Theo báo cáo mới đây của Bộ LĐ-TB-XH, thị trường lao động trong nước hiện nay không chỉ đối mặt với những khó khăn, mất cân đối về cung cầu mà sâu xa hơn là vấn đề thiếu kỹ năng.

Báo cáo này cũng nêu rõ: “Hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm khoảng 26% trong tổng số hơn 52 triệu người trong độ tuổi lao động. Bên cạnh đó, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng được hết các cơ hội của thời kỳ “dân số vàng” để thu hút nguồn lực đầu tư FDI.

Tại hội nghị Tổng kết của Bộ LĐ-TB-XH tổ chức hồi tháng 12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng nêu thực tế rằng Việt Nam ra sức thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhưng khi các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam lại rất khó tuyển dụng nhân lực chất lượng cao.

PGS.TS Tạ Văn Lợi, Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã có trao đổi với VOV.VN về vấn đề tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các doanh nghiệp FDI hiện nay.

PV: Thưa chuyên gia, nhiều báo cáo những năm gần đây đều cho rằng Việt Nam đang thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, điều này làm giảm lợi thế cạnh tranh khi thu hút đầu tư nước ngoài, ông có nhận định gì về vấn đề này?

PGS.TS Tạ Văn Lợi: Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, khi thu hút FDI thường kèm theo các điều kiện để chuyển giao công nghệ. Để tiếp nhận công nghệ cũng đòi hỏi các quốc gia nhận đầu tư có đủ nguồn lực. Tại các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, họ coi lao động là “vốn con người”, vốn kỹ năng, trình độ… đồng thời chuyển đổi các chiến lược về giáo dục ngay ở những giai đoạn đầu thu hút FDI.

Tùy vào chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, các quốc gia này sẽ đào tạo kỹ sư, công nhân tay nghề cao trong lĩnh vực được xác định là có nhu cầu cao, trọng điểm. Như tại Hàn Quốc là công nghiệp nặng, Đài Loan (Trung Quốc) là điện tử, công nghiệp nhẹ, Trung Quốc là đầu tư phát triển công nghiệp mới, vũ trụ… Muốn vậy họ phải có đủ kỹ sư, công nhân có tay nghề cao tham gia vào việc phục vụ, làm việc trong các tập đoàn đa và xuyên quốc gia. Sau đó, chính lực lượng này sẽ tiếp thu, thẩm thấu những kinh nghiệm, kỹ thuật mới của các doanh nghiệp FDI từ đó chuyển giao trong các doanh nghiệp nội địa. Những doanh nghiệp nội địa này tiếp tục sản xuất các linh phụ kiện đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia đã đầu tư. Họ cũng rất dễ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và đạt được các chuẩn quốc tế. Khi lực lượng lao động này ngày càng lan tỏa, chất lượng lao động của quốc gia cũng sẽ vượt trội, thậm chí đáp ứng rất tốt nhu cầu của các doanh nghiệp FDI.

Ở Việt Nam lại mất cân đối trong cả khâu đào tạo nhân lực, “thừa thày, thiếu thợ” nhiều trường đổ xô đi đào tạo về kinh doanh, kế toán… kể cả các trường chuyên ngành kỹ thuật. Chiến lược đào tạo của Việt Nam thiên hướng theo khối ngành xã hội, dễ tiếp cận với kinh tế thị trường, dễ xin việc, nhưng lại gây mất cân đối trong phân bố lực lượng lao động. Khi các doanh nghiệp tuyển lao động có tay nghề cao, kiến thức, trình độ ở các ngành khoa học cơ bản như Hóa, Lý , Sinh, hay chuyên ngành tự động hóa, vật liệu mới… gần như chỉ có 1 số ít trường có khả năng đáp ứng và đào tạo. Trong khi đó chính những cơ sở đào tạo này cũng đang thiếu thốn về trang thiết bị đào tạo, bởi vậy, chất lượng sinh viên ra trường cũng chưa đáp ứng được mức chuẩn của các công ty đa, xuyên quốc gia.

Nếu đánh giá về lực lượng lao động chất lượng cao của Việt Nam, có thể nói chúng ta vừa thiếu cơ cấu lẫn trình độ, thậm chí thiếu cả phong cách và tinh thần làm việc theo kiểu công nghiệp.

PV: Vậy hiện nay doanh nghiệp FDI đầu tư vào những lĩnh vực nào tại Việt Nam đang thiếu hụt nhiều nhất lao động chất lượng cao, thưa ông?

PGS.TS Tạ Văn Lợi: Nhìn vào cơ cấu đầu tư và đóng góp của doanh nghiệp FDI, chúng ta thấy rõ, các lĩnh vực vươn lên đầu bảng có mức đầu tư lớn cũng như nhu cầu lớn về lao động chất lượng cao là thương mại điện tử, máy tính, điện thoại, tiếp đó là sản xuất các thiết bị, các linh phụ kiện cho các phương tiện vận chuyển; Chế biến nông lâm thủy sản. Đặc biệt, các mặt hàng về gia dụng tại Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh lớn, các tập đoàn, đa, xuyên quốc gia cũng khai khác các thế mạnh đó và cần lượng lớn kỹ sư về hóa nhựa, hóa sinh, điều khiển các máy CNC, điều khiển và sản xuất các robot hiện đại; Lĩnh vực CNTT, đặc biệt là tự động hóa kết hợp với AI, robot… 

Tình trạng thiếu hụt lao động chất lượng cao không chỉ diễn ra tại các doanh nghiệp FDI mà ngay cả các doanh nghiệp nội địa cũng rất khó khăn để tuyển được người có tay nghề kỹ năng cao.

PV: Thưa chuyên gia, vậy đâu là những “điểm nghẽn” của lao động Việt Nam dẫn đến những hạn chế cạnh tranh khi tham gia vào thị trường lao động chất lượng cao hiện nay?

PGS.TS Tạ Văn Lợi: Trước tiên cần thấy điểm nghẽn lớn nhất về trình độ chuyên môn và thái độ, phong cách làm việc. Bản thân nhiều doanh nghiệp, cũng như nhà quản lý vẫn nhầm tưởng rằng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu chỉ đơn thuần là công nghệ, máy móc đắt tiền, mà không biết rằng đó còn là phương pháp quản trị để đáp ứng được yêu cầu, tương đồng với trình độ các tập đoàn đa, xuyên quốc gia.

Lâu nay vẫn có câu chuyện các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư luôn đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao trình độ quản lý, trình độ tay nghề. Trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam lại mong muốn các tập đoàn lớn ký “bao tiêu” thì mới chắc chắn để đầu tư. Về mặt nguyên tắc, phía Việt Nam cũng cần tự nâng cấp và thay đổi để đạt được trình độ về lao động cũng như quản lý. Khi đó mới có thể đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn FDI. Thực tế các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhưng họ vẫn có rất nhiều nguồn tuyển dụng khác như chính sách “khu vực hóa”, đưa lao động, chuyên gia kỹ thuật từ Thái Lan, Singapore, Trung Quốc… sang phục vụ sản xuất tại Việt Nam. Chúng ta nên thay đổi tư duy và tự chuyển mình để đáp ứng những yêu cầu mới, có vậy mới có thể tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nếu chất lượng nguồn nhân lực không được nâng lên, dù có thu hút FDI, nhưng chúng ta vẫn chỉ tập trung đi “gia công”, đảm nhiệm những công đoạn đòi hỏi trình độ phổ thông mà không thể tham gia, học hỏi được những kỹ thuật cao hơn ở các vị trí chủ chốt.

PV: Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục được coi là giải pháp hàng đầu cần ưu tiên đẩy mạnh. Ông có nhận định gì về công tác đào tạo những ngành kinh tế mũi nhọn hiện nay? Quá trình đào tạo của các trường đại học đã bám sát nhu cầu thực của thị trường hay chưa, thưa ông?

PGS.TS Tạ Văn Lợi: Vừa qua Bộ GD-ĐT đã có phương án để xác định các trường đại học trọng điểm quốc gia, đây là bước chuyển biến mới nhằm đầu tư nguồn lực có hạn cho một số trường để đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước nói chung và yêu cầu cao của các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên vẫn chưa thấy chiến lược đồng bộ, cụ thể. Đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội và khát vọng của Việt Nam muốn trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là quốc gia công nghiệp có thu nhập cao vào năm 2045 thì đòi hỏi cần thay đổi ngay từ chiến lược phát triển nguồn nhân lực, trong đó lồng ghép chiến lược phát triển giáo dục là bộ phận của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Trong thời kỳ kỷ nguyên 4.0, Việt Nam có cơ hội rất tốt khi tiếp cận với công nghệ nhanh hơn, có mối quan hệ với các quốc gia lớn trong việc tạo dựng thị trường cũng như liên kết đào tạo giáo dục.  

Song đến giờ chúng ta vẫn chưa có một chương trình cụ thể nào xác định được nhu cầu nhân lực chất lượng cao ở từng khối ngành là bao nhiêu cũng như dự báo nhu cầu nhân lực của các ngành nghề cụ thể.

Việt Nam cũng chưa có những mục tiêu rõ ràng, cụ thể về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Muốn nâng cao chất lượng nguồn lao động cần có chiến lược phát triển công nghệ cao lồng ghép với phát triển giáo dục. Bên cạnh đó cần ban hành cụ thể các chương trình thực hiện các chiến lược đó theo từng năm, giao chỉ tiêu rõ ràng cho một số đơn vị trọng điểm có năng lực đáp ứng.

Đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo cũng cần có chiến lược cụ thể, xác định rõ trình độ công nghệ gì sẽ bỏ qua, những gì cần đi tắt đón đầu, những gì có thể học tập y nguyên từ các quốc gia khác. Một ví dụ dễ thấy như ngành công nghiệp ô tô tại Trung Quốc, nước này xác định bỏ qua công nghệ của Nhật Bản, Hàn Quốc, học theo trình độ sản xuất ô tô của Đức, Mỹ, sau đó tạo ra sản phẩm cạnh tranh với công nghệ của Hàn Quốc, Nhật Bản. Đó là những chiến lược rất thông minh.

Trên thực tiễn, để phát triển nguồn nhân lực, chúng ta cũng cần một lượng người lao động được đào tạo dựa trên thực tiễn làm việc tại các doanh nghiệp FDI. Quá trình chuyển giao công nghệ không phải từ thiết bị hay dây chuyển, mà từ chính những nhân sự đã có kinh nghiệm làm việc tại những tập đoàn FDI này. Khi nhóm lao động này hết thời hạn hợp đồng với các tập đoàn đa quốc gia, họ sẽ là nhóm nhân lực giúp lan tỏa, truyền tải những kinh nghiệm, kỹ năng trong thị trường lao động và giúp tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao.

PV: Xin cảm ơn ông!


Thứ Sáu, 06:10, 16/02/2024