Cung cấp thông tin cho báo chí: Trách nhiệm phải từ cả 2 chiều
VOV.VN - Dù đó vẫn là những nhiệm vụ cấp bách phải giải quyết, nhưng nếu lãnh đạo địa phương xem nhẹ vai trò của báo chí thì khủng hoảng thông tin rất dễ xảy ra, gây tác động tiêu cực đến dư luận nhân dân.
Mặt bằng cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là ở các địa phương Tây Bắc đã được cải thiện đáng kể trong thời gian qua, nhưng giữa biển lớn thông tin trong một xã hội thay đổi nhanh chóng như hiện nay thì mặt bằng này vẫn cần tiếp tục phải củng cố và vai trò, trách nhiệm đòi hỏi phải tròn trịa từ cả 2 chiều: chiều cung cấp và chiều tiếp cận.
Xã Văn Phú, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái là một trong những địa bàn trọng điểm về công nghiệp, với hơn 30 nhà máy và 2.000 công nhân hoạt động ở đa lĩnh vực như sản xuất chế biến đá, ván gỗ ép, nhựa, bê tông tươi v.v. Ngoài được thụ hưởng những lợi ích từ quá trình công nghiệp hóa, Văn Phú cũng không ít lần phát sinh các vấn đề nóng về đất đai, môi trường. Dù đó vẫn là những nhiệm vụ cấp bách phải giải quyết, nhưng nếu lãnh đạo địa phương xem nhẹ vai trò của báo chí thì khủng hoảng thông tin rất dễ xảy ra, gây tác động tiêu cực đến dư luận nhân dân.
Ông Nguyễn Anh Quyền, Chủ tịch UBND xã Văn Phú, thành phố Yên Bái cho biết: "Tránh tình trạng nhiễu loạn thông tin, đẩy lùi được các tin xấu độc, đặc biệt làm bảo vệ được sự phát triển chung của địa phương, trong thời gian vừa qua, mỗi khi có các vấn đề nổi cộm là địa phương đã báo cáo ngay với các phòng, ban chuyên môn của thành phố, rồi cung cấp các thông tin chính xác tới báo chí, để báo đài đưa ra các thông tin định hướng".
Theo ông Dương Đức Huy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai, trước kia, nhiều lãnh đạo địa phương thường e dè, thậm chí né tránh trả lời phỏng vấn. Nhưng kể từ sau khi đưa nội dung “phát triển báo chí” vào Nghị quyết Đại hội và hiện thực hóa trên nhiều phương diện, mới chưa đầy một nửa nhiệm kỳ, mặt bằng cung cấp thông tin cho báo chí ở Lào Cai đã thay đổi đáng kể.
Điều đáng nói, rất nhiều cán bộ lãnh đạo xưa kia còn rụt rè thì nay đã bản lĩnh, tự tin hơn trong tiếp xúc với báo chí, để trả lời báo chí được lưu loát thì bản thân người lãnh đạo phải sâu sát với công việc, năng lực chuyên môn phải vững vàng. Có thể thấy, báo chí còn góp phần không nhỏ trong rèn luyện cán bộ.
"Vẫn là con người đấy thôi, nhưng khi được trang bị các kiến thức, kỹ năng, được giao nhiệm vụ cụ thể và được động viên khích lệ thì họ sẽ thay đổi và từ đó hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn nữa. Chúng tôi khuyến khích tất cả lãnh đạo, người phát ngôn tăng cường tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí đầy đủ, kịp thời, chính thống; công tác định hướng luôn luôn phải đi trước, thậm chí đi trước cả dư luận để tạo ra dư luận', ông Huy nói.
Từ sau khi Luật báo chí 2016 ra đời, cùng các quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; xử phạt trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, cấp ủy, chính quyền các địa phương ở Tây Bắc đã chấp hành khá nghiêm túc, thể hiện qua việc niêm yết danh sách người phát ngôn trên cổng thông tin điện tử; họp báo định kỳ cung cấp thông tin cho báo chí; chủ động cung cấp thông tin khi có sự việc đột xuất xảy ra…
Các tỉnh trong khu vực cũng biết tận dụng vai trò của mạng xã hội để đưa thông tin chính thống định hướng dư luận; nhiều fanpape Facebook, nhóm Zalo kết nối sở, ngành, địa phương với báo chí được lập mới và hoạt động hiệu quả, đặc biệt trong các lĩnh vực luôn đòi hỏi nhanh và chính xác như phòng, chống thiên tai; phòng, chống Covid-19…
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều địa phương, đơn vị chưa chủ động kết nối với báo chí; còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; áp dụng cứng nhắc các quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin. Nhưng rõ ràng như vậy chỉ “lợi bất cập hại”.
"Chúng tôi cũng mong muốn lãnh đạo các ngành và các địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định và hướng dẫn về việc cung cấp thông tin cho báo chí vì chỉ có như vậy mới đảm bảo hiệu quả. Về phía Sở cũng sẽ tổ chức tập huấn và bồi dưỡng; theo kế hoạch năm nay cũng sẽ có một lớp, chúng tôi sẽ mời Cục Báo chí cùng đội ngũ giảng viên lên triển khai cụ thể nội dung này", ông Trần Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lai Châu cho biết.
Khó khăn vẫn luôn hiện hữu ở Tây Bắc, những yếu tố đặc thù như diện tích rộng lớn, địa hình hiểm trở, trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, đặc biệt là ở các khu vực xa trung tâm vô hình trung cũng tạo nên lực cản trong tiếp cận thông tin của báo chí.
Lấy ví dụ như ở tỉnh Lai Châu, phóng viên muốn đi từ thành phố đến huyện biên giới Mường Tè phải qua hành trình 170 Km, còn muốn tới xã cuối của huyện này quãng đường lên tới 300 Km, gặp thời tiết không thuận lợi phải mất vài ngày mới tới nơi. Nếu như việc liên hệ tác nghiệp chỉ cần lỗi một khâu thì sẽ “vỡ” đề tài, lãnh phí thời gian, công sức và cả tiền bạc. Do đó, ngoài chiều cung cấp thông tin thì chiều tiếp cận thông tin là các nhà báo, phóng viên cũng cần hội tụ đủ kỹ năng, kinh nghiệm để chủ động trong mọi tình huống.
Theo nhà báo Trần Vũ Tuấn, Phó Trưởng phòng Báo Điện tử - Báo Sơn La, nghề báo đòi hỏi phải tôi luyện rất nhiều. Mỗi nhà báo, phóng viên cần không ngừng học hỏi, mở rộng kiến thức đa lĩnh vực; thực hành nhuần nhuyễn các kỹ năng tác nghiệp; tăng cường khả năng ngôn ngữ, giao tiếp, tư duy phản biện… Và hơn hết phải luôn luôn giữ “lửa” nghề, thực hiện sứ mệnh cao cả của báo chí cách mạng Việt Nam:
"Người làm báo nói chung và những người làm báo đảng địa phương như chúng tôi luôn phải có quan điểm rõ ràng, đảm bảo nguyên tắc trung thực, công bằng, khách quan, luôn đặt lợi ích của tập thể, nhân dân lên hàng đầu. Có như vậy việc tác nghiệp, tiếp cận thông tin mới thuận lợi, hiệu quả, xứng đáng với 6 chữ "Mắt sáng – Lòng trong – Bút sắc", nhà báo Trần Vũ Tuấn nói.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, nghề báo thời kỳ nào cũng vô vàn gian truân, nhưng cùng với đó là những vinh quang được cộng đồng xã hội ghi nhận sau mỗi tác phẩm chất lượng.
Ở Tây Bắc - lõi nghèo của Tổ quốc, khó khăn, vất vả cũng đồng nghĩa là còn nhiều vùng đất, con người mới lạ, gắn với những đề tài sống động cần báo chí tăng cường tiếp cận.
Thực tế cho thấy, những đề tài độc đáo về Tây Bắc nếu báo chí biết khai thác hoàn toàn có thể chạm tới trái tim công chúng, đoạt giải cao trong các cuộc thi. Nhưng với báo chí, thông tin chính là chìa khóa, nhà báo, phóng viên nào tâm huyết, mẫn cán, đạo đức chuẩn mực thì đi đâu cũng được tin yêu, chào đón, được trao chìa khóa mở ra những cánh cửa thần kỳ, rực rỡ vinh quang; và ngược lại, những ai không cố gắng, không giữ được mình thì chắc chắn sẽ rớt khỏi cuộc chơi đầy thử thách này./.