Đà Nẵng: Chưa đồng thuận trong đối thoại khiếu nại đất đai ở Cồn Dầu
VOV.VN - Vụ 62 hộ dân ở Cồn Dầu khiếu kiện kéo dài nhưng giữa chính quyền thành phố và người dân vẫn chưa đạt được sự đồng thuận.
Như VOV đã đưa tin, từ ngày 8/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Đoàn công tác liên ngành vào thành phố Đà Nẵng kiểm tra, giải quyết khiếu nại, kiến nghị của 62 hộ dân ở Cồn Dầu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng về việc thu hồi, đền bù, bố trí đất tái định cư để thực hiện “Dự án Khu đô thị Sinh thái Hòa Xuân”. Sáng 17/9, Đoàn công tác liên ngành cùng đại diện chính quyền và các ngành của thành phố Đà Nẵng đối thoại với các hộ dân khiếu kiện.
Để thực hiện Dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ rộng 437ha, thành phố Đà Nẵng phải di dời 2.788 hộ dân. Sau 6 năm triển khai, đến nay có gần 95% số hộ dân đã thống nhất bàn giao mặt bằng; còn lại 62 hộ dân ở Cồn Dầu chưa đồng tình với phương án thu hồi đất, áp giá đền bù, bố trí tái định cư của thành phố. Nhiều năm nay, 62 hộ dân này khiếu kiện, khiếu nại và đã được các cấp, ngành thành phố Đà Nẵng và Trung ương tiếp nhận giải quyết, nhưng các hộ này vẫn chưa đồng tình.
Đại diện các hộ dân khiếu nại cho rằng, Dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân là dự án kinh tế, nên việc thực hiện thu hồi đất của các hộ là không đúng với quy định pháp luật. Trong khi chủ đầu tư san nền phân lô bán đất, còn người dân địa phương mong được bố trí tại chỗ lại không được giải quyết. Ngoài ra, trong khi giá đền bù chưa được thỏa thuận, người dân chưa nhận tiền thì đã bị cưỡng chế, phá dỡ nhà, thu hồi đất gây bức xúc cho bà con.
Ông Trần Quang Anh, ở tổ 21 phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ nêu ý kiến: “Giá đền bù của chúng tôi từ ruộng đất, đất thổ cư đến tài sản là áp đặt theo giá của thành phố. Đây là dự án kinh tế thì chúng tôi phải được hưởng lợi quyền lợi theo qui định của pháp luật, Chính phủ ban hành là ưu tiên bố trí đất tái định cư tại chỗ cho người dân bị thu hồi đất nơi có dự án tái định cư”.
Giải đáp những thắc mắc của dân, đại diện một số Sở, ngành liên quan, UBND quận Cẩm Lệ, UBND TP Đà Nẵng một lần nữa khẳng định, các phương án của thành phố đưa ra từ khâu lập quy hoạch, công bố quy hoạch, thu hồi đất, bố trí đất tái định cư thực hiện Dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân là đúng, do đó không thể giải quyết những yều cầu của các hộ dân.
Lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng cũng khẳng định, Dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân do Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời làm chủ đầu tư là dự án tổng hợp, vừa giải quyết vấn đề ngập lụt vừa phát triển kinh tế chung; không bố trí tái định cư tại chỗ, nếu người dân có nhu cầu ở lại khu đô thị sinh thái thì làm đơn mua lại đất dự án để thành phố xem xét.
Ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định: “Hòa Xuân có 11 dự án, nhân dân ủng hộ gần như tuyệt đối, chỉ còn một số hộ. Chúng tôi cũng cố gắng vì sự phát triển chung của thành phố mà hợp tác, không vì bất cứ lý do gì khác mà ảnh hưởng đến tâm lý các hộ dân. Những hộ dân có thiệt thòi thực sự trong đền bù bố trí tái định cư, Hội đồng giải phóng mặt bằng rà soát lại lần nữa cùng chưa đúng đề xuất tiếp tục hỗ trợ”.
Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Đoàn công tác cho rằng, chủ trương qui hoạch xây dựng Dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân là cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn không tránh khỏi thiếu sót dẫn đến việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.
Để giải quyết dứt điểm vụ việc này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Đoàn thanh tra liên ngành đi kiểm tra thực tế, làm việc với chính quyền và các ngành chức năng; đồng thời tiếp xúc và tổ chức đối thoại với người dân địa phương. Nhiệm vụ của đoàn là làm rõ những nội dung khiếu nại, khiếu kiện, lắng nghe ý kiến và tiếp nhận đơn khiếu nại của người dân.
Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chánh thanh tra Bộ tài Nguyên và Môi trường cho biết: “Đây chỉ là một bước làm rõ trong quá trình làm việc của Đoàn. Đoàn sẽ tập hợp toàn bộ ý kiến này trên cơ cùng với kết quả kiểm tra trong thời gian vừa qua và đối chiếu với chính sách pháp luật để có kết luận và báo cáo Bộ trưởng, để Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định biện pháp giải quyết”.
Vụ 62 hộ dân ở Cồn Dầu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng khiếu kiện kéo dài từ nhiều năm nay. Dù đã được các cấp, các ngành thành phố Đà Nẵng và Trung ương tiếp nhận giải quyết nhưng đến nay giữa chính quyền thành phố Đà Nẵng và người dân vẫn chưa đạt được sự đồng thuận./.