Đa dạng phương thức tuyển sinh đại học để tăng cơ hội cho thí sinh
VOV.VN - Thống kê sơ bộ từ Đề án tuyển sinh 2024 ở các cơ sở đào tạo đại học cho thấy, năm 2024 có khoảng 50 trường đại học tuyển sinh bằng chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOEFL, VSTEP.
Những năm gần đây, nhiều trường đại học có xu hướng tăng cường môn ngoại ngữ trong các tổ hợp xét tuyển. Các tổ hợp chứa môn ngoại ngữ dần thay thế môn khác với mục tiêu tuyển được người học có kỹ năng ngoại ngữ tốt ngay từ đầu vào. Trong các phương thức xét tuyển sớm, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ cũng có nhiều cơ hội trúng tuyển vào các trường top trên hay các ngành hot vốn có điểm chuẩn xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT rất cao.
Nguyễn Bảo Minh Châu (Hà Nội), cho biết, nhờ có chứng chỉ tiếng Anh, sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Châu đã đỗ vào 6 trường đại học bao gồm: ĐH Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, ĐH Sư phạm Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Học viện báo chí và Tuyên truyền, Đại học Sydney của Australia.
“Em luôn tin tiếng Anh là một công cụ rất là quan trọng, để trong bất kỳ một hành trình nào không chỉ là bậc đại học và ngay cả sau này, cho nên trong quá trình học chứng chỉ tiếng Anh em luôn quan niệm là mình phải học như thế nào để áp dụng vào cuộc sống”, Châu chia sẻ.
Nữ sinh cho biết, khi xét tuyển kết hợp, ngoài chứng chỉ ngoại ngữ, các trường vẫn xét thêm các điều kiện khác như điểm học bạ THPT. Như vậy nếu chỉ học mỗi Ngoại ngữ, thí sinh vẫn chưa thể “chắc suất” vào các trường đại học mà vẫn cần học đều các môn khác.
Nguyễn Hà Bảo Phương, học sinh Trường THPT chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, với phương thức xét tuyển của các trường như hiện nay, thì việc có chứng chỉ tiếng Anh là một lợi thế. Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, Phương đã và đang trang bị cho mình khả năng Ngoại ngữ từ sớm cũng như tập trung vào các môn sử dụng để xét tuyển đại học.
Thống kê sơ bộ từ Đề án tuyển sinh 2024 ở các cơ sở đào tạo cho thấy, năm nay có khoảng 50 trường đại học tuyển sinh bằng chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOEFL, VSTEP.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban đào tạo, ĐHQG Hà Nôi cho rằng, Đối với học sinh các trường phổ thông trực thuộc ĐHQG Hà Nội thì việc xét tuyển sớm cũng là một định hướng tốt cho các em trong việc lựa chọn hình thức đăng ký vào đại học một cách tốt nhất.
Ưu thế của việc sử chứng chỉ thường dành cho các chương trình đào tạo giảng dạy bằng tiếng Anh, chương trình tiên tiến chất lượng cao, chương trình sinh viên tài năng, kỹ sư tài năng, liên kết với đối tác nước ngoài. Ở những chương trình này, việc đào tạo bằng ngôn ngữ nước ngoài là trọng yếu; do đó chứng chỉ ngoại ngữ là công cụ cần thiết để các em có thể theo học.
PGS TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cũng cho rằng, khi sử dụng các phương thức xét tuyển kết hợp, thông thường các trường sẽ căn cứ vào chương trình đào tạo, yêu cầu đầu vào cần thiết đối với sinh viên để có thể thực hiện được một cách tốt nhất chương trình. Và những chương trình yêu cầu đầu vào Tiếng Anh thì người học cần đáp ứng được điều kiện về Tiếng Anh.
TS Trần Khắc Thạc, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Thủy Lợi cho biết: "Trường đại học Thủy Lợi xét tuyển sớm trong 3 năm vừa qua theo phương thức kết hợp. Trong thời gian tới, nếu Bộ GD-ĐT điều chỉnh quy chế xét tuyển đại học thì trường sẽ điều chỉnh theo quy chế đó. Trường hợp Bộ không thay đổi quy chế tuyển sinh thì Trường ĐH Thủy lợi vẫn nghiên cứu có phương thức xét tuyển sớm trong đó có sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ, vì đó vẫn là cơ hội tốt cho các thí sinh".
Ông Thạc cho rằng, việc đa dạng hóa phương thức tuyển sinh nhằm tăng cơ hội, đảm bảo công bằng cho thí sinh ở mọi vùng miền. Và phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ cũng đã và đang được coi là xu hướng tuyển sinh lành mạnh, được hầu hết cơ sở giáo dục đại học sử dụng.