Cuộc sống mới của người dân khu tái định cư vùng cao Quảng Nam

VOV.VN - Đất trời đang vào xuân, cung đường dẫn lên khu tái định cư mới ở huyện miền núi cao Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, ẩn hiện từng căn nhà mái tôn xinh xắn nơi lưng chừng núi thật yên bình và đẹp như một bức tranh.

Cuộc sống mới đã rộn vang tiếng cười trên “miền đất lở”. Sau thảm hoạ sạt lở núi cuối năm 2020, người dân nơi đây từng bước xây dựng cuộc sống, những khó khăn rồi cũng qua đi. Tết này, nhà nào cũng đỏ lửa, ấm nồng mùi cơm gạo mới.

Sau hơn 2 năm kể từ ngày mưa lớn gây sạt lở núi, đường vào xã vùng cao Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã bớt bùn lầy. Những căn nhà mới mọc lên từng cụm chen giữ núi rừng, vẽ nên hình hài của một bản làng mới. Trong ngôi nhà vừa xây xong, chị Hồ Thị Ép, người dân tộc Giẻ Triêng ở thôn 2, xã Phước Thành tâm sự, trước kia, gia đình chị ở thôn cũ, khó khăn lắm. Vợ chồng quanh quẩn với nương rẫy, đi lại trắc trở, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám. Còn nhớ tháng 10 năm 2020, mưa như trút nước, núi đồi sạt lở, căn nhà gỗ của gia đình chị bị vùi trong đất đá.

Từ ngày về ở trong khu tái định cư mới, được Nhà nước cấp đất ở, hỗ trợ 150 triệu đồng làm nhà mới, trao phương tiện sinh kế, cuộc sống của gia đình chị Hồ Thị Ép ổn định hơn. Chị Ép cho biết được ở trong ngôi nhà kiên cố nên không lo sợ mưa bão nữa. Ngày Tết, vợ chồng chị dành dụm ít tiền mua được ti vi, tủ lạnh, mua nhiều đồ ăn chuẩn bị cho mấy ngày Tết: “Giờ thì ước mơ trở thành hiện thực rồi. Cám ơn địa phương, Đảng, Nhà nước hỗ trợ đường, điện sáng, nhà cửa khang trang. Ở nhà mới vợ chồng rất hạnh phúc, con ít ốm đau. Ngày Tết chính quyền xã thăm hỏi động viên gia đình vui mừng. Cuộc sống mới bây giờ cũng ổn định rồi, Tết đến sắm áo quần mới cho con, sắm sửa trong gia đình".

Trở lại làng Triêng, thôn 3 xã Phước Kim, huyện vùng cao Phước Sơn trước thềm năm mới, mọi người sẽ không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay trên bản làng vùng cao. Không khí xuân rộn ràng khi hai bên đường vào khu tái định cư rực rỡ cờ hoa đón Tết. Anh Hồ Văn Em, người dân tộc Giẻ Triêng ở làng Triêng không giấu được niềm vui khi vào ở trong ngôi nhà mới. Anh không nghĩ có ngày mình được trao tặng căn nhà mới, an toàn hơn nhà cũ. Theo anh Hồ Văn Em, bà con về nơi ở mới có điều kiện sống tốt hơn, việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình cũng thuận lợi hơn.

"Nhà nước quan tâm đầu tư về nước sạch, về điện, một số cây trồng vật nuôi, hỗ trợ gà giống cho bà con chăn nuôi. Chỗ ở mới khang trang đẹp hơn, bà con vui. Khu dân cư ngày Tết bà con qua lại thăm nhau, chúc Tết. Về nơi ở mới tình làng nghĩa xóm người dân gần gũi hơn trước, rất tuyệt vời”- anh Hồ Văn Em nói.

Xã Phước Kim, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Giẻ Triêng. Đợt mưa lũ lịch sử tháng 10 năm 2020 đã làm 29 ngôi nhà của người dân thôn 2 và thôn 3, xã Phước Kim bị cuốn trôi. Sau bão lũ, cuộc sống bà con nơi đây gặp muôn vàn khó khăn. Nhiều tháng liền người dân sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”, đồ ăn, thức uống phải nhờ đến sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm. Địa phương đã hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất nên đời sống của đồng bào bớt khó khăn, cuộc sống đã thay đổi từng ngày.

Trước Tết Quý Mão, 54 hộ dân vùng sạt lở núi xã Phước Kim đã được chính quyền địa phương bố trí vào sống trong những ngôi nhà mới tại khu tái định cư. Mỗi căn nhà trị giá 150 triệu đồng, được xây dựng từ nguồn hỗ trợ của nhà nước và các nhà hảo tâm. Ông Hoàng Đình Ba, Bí thư Đảng uỷ xã Phước Kim quả quyết, cuộc sống của đồng bào tái định cư đã thay đổi nhiều, đường làng, ngõ xóm được bê tông hoá khang trang giúp bà con đi lại, vận chuyển hàng hoá rất thuận tiện, trẻ em có điều kiện học tập tốt hơn. Bà con trong khu tái định cư luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. 

“Đến thời điểm hiện nay tất cả các hộ trong vùng sạt lở đều có nhà, phải nói rằng nhân dân rất khởi. Đặc biệt, dịp Tết, địa phương đã quan tâm việc mua gạo lương thực hỗ trợ nhân dân đón Tết. Sau khi nhân dân về khu tái định cư mới thì nếp sống, cách nghĩ, cách làm đã có nhiều thay đổi, đặc biệt họ chú tâm hơn về bảo vệ môi trường”- ông Ba nói.

Từ nhiều nguồn khác nhau, UBND huyện Phước Sơn đã hỗ trợ người dân các loại cây, con giống, phương tiện sinh kế, trồng, chăm sóc cây dược liệu dưới tán rừng. Mô hình này mở ra một hướng sinh kế mới, bền vững, giúp đồng bào hạn chế việc trồng cây keo, một loại cây trồng không giữ được đất, gây sạt lở núi trong mùa mưa bão.

Ông Đỗ Hoài Xoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Đến nay, huyện đã triển khai xây dựng 5 khu dân cư đưa vào sử dụng cho thấy sự quan tâm của chính quyền, đặc biệt là tái thiết cuộc sống của người dân sau bão lũ. Đa số người dân vui mừng về nơi ở mới, an toàn hơn tránh xa vùng nguy cơ sạt lở. Cuộc sống của người dân, từ khi về nơi ở mới điều kiện sống tốt hơn nơi cũ”.

Tết này, bà con sống trong các khu tái định cư ở vùng cao tỉnh Quảng Nam không còn ám ảnh nỗi lo thiên tai, sạt lở. Đồng bào nơi đây đã biết ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giao thương với các địa phương khác. Điều kiện sống trong những bản làng tái định cư tốt hơn nơi ở cũ mở ra một tương lai mới cho người dân vùng cao huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ đội biên phòng Đắk Lắk chung tay vì một cái Tết sum vầy trên biên giới
Bộ đội biên phòng Đắk Lắk chung tay vì một cái Tết sum vầy trên biên giới

VOV.VN - Hưởng ứng phong trào “cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk vừa phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” năm 2023 tại xã Ia Rvê, huyện Ea Súp.

Bộ đội biên phòng Đắk Lắk chung tay vì một cái Tết sum vầy trên biên giới

Bộ đội biên phòng Đắk Lắk chung tay vì một cái Tết sum vầy trên biên giới

VOV.VN - Hưởng ứng phong trào “cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk vừa phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” năm 2023 tại xã Ia Rvê, huyện Ea Súp.

Mang Tết sớm đến người dân vùng cao biên giới tỉnh Quảng Nam
Mang Tết sớm đến người dân vùng cao biên giới tỉnh Quảng Nam

VOV.VN - Tỉnh Quảng Nam đang tập trung chăm lo tết người dân khu vực miền núi cao biên giới, đảm bảo đón Tết cổ truyền trong không khí phấn khởi, an toàn, tiết kiệm.

Mang Tết sớm đến người dân vùng cao biên giới tỉnh Quảng Nam

Mang Tết sớm đến người dân vùng cao biên giới tỉnh Quảng Nam

VOV.VN - Tỉnh Quảng Nam đang tập trung chăm lo tết người dân khu vực miền núi cao biên giới, đảm bảo đón Tết cổ truyền trong không khí phấn khởi, an toàn, tiết kiệm.

Tết sớm trên vùng cao Sơn La
Tết sớm trên vùng cao Sơn La

VOV.VN - Khi những tia nắng xuân xua tan lớp sương mù dày đặc, hong khô con đường ướp lạnh sương đêm và đánh thức nụ đào rừng e ấp… cũng là lúc bà con dân tộc Mông vùng cao Sơn La tưng bừng đón “Tết sớm”.

Tết sớm trên vùng cao Sơn La

Tết sớm trên vùng cao Sơn La

VOV.VN - Khi những tia nắng xuân xua tan lớp sương mù dày đặc, hong khô con đường ướp lạnh sương đêm và đánh thức nụ đào rừng e ấp… cũng là lúc bà con dân tộc Mông vùng cao Sơn La tưng bừng đón “Tết sớm”.