc này, sau khi nghiên cứu tình hình và đối chiếu với năng lực vận tải của đường sắt, đối với vận tải hàng hóa chúng tôi vẫn phát huy những tuyến, chủng loại hàng, cung đường đảm bảo vận tải có lãi và hiệu quả như: Vận tải chuyên tuyến, vận tải tàu hàng nhanh và vận tải liên vận quốc tế.
Chúng tôi đẩy mạnh liên vận quốc tế với phương châm đưa cửa khẩu vào sâu trong nội địa và chúng tôi đã làm thành công. Đầu tiên là hình mẫu tại ga Kép, lần đầu tiên xuất khẩu vải thiều tại ga Kép, sau đó rất nhiều địa phương đã đặt vấn đề với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Bởi việc đưa cửa khẩu vào sâu trong nội địa đem lại rất nhiều lợi ích cho địa phương, doanh nghiệp, người dân và đường sắt.
Sau ga Kép chúng tôi đã xúc tiến tại một số địa phương như ga Sóng Thần (Bình Dương) và đã có những chuyến tàu đầu tiên làm thủ tục hải quan tại Bình Dương; sau đó là ga Cao Xá (Hải Dương) hiện chúng tôi đang rất tích cực cùng với địa phương báo cáo cấp có thẩm quyền, phấn đấu quý I/2024 có thể khai trương giai đoạn 1 về vận tải liên vận tại khu ga Cao Xá.
PV: Thưa ông, ngoài việc đẩy mạnh hoạt động vận tải hàng hóa, chủ trương của Tổng Công ty Đường sắt VN thế nào trong việc đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, rút ngắn thời gian chạy tàu, đặc biệt là tàu du lịch phân đoạn ngắn?
Ông Đặng Sỹ Mạnh: Về vận tải khách, chúng tôi tập trung vào các dịp cao điểm như hè, tết, ngoài ra, chúng tôi chú trọng nâng cao dịch vụ, cải thiện chất lượng vận tải để phục vụ khách du lịch, khách khu đoạn.
Trước mắt chúng tôi khai thác tốt những cung, chặng hiệu quả, cung chặng ngắn. Ví dụ như: Hà Nội – Lào Cai, HN – Hải Phòng; Sài Gòn – Nha Trang, SG – Phan Thiết, SG – Quy Nhơn, những cung đoạn này chúng tôi tổ chức nâng cao chất lượng dịch vụ.
Vừa rồi chúng tôi đã khai trương đoàn tàu chất lượng cao HN – Đà Nẵng có hiệu ứng rất tốt, chúng tôi lấy đó làm hình mẫu để phân tích, đánh giá, lan tỏa và nhân rộng ra, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, sắp tới sẽ đẩy mạnh những phân khúc như thế.
Qua 10 tháng năm 2023 sản lượng hành khách tăng, qua đó doanh thu từ vận tải khách cũng tăng lên, đảm bảo cân đối thu chi và hy vọng năm nay sẽ có lãi.
PV: Để thu hút hành khách đi tàu, đặc biệt là tàu du lịch phân đoạn ngắn hiện nay đang gặp những khó khăn gì?
Ông Đặng Sỹ Mạnh: Chúng tôi đang hướng đến có một số cung, chặng có thể chạy tàu liên đô thị, đáp ứng nhu cầu đi làm việc, đi du lịch, nghỉ dưỡng của người dân. Ví dụ như chặng HN – Hải Phòng dài 102 km, điểm nghẽn ở đây là thời gian chưa giảm được nhiều một phần là do hạ tầng, đặc biệt là các vị trí giao cắt đồng mức giữa đường sắt với đường bộ còn rất nhiều, thậm chí là chằng chịt.
Sự cố thường xảy ra ở các lối đi tự mở, những vụ việc như thế ảnh hưởng ngay đến năng lực vận chuyển, đặc biệt khổ đường ở Việt Nam chủ yếu là đường đơn.
Năm 2020 Thủ thướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 358 xóa bỏ lối đi tự mở và phân rõ trách nhiệm cho các cơ quan liên quan và các địa phương, với tiến độ đến năm 2025 xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở trên mạng đường sắt. Tuy nhiên, hiện nay đã gần hết năm 2023 nhưng tiến độ vẫn chưa được như kỳ vọng, việc xóa lối đi tự mở, làm các đường gom, đưa các giao cắt về nơi chính quy giúp cho vận chuyển đảm bảo an toàn và đúng giờ đi/đến.
Bên cạnh đó, nếu hạ tầng được cải tạo thêm các bước khác như hàn ray, khi sử dụng đường ray hàn liền thì độ bền của phương tiện, thiết bị sẽ cao hơn, đặc biệt là tạo độ êm thuận cho hành khách khi sử dụng dịch vụ tàu hỏa.
Những điểm nghẽn này chúng tôi đã báo cáo, hy vọng khi giải quyết được những điểm nghẽn này thì vận tải khu đoạn ngắn sẽ rất hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
PV: Xin cảm ơn ông.