Cùng giúp trẻ tự kỷ hoà nhập cộng đồng

Sáng18/4, Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội phối hợp cùng kênh truyền hình O2TV tổ chức chương trình Đi bộ Vì trẻ tự kỷ tại Vườn hoa Lý Thái Tổ.

Được tổ chức nhân Ngày Thế giới nhận biết về chứng tự kỷ 2/4 và ngày Người Khuyết tật Việt Nam 18/4/2010, chương trình “Cùng giúp trẻ tự kỷ hoà nhập cộng đồng” mong muốn tuyên truyền, tăng cường sự hiểu biết đúng đắn của cộng đồng về Hội chứng tự kỷ ở trẻ em, để mọi người sớm phát hiện ra bệnh lý và tìm cách chữa trị; Đồng thời kêu gọi sự chia sẻ, giúp đỡ từ cộng đồng. Thông điệp mà chương trình muốn gửi gắm rất đơn giản nhưng đầy ý nghĩa “Hãy đến và cùng Chúng tôi dắt những cánh tay bé nhỏ bước đi trên phố. Một mình Chúng tôi không đủ sức tạo ra một thế giới thân thiện cho đứa con khuyết tật của mình, nhưng nếu các bạn giúp đỡ và đồng hành, thì có thể!”.

Cùng đi bộ, giúp trẻ tự kỉ hoà nhập cộng đồng

Trước 8h (giờ chính thức bắt đầu cuộc đi bộ), rất đông trẻ tự kỷ cùng phụ huynh đã có mặt tại vườn hoa Lý Thái Tổ. Em Hoàng Phúc Thắng (Phúc Tân, Hà Nội) để chuẩn bị cho buổi đi bộ ngày hôm nay đã háo hức dậy ở nhà từ 4h sáng. Bố của em, anh Hoàng Đức Đồng cho biết: “Cháu rất vui, từ sáng sớm đã giục bố ra địa điểm tập trung. Ngay khi gặp các bạn cùng tham gia ở đây, cháu đã có thể kết bạn và nói chuyện. Tôi rất vui vì thấy con mình không đơn độc”.


Khoác lên mình chiếc áo đồng phục trắng với logo “Cùng mở rộng vòng tay”, những trẻ em tự kỷ tham gia chương trình hoàn toàn hoà mình vào với mọi người xung quanh. Tại đây, không có người khác biệt, không có người bị kì thị. Tất cả đều thể hiện khuôn mặt rạng rỡ, thân thiện và mong muốn chia sẻ.

Em Đặng Hữu Bình cùng mẹ tham gia chương trình

Hội chứng tự kỷ ở trẻ em là một căn bệnh phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, căn bệnh này mới chỉ biết đến trong khoảng mười năm trở lại đây. Bệnh tự kỷ được ví như bức tường tối tăm, vô hình, ngăn cách con người với cuộc sống xung quanh. Hiện khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân cũng như cách chữa trị, nhưng nhiều nghiên cứu và thực tiễn đều chỉ ra rằng: Sự hiểu biết, đồng cảm và sẻ chia của cộng đồng sẽ mở ra cánh cửa giúp người tự kỷ tìm ra con đường hoà nhập với cộng đồng.

Dù vẫn kín đáo nép mình vào lưng mẹ, gặp khó khăn trong việc phát âm, nhưng em Đặng Hữu Bình (CLB Gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội) vẫn thích thú ngắm nhìn những bức tranh do chính trẻ em tự kỷ vẽ tại gian trưng bày của chương trình. Mẹ của Bình chia sẻ: “Cháu Bình không được năng động và hoạt bát như những trẻ bình thường khác, cháu nhát và hay đau yếu, nên gia đình phải lựa chọn cách điều trị từ tốn, lựa theo sự thay đổi từng ngày của cháu cho phù hợp”.

Chị Mai Anh, mẹ cháu Trung Hiếu (11 tuổi), phát biểu tại chương trình “Chương trình đi bộ vì con ngày hôm nay với tôi thực sự mang ý nghĩa rất lớn. Từ đây, chúng tôi cảm thấy được chia sẻ, giúp sức và nhận ra mình không hề cô độc trong việc chữa trị cho con mình. Trẻ tự kỷ không phải là mắc bệnh lý, chúng chỉ có một lớp vỏ ngoài tự kỷ khác người mà thôi. Việc chúng ta có thể làm là phá vỡ lớp vỏ ấy, giúp trẻ hoà nhập với cuộc đời”.

Gian trưng bày tranh do chính tay trẻ tự kỷ vẽ

Bà Nguyễn Thu Trang (Phó chủ nhiệm CLB Gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội) cho biết “Hiện tượng trẻ tự kỷ ở Việt Nam xuất hiện đã gần 10 năm nay. Nhưng cho đến nay, chưa có một trường chính quy nào được mở để giúp trẻ tham gia và thu nạp kiến thức. Sự hiểu biết về bệnh tự kỷ trong cộng đồng cũng chưa được rõ ràng. Do đó, chương trình được tổ chức với hy vọng nâng cao nhận thức cho mọi người về bệnh tự kỷ của trẻ, để họ có những hiểu biết đúng đắn, rằng trẻ tự kỷ cần được giúp sức, chứ không phải bị kì thị”./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên