Đại biểu QH kiến nghị Nhà nước đóng tàu cho ngư dân thuê, mua trả góp

VOV.VN - Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, cần có những biện pháp đồng bộ để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển

Chủ trương của Chính phủ sẽ tập trung đầu tư mạnh cho ngư dân đóng tàu vỏ sắt vươn khơi, bám biển được đông đảo đại biểu Quốc hội đồng tình ủng hộ.

Đại biểu Trần Du Lịch (ảnh: báo tin tức)

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP.Hồ Chí Minh) kiến nghị nên sử dụng nguồn ngân sách tiết kiệm từ các khoản chi khác để hỗ trợ ngư dân đóng mới, sửa chữa tàu cá tiếp tục vươn khơi, bảo vệ ngư trường.

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, để hỗ trợ ngư nghiệp, ngư dân phát triển bền vững cần phải có những biện pháp đồng bộ. Chính phủ đã có đề án triển khai chính sách phát triển kinh tế biển, tuy nhiên cần giải quyết một số vấn đề mang tính đồng bộ:

Thứ nhất phải tính toán thay đổi công nghệ, kỹ nghệ phương thức đánh bắt cá xa bờ. Nếu cứ duy trì cách làm truyền thống của ngư dân như hiện nay việc đánh bắt không hiệu quả, chất lượng sản phẩm cũng không đảm bảo. Đại biểu Trần Du Lịch dẫn chứng, cá ngừ đại dương của ngư dân Việt Nam đánh bắt được chỉ được đánh giá 10% đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Cũng theo đại biểu Trần Du Lịch, để hoạt động đánh bắt cá phát triển được phải có vai trò hỗ trợ của nhà nước, phải xây dựng những trung tâm hậu cần nghề cá. “Chúng ta đã quy hoạch 5 vùng trên cả nước nhưng chưa vùng nào có”, đại biểu Trần Du Lịch nói.

Theo đại biểu Trần Du Lịch, trước đây Chính phủ từng có chủ trương cho vay để đóng tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay, cần phải tính toán lại, nên áp dụng phương thức nhà nước chủ động đóng tàu thuyền phù hợp để ngư dân thuê và mua trả góp. Bên cạnh đó, không thể chỉ dựa vào ngư dân đánh bắt nhỏ lẻ, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn đầu tư đóng tàu lớn, cùng với đội tàu của ngư dân đánh bắt hải sản.

Những con tàu lớn sẽ làm nhiệm vụ thu mua sản phẩm của bà con đánh bắt được ngay trên biển, đồng thời cung cấp những sản phẩm thiết yếu giúp ngư dân có thể đánh bắt hàng tháng trên biển. Những tàu lớn đó phải được trang bị đầy đủ thiết bị bảo quản sản phẩm. Khi đó, ngư dân chỉ tập trung đánh bắt, còn việc tiêu thụ sản phẩm đã có doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, phải có phương thức đào tạo ngư dân làm việc theo thời đại công nghiệp hóa chứ không phải ngư dân thời cha truyền con nối. Phải có các biện pháp tuyên truyền, giáo dục và xử lý tránh việc đánh bắt tận diệt gây ảnh hưởng đến nguồn thủy hải sản và ngư trường khai thác. Bên cạnh đó một yếu tố vô cùng quan trọng đó là vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng thương hiệu và đưa sản phẩm của ngư dân ra thị trường thế giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên