Đà Nẵng cần xử lý triệt để sạt lở núi ở thôn Hòa Thọ, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang

VOV.VN - Những ngày qua, khu vực phía Tây huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng thường xảy ra mưa giông. Mỗi khi mưa giông, đất đá từ một quả đồi trên đường vành đai phía Tây, đoạn Km5+200 đến Km6+740 lại sạt trượt, ảnh hưởng cuộc sống hàng chục hộ dân ở thôn Hòa Thọ, xã Hòa Phú. Sạt lở còn làm bồi đất canh tác, nguy cơ ảnh hưởng đến nhà dân.

 

Ngôi nhà cấp 4 của bà Nguyễn Thị Nguyên ở thôn Hòa Thọ, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang nằm sát chân ta luy âm đường vành đai phía Tây. Cứ mỗi lần mưa là cả nhà đứng ngồi không yên. Bà Nguyên cho biết, mỗi khi mưa giông đất đá trên quả đồi chảy xuống đường thành đống. Khi nắng lên, có xe chạy qua là cuốn bụi mù mịt.

Bà Nguyên than thở, người dân ở đây ngày đêm mong tuyến đường sớm hoàn thành để bớt cảnh mưa bùn, nắng bụi. Thế nhưng từ khi hoàn thành đến nay, tình trạng sạt lở còn nguy hiểm hơn bởi đất đá trên núi nhão nhoẹt nên cứ mưa là sạt trượt.

“Mùa nắng thì nóng, mỗi lần mưa giông là đổ bùn xuống, người đi đường bị té, có xe đi qua là bụi. Nắng lên là bụi ghê lắm, dân ở đây chịu không nổi. Cứ kêu trời miết, mỗi lần họp dân là dân có ý kiến, mà cứ họp miết. Dân cứ kêu lên tại các cuộc họp ở hội trường thôn mà chẳng thấy đả động gì, cứ để vậy mãi", bà Nguyên nói.

Chung cảnh ngộ với bà Nguyên, ông Huỳnh Thanh lo lắng: “Đoạn này nước, đất phủ hết đường trước nhà. Quả đồi phía ngay sau nhà, chúng tôi sợ đất đá từ trên đồi đổ xuống, lăn đè bẹp nhà. Cả quả đồi đều có nguy cơ đổ sập. Mong muốn xử lý sớm cho dân yên ổn”, ông Thanh nói.

Bên cạnh nỗi lo bị đất đá trên quả đồi trôi xuống lấp nhà, người dân thôn Hòa Thọ, xã Hòa Phú còn lo sợ mất đất sản xuất. Gia đình ông Nguyễn Nha và bà Trần Thị Nhiên bị đất đá trên đồi sạt xuống vùi lấp 4 sào đất. Bà Nhiên cho biết, từ khi đơn vị thi công khoét núi làm đường, cứ mưa là đất đá đổ xuống nhà cửa đất đai canh tác. Nay, quả núi đã xuất hiện nhiều vết nứt nên bà con vô cùng lo lắng bị vùi lấp khi mưa lũ về.

Bà Trần Thị Nhiên lo lắng: “Mưa lớn là đất đá trên núi ập xuống hết đường, không đi được. Còn đám đất của nhà tôi trên kia, đất đá lấp hết 4 sào. Họp tiếp xúc cử tri, tôi có ý kiến thì các cán bộ bảo là từ từ họ sẽ làm. Trong khi đó, mùa mưa tới, đất đá lấp hết, lấy gì tôi sống. Quả đồi này nhiều đất đá lắm, cứ mưa là đổ xuống, có khi nó lấp hết dân chúng tôi. Quả núi giờ lại đang nứt, cấp trên phải làm sao chứ nửa đêm, đá lấp dân chết cũng không biết được”.

Ông Phạm Viết Hòa, Trưởng thôn Hòa Thọ, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cho hay, cả thôn có 160 hộ dân, tình trạng sạt lở đe dọa khoảng 30 hộ. Hiện ngành Giao thông đã làm vài rọ đá dưới chân taluy nhưng không ăn thua gì so với quả đồi lớn. Thay mặt bà con, ông Hòa mong muốn chính quyền xử lý triệt để quả đồi có nguy cơ đổ sập này.

“Mong các cấp chính quyền làm cho sớm đi, bởi quả đồi giờ đã rạn nứt hết rồi. Có thể mình làm bằng xuống được không? Hay là hạ bớt độ cao xuống. Nhưng theo tôi thì quả đồi này rất cao nên hạ dần dần được thì tốt để giải phóng bớt lượng đất đi”, ông Hòa nói.

Ngày 3/7 vừa qua, UBND huyện Hòa Vang đã có Văn bản số 2024 gửi UBND thành phố Đà Nẵng nêu rõ, năm 2022, đợt mưa lớn ngày 14/10 đã làm sạt lở một khối lượng lớn đất đồi trên đường vành đai phía Tây, đoạn Km5+200 đến Km6+740 ảnh hưởng nhiều hộ dân đang sinh sống dưới chân ta luy đường, bồi lấp đất canh tác.

Thường trực Huyện ủy Hòa Vang đề xuất Thường trực Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo cho chủ trương lập dự án bạt đồi núi, hạ thấp cao trình nhằm chống sạt lở. Đồng thời phần đất dư thừa làm vật liệu san lấp mặt bằng dự án đang triển khai trên địa bàn huyện.

Ngày 3/11/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan về việc bạt đồi núi, hạ cao trình nhằm chống sạt lở tại dự án đường vành đai phía Tây.

Tại buổi làm việc, các đơn vị thống nhất đề xuất báo cáo UBND thành phố Đà Nẵng cho phép thực hiện việc bạt đồi núi nhằm chống sạt lở, phần đất dư thừa phục vụ san lấp mặt bằng các dự án đang triển khai theo 2 phương án. Trong đó phương án 1 là thăm dò, khai thác khoáng sản; phương án 2 là phòng chống sạt lở đất đá. Sau đó, UBND huyện Hòa Vang có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường về dự kiến quy trình thực hiện các thủ tục hồ sơ và thời gian thực hiện dự án bạt đồi núi khu vực thôn Hòa Thọ, xã Hòa Phú và đề xuất thực hiện theo phương án 1.

Tuy nhiên, cho đến nay, các sở ngành, UBND thành phố Đà Nẵng vẫn chưa thống nhất được phương án xử lý, trong khi mùa mưa đang cận kề. Trước mắt, UBND huyện Hòa Vang xây dựng phương án đối phó tạm thời với nguy cơ sạt lở núi trong mùa mưa bão, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân.

Ông Phan Duy Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết: “Về lâu dài, huyện cũng có kiến nghị với cơ quan chức năng của thành phố nghiên cứu quy hoạch khu vực này theo hướng san bạt toàn bộ khu vực đồi này để thực hiện các dự án khác theo quy hoạch của thành phố, khắc phục triệt để sạt lở đất tại khu vực này”.

Theo lãnh đạo huyện Hòa Vang, có một chủ doanh nghiệp là con em địa phương xin chủ trương xã hội hóa trong việc xử lý sạt lở tại khu vực này. Vì vậy, ngày 9/4/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng phối hợp với UBND huyện Hòa Vang cùng đại diện các sở, ngành liên quan tiến hành họp và kiểm tra thực tế, cho ý kiến về chủ trương này. Doanh nghiệp này cũng đã lập “phương án xử lý sạt lở tại khu vực dọc tuyến đường Vành đai phía Tây đoạn qua thôn Hòa Thọ, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng”.

Ngày 17/4/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng có Công văn số 1891 gửi các đơn vị về việc lấy ý kiến liên quan phương án này.

Ông Nguyễn Hồng An, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết: “Việc này Sở Tài nguyên và Môi trường đâu quyết định được. Vì chủ trương đầu tư có nhiều sở tham gia. Hôm trước, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lấy ý kiến. Hiện đang báo cáo lại UBND thành phố để xin chủ trương".

Trong khi Sở Tài nguyên và Môi trường đang xin ý kiến các sở, ngành và UBND thành phố Đà Nẵng thì ngày 26/4/2024, UBND huyện Hòa Vang tiếp tục có văn bản gửi UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo UBND thành phố Đà Nẵng sớm lựa chọn phương án tối ưu đảm bảo theo quy định và sớm thực hiện chủ trương xã hội hóa việc xử lý sạt lở. Văn bản nêu rõ “Mùa mưa, lũ sắp đến, nhưng đến nay các giải pháp chống sạt lở đất đá vẫn chưa triển khai thực hiện, nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao”.

Còn nhớ, tối 17/10/2023, sau đợt mưa lớn, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã đến thôn Hòa Thọ, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang kiểm tra tình hình mưa lũ. Chứng kiến tình trạng đất đá tràn xuống khu dân cư, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chia sẻ với những khó khăn của bà con trong sinh hoạt. Đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng sớm khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân. Đã gần một năm trôi qua, ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng về việc hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống cứ nằm trên văn bản và chạy lòng vòng từ huyện lên các sở ngành của thành phố. Ai chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương về tình trạng này?

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hỗ trợ người dân bị sạt lở kéo “nguyên ngôi nhà xuống sông”
Hỗ trợ người dân bị sạt lở kéo “nguyên ngôi nhà xuống sông”

VOV.VN - Ngày 10/7, ông Huỳnh Thanh Đảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) cho biết, cơ quan chức năng đã có hỗ trợ bước đầu để giúp người dân bị sạt lở trên địa bàn bớt khó khăn.

Hỗ trợ người dân bị sạt lở kéo “nguyên ngôi nhà xuống sông”

Hỗ trợ người dân bị sạt lở kéo “nguyên ngôi nhà xuống sông”

VOV.VN - Ngày 10/7, ông Huỳnh Thanh Đảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) cho biết, cơ quan chức năng đã có hỗ trợ bước đầu để giúp người dân bị sạt lở trên địa bàn bớt khó khăn.

Sạt lở bờ sông Bạc Liêu - Cà Mau, khẩn trương di dời các hộ dân đến nơi an toàn
Sạt lở bờ sông Bạc Liêu - Cà Mau, khẩn trương di dời các hộ dân đến nơi an toàn

VOV.VN - Liên quan đến vụ sạt lở bờ sông Bạc Liêu- Cà Mau khiến nhiều nhà dân nằm dọc tuyến sông này bị hư hỏng nghiêm trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều vừa yêu cầu ngành chức năng thành phố Bạc Liêu khẩn trương di dời người dân khu vực sạt lở đến nơi an toàn.

Sạt lở bờ sông Bạc Liêu - Cà Mau, khẩn trương di dời các hộ dân đến nơi an toàn

Sạt lở bờ sông Bạc Liêu - Cà Mau, khẩn trương di dời các hộ dân đến nơi an toàn

VOV.VN - Liên quan đến vụ sạt lở bờ sông Bạc Liêu- Cà Mau khiến nhiều nhà dân nằm dọc tuyến sông này bị hư hỏng nghiêm trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều vừa yêu cầu ngành chức năng thành phố Bạc Liêu khẩn trương di dời người dân khu vực sạt lở đến nơi an toàn.

Sạt lở ở Cà Mau làm sập nhiều nhà dân trong đêm
Sạt lở ở Cà Mau làm sập nhiều nhà dân trong đêm

VOV.VN - Chiều 9/7, UBND thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra vụ sạt lở bờ sông.

Sạt lở ở Cà Mau làm sập nhiều nhà dân trong đêm

Sạt lở ở Cà Mau làm sập nhiều nhà dân trong đêm

VOV.VN - Chiều 9/7, UBND thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra vụ sạt lở bờ sông.