Cứu chữa bệnh nhân Covid-19 nguy kịch: Tìm “ánh sáng cuối đường hầm”!

VOV.VN - Dù chỉ còn 1% cơ hội thì các thầy thuốc Việt Nam cũng đang cố gắng ngày đêm để cứu chữa người bệnh mắc Covid-19.

Do kiểm soát và khống chế được dịch bệnh nên may mắn là nước ta chỉ có khoảng chục bệnh nhân Covid-19 có diễn biến nặng. Cho đến nay đã có những người vượt qua cơn nguy kịch, có người vẫn trong tình trạng rất nặng phải tính đến cả những phương án đột phá.

Song đằng sau tất cả những điều này là tinh thần hết lòng cứu chữa người bệnh, không phân biệt giàu nghèo và quốc tịch của các thầy thuốc Việt Nam, để bằng mọi cách có thể khơi dậy được nguồn “ánh sáng cuối đường hầm”.

Các bệnh nhân được xuất viện.

12 tiếng trong bộ đồ bảo hộ nóng bức, song các y bác sỹ tại Khoa Cấp cứu, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 chưa có bất cứ ai lui bước. Covid-19 là căn bệnh mà cho đến nay vẫn không có thuốc điều trị đặc hiệu nên với bệnh nhân nặng, các thầy thuốc phải theo dõi sát sao để nếu người bệnh có diễn biến bất lợi sẽ tập trung cứu chữa.

Bệnh nhân số 175, 57 tuổi cũng là một trong những bệnh nhân nặng tại khoa Cấp cứu. Trong một ngày giữa tháng 4, khi được công bố khỏi bệnh xuất viện, bệnh nhân đã bật khóc bởi những ngày bệnh nặng, bà đã được các y bác sỹ kiên nhẫn, tỉ mỉ điều trị, hồi phục sức khỏe và trở lại cuộc sống.

Bệnh nhân số 175 nói: "Là bệnh nhân nặng nhất ở phòng cấp cứu, tôi không thở được, phải thở bằng máy. Tôi cũng không thể tự nâng người được mà bác sỹ và điều dưỡng phải giúp đỡ, từ gội đầu, cho ăn bón từng thìa sữa. Thời gian đầu, tôi rất hoang mang, nhưng sau đó, các bác sỹ động viên cố gắng vượt qua căn bệnh này. Tôi cũng rất tin tưởng vào các bác sỹ".

Với 4 bệnh nhân nặng còn đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, bác sỹ Trần Văn Kiên, Khoa Hồi sức Tích cực cùng các đồng nghiệp vẫn thay nhau điều trị, chăm sóc, phục hồi cho người bệnh. Thông thường, các y bác sĩ có thể thay nhau đi ăn nếu đến giờ cơm. Tuy nhiên, khi bệnh nhân diễn biến nguy kịch, kíp trực không rời phòng bệnh, thậm chí có những lúc bác sĩ phải đóng bỉm để đảm bảo luôn túc trực bên cạnh người bệnh.

Bác sỹ Trần Văn Kiên cho biết, trong số những bệnh nhân nặng thì bệnh nhân số 19 mang đến cảm giác căng thẳng đến nghẹt thở với các thầy thuốc khi ngừng tuần hoàn 3 lần trong một đêm. Mồ hôi ướt đầm vùng trán trong những bộ đồ bảo hộ. Thế nhưng, các bác sĩ không bỏ cuộc, họ vẫn tiếp tục tìm mọi cách để tìm lại “ánh sáng cuối đường hầm”.

Bác sỹ Trần Văn Kiên chia sẻ: "Trong 30 phút đầu gần như bệnh nhân chưa có đáp ứng, chúng tôi gần như rất tuyệt vọng. Chúng tôi cùng anh Phú Trưởng khoa cố gắng hết sức thì đã thấy ánh sáng cuối đường hầm. Đến phút 40-45 thì bệnh nhân có nhịp đập trở lại. Đến hiện tại thì bệnh nhân đã giao tiếp được trở lại. Chúng tôi rất mừng. Thực sự rất xúc động".

Trước đó, Khoa Hồi sức tích cực cũng điều trị thành công bệnh nhân số 28 người Anh. Do tuổi cao và có bệnh lý mãn tính, bệnh nhân có diễn biến nặng phải thở máy. Khi nhận được sự quan tâm, điều trị tận tình của các thầy thuốc Việt Nam, bệnh nhân này rất hợp tác và có sự tiến triển tích cực về sức khỏe trong từng ngày. Đến giữa tháng 4, bệnh nhân đã được điều trị khỏi về nước sau khi đã gặp từng bác sỹ để nói lời cám ơn.

Bác sỹ Trần Văn Bắc, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu cho biết, với hơn 100 bệnh nhân Covid 19 nhập viện, anh và các đồng nghiệp đều không phân biệt bệnh nhân nước ngoài và bệnh nhân trong nước, chỉ dồn hết tâm sức cứu chữa người bệnh: "Một bệnh nhân như này được chăm sóc tốt hơn nhiều, từ bón ăn, vệ sinh, chải tóc, thay đổi tư thế... Bệnh nhân thành quen, đến lúc đỡ rồi họ vẫn bảo lấy cho cô chai nước… Sự chăm sóc này tạo cho bệnh nhân sự phục hồi nhanh hơn".

Hiện cả nước chỉ còn bệnh nhân số 91 người Anh là bệnh nhân Covid 19 nặng nhất. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, cơ quan này đã cập nhật phác đồ điều trị đến 3 lần và trong tuần tới sẽ bổ sung, cập nhật phác đồ điều trị lần thứ 4, song với bệnh nhân nặng như ca bệnh 91 thì hệ thống y tế tìm các phương án tối ưu để cứu chữa bệnh nhân.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói: "Bệnh nhân 91 có bệnh nền, béo phì, rất phản ứng với Covid-19, có những cơn bão Cirtoki, có phản ứng rất mạnh của cơ thể, do đó phải kết hợp rất nhiều chuyên khoa, rất nhiều biện pháp, kể cả sử dụng rất nhiều nhóm thuốc, thuốc chống đông, nhập ở nước ngoài để giúp cho người bệnh. Hàng ngày, hàng giờ các giáo sư hàng đầu hội chẩn, cập nhật thông tin, đưa ra các phác đồ điều trị và đưa ra các nhóm giải pháp ngắn hạn, dài hạn như tính đến ghép phổi".

Theo các chuyên gia, nếu bệnh nhân 91 không được ghép phổi thì không còn biện pháp điều trị hiệu quả, đây là hy vọng cuối cùng. Song dù chỉ còn 1% cơ hội thì các thầy thuốc Việt Nam cũng đang cố gắng ngày đêm để cứu chữa người bệnh, từ đó khơi lại nguồn ánh sáng hy vọng ở cuối đường hầm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên