Đa dạng mô hình sinh kế - Áp dụng như thế nào để người nghèo tham gia?
VOV.VN - Điểm mới của của chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, đó là tập trung mô hình sinh kế cho hộ gia đình, cộng đồng hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc doanh nghiệp sáng tạo và người dân sẽ trực tiếp tham gia vào các dự án.
Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 sẽ được thực hiện trên phạm vi cả nước với tổng nguồn vốn thực hiện là 75.000 tỷ đồng. Trọng tâm của chương trình là tạo sinh kế cho người dân bằng việc hỗ trợ thông qua các mô hình sản xuất, phù hợp với nhu cầu trình độ canh tác và thế mạnh của địa phương. Đây là chính sách thiết thực tạo đòn bẩy giúp người dân vươn lên thoát nghèo, tuy nhiên, việc áp dụng như thế nào để người nghèo dễ thực hiện và sẵn sàng tham gia vào các dự án giảm nghèo.
Theo Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, trọng tâm thực hiện tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Chương trình hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 1.000 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững. Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững; tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 90%...
Điểm mới của của chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, đó là tập trung mô hình sinh kế cho hộ gia đình, cộng đồng hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc doanh nghiệp sáng tạo và người dân sẽ trực tiếp tham gia vào các dự án. Theo bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, trong việc xây dựng các cơ chế chính sách để hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là các cơ chế chính sách liên quan đến sự phát triển sản xuất, nếu cơ chế không cụ thể thì rất khó giải ngân. Bên cạnh đó, quy định là người dân muốn được hỗ trợ sản xuất thì phải lập dự án và được UBND tỉnh phê duyệt. Trong khi phần lớn người dân nghèo trình độ dân trí thấp, họ sẽ ngại làm.
"Quy định là người dân muốn được hỗ trợ như thế từ nguồn ngân sách tỉnh thì phải lập dự án và được UBND cấp tỉnh phê duyệt. Dân thì dân trí thấp và ngại làm dự án. Một dự án phải trình qua cấp huyện rồi lên tỉnh phê duyệt nên họ chẳng mặn mà. Đây cũng là thực tế từ địa phương nên chúng ta phải nghiên cứu kỹ, đặc biệt là hỗ trợ mô hình kinh tế giảm nghèo. Chúng tôi cũng đề nghị là về trình tự, thủ tục và hồ sơ, sau này có thông tư hướng dẫn, cấp nào phê duyệt thì cứ thế làm, tránh mỗi địa phương ban hành một hướng dẫn chi tiết. Tôi cho rằng chúng ta càng cụ thể, càng sát nhất thì càng tốt", bà Hưng nói.
Tạo ra mô hình sinh kế thì bước đầu tiên phải đào tạo cho những người nghèo có những ý tưởng để họ phát huy khả năng và thế mạnh ở từng địa phương. Với kinh nghiệm triển khai các dự án sinh kế cho người nghèo ở 2 tỉnh Lào Cai và Sơn La, bà Vũ Quỳnh Anh, Phó trưởng dự án GREAT về tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ, cho rằng, một trong những vấn đề quan trọng để giảm nghèo bền vững đó là sự vào cuộc của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể là doanh nghiệp đầu ngành hoặc là các hợp tác xã ngoài cộng đồng. Bởi họ là những người hiểu thị trường, có kiến thức về kinh doanh, về sản phẩm, về marketing và có thể đem đến các các kiến thức về quản lý chuỗi, quản lý công nghệ, cùng đồng hành, cùng đầu tư với người dân phát triển sản xuất. Đồng thời, cung cấp dịch vụ cho các gia đình để họ có các kỹ năng cần thiết để sản xuất ra các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, theo nhu cầu của doanh nghiệp liên kết chuỗi.
Bà Quỳnh Anh cho biết thêm: "Bà con muốn được tăng năng suất thì họ phải có đầu tư và làm thế nào để tiếp cận đến các dịch vụ ngân hàng. Như trong dự án Great của chúng tôi thì có rất nhiều hộ gia đình đang vay các ngân hàng như Ngân hàng chính sách xã hội như những khoản đáo hạn vay, làm thế nào để họ có đủ vốn để đầu tư cho sản xuất? Chúng tôi cũng đang hợp tác với các ngân hàng để họ thiết kế ra những sản phẩm cho vay theo chuỗi không thế chấp để giúp họ có thể tiếp cận được vốn ngân hàng".
Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP), ông Đoàn Hữu Minh cho rằng, chương trình giảm nghèo bao gồm các lĩnh vực về giảm nghèo, dạy nghề và xuất khẩu lao động. Hiện 3 nội dung này được thể hiện trong một Thông tư, do đó, cần thể hiện tính gắn kết và vai trò của từng lĩnh vực. Ngoài ra, cần có sự điều phối rõ ràng giữa các chương trình do các bộ, ngành khác nhau quản lý, tránh dẫn đến việc một đối tượng được hưởng hỗ trợ từ 2 đến 3 chương trình khác nhau: "Trong giai đoạn này, chúng ta có 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đó là Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững thuộc Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội. Chương trình thứ hai là Phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và thứ ba là Chương trình phát triển nông thôn mới. Có lẽ ở tầm vĩ mô, chúng ta cần phải nhìn nhận 3 chương trình này đều phục vụ cho những mục tiêu về phát triển kinh tế xã hội cũng như giảm nghèo rồi, thế thì chắc chắn là cần sự hài hòa thống nhất giữa 3 chương trình. Bởi vì nếu như 3 chương trình theo 3 hướng khác nhau, có cơ chế khác nhau, xuống địa phương, xuống cấp xã chỉ có một đầu mối với 3 cơ chế thì sẽ rất vất vả".
Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm mới so với giai đoạn 2016-2020. Đó là thực hiện chiến lược tập trung vào con người, trực tiếp là đầu tư, nâng cao năng lực người nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo. Mục tiêu chương trình phấn đấu, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm. Để đạt mục tiêu này, cán bộ địa phương phải nắm chắc đời sống của người dân, đặc biệt tác động của dịch Covid-19 đến người nghèo.
Xác định đúng đối tượng là người nghèo, hộ nghèo để đưa ra cách thức hỗ trợ thông qua các chính sách về giảm nghèo hoặc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; huy động nguồn lực của địa phương, của cộng đồng, từ đó có chính sách hỗ trợ về BHYT, giáo dục, việc làm, trợ giúp xã hội, hướng tới chuyển từ hỗ trợ riêng lẻ sang hỗ trợ theo dự án, mô hình sản xuất. Chương trình cũng sẽ hướng dẫn cho các địa phương từng bước lập danh sách, đánh giá nhu cầu và thực hiện hỗ trợ hiệu quả từ nguồn vốn của chương trình, từ nguồn lực địa phương và các nguồn huy động khác, giúp cho người nghèo có nhà ở ổn định, bền vững, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, thiên tai.
Ông Tô Đức, Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: "Bộ cũng đang dự kiến phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính, kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế quy định đối với địa bàn nghèo đặc biệt khó khăn. Khi được xác định là đối tượng của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, nếu hoàn thành đạt tiêu chuẩn nông thôn mới thì vẫn được đầu tư nguồn lực từ chương trình cho đến năm 2025. Tôi cho rằng, việc hỗ trợ cho địa bàn để bảo đảm người dân vươn lên thoát nghèo bền vững thì chúng ta nên xác định mức độ hỗ trợ, tính chất hỗ trợ, thời gian hỗ trợ theo kế hoạch đầu tư vốn trung hạn".
Thời gian qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã chỉ đạo các địa phương quan tâm xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo. UBND các tỉnh phải đảm bảo việc xác định hỗ nghèo là thực chất, đúng người, đúng đối tượng, tránh việc để chạy theo thành tích. Đồng thời, tuyên truyền vận động, khuyến khích, nâng cao ý thức trách nhiệm, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên cho các hộ nghèo, hạn chế tư tưởng trông chờ ỷ lại, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững./.