Đại biểu Quốc hội ngành y cũng băn khoăn về tự chủ bệnh viện

VOV.VN -Khung giá, mức trần của dịch vụ theo yêu cầu chưa được ban hành và nhiều nơi chưa thực hiện được việc liên thông xét nghiệm nên mặt trái có thể xảy ra

Ngày 19/5 vừa qua, 4 Bệnh viện lớn tuyến Trung ương gồm Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức và Bệnh viện K được thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, bệnh viện được tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện sẽ hoạt động như mô hình doanh nghiệp. Bởi nếu không có những quy định cụ thể và cơ chế giám sát chặt chẽ, sẽ dễ dẫn đến lạm thu và không minh bạch.

Bên hàng lang Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14, nhiều đại biểu Quốc hội đã và đang làm việc trong ngành y tế cũng băn khoăn về vấn đề này.

Nhiều bệnh viện lớn muốn sớm được cơ chế tự chủ.


Từng là người đứng đầu Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Đoàn Hà Nội cho rằng, nếu làm tốt cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì sẽ giảm được gánh nặng ngân sách Nhà nước chi cho bệnh viện công lập. Bên cạnh đó, chất lượng phục vụ bệnh nhân cũng sẽ được nâng lên vì lương và thu nhập tăng thêm của cán bộ, nhân viên y tế phụ thuộc hoàn toàn vào sự chi trả của người bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, khung giá cũng như mức trần của dịch vụ theo yêu cầu chưa được ban hành và nhiều nơi chưa thực hiện được việc liên thông xét nghiệm nên đại biểu Nguyễn Anh Trí lo ngại những mặt trái có thể xảy ra.

Đại biểu Trí nói: “Đây không phải là giải pháp hoàn toàn đúng vì vẫn có mặt trái. Có 2 mặt trái mà người dân lo ngai nhất. Thứ nhất là chất lượng chuyên môn, dịch vụ có tốt lên không? Thứ 2 là có xảy ra tình trạng lạm dụng không? Có thể lạm dụng về rất nhiều thứ về phẫu thuật, lạm dụng xét nghiệm, các kỹ thuật thăm dò, lạm dụng về kê đơn thuốc. Người dân lo xảy ra tình trạng lạm dụng là đúng. Bản thân khi làm quản lý cũng thấy dễ xảy ra lạm dụng. Cần có biện pháp để hạn chế thấp nhất mặt trái xảy ra”.    

Cùng quan điểm này, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định thành lập Hội đồng quản lý bệnh viện tại 4 đơn vị thí điểm; đồng thời cử Giám đốc đương nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Giám đốc bệnh viện với thời gian tối đa 2 năm. Trong thời gian kiện toàn, nếu Chủ tịch Hội đồng quản lý quá tuổi so với quy định, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định. Hiện trong 4 bệnh viện được thí điểm tự chủ toàn diện, có Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và Phó Giám đốc Phụ trách Bệnh viện Chợ Rẫy đều đã đến tuổi nghỉ hưu. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn TP HCM nêu ý kiến: “Khi không cho bệnh viện tự chủ thì không phát huy được sự chủ động sáng tạo của bệnh viện, nhưng tự chủ thì cũng đặt ra nhiều lo ngại, đặc biệt là về Hội đồng quản lý. Ai sẽ quản lý Hội đồng? Người đến tuổi về hưu lại tiếp tục đứng đầu bệnh viện. Đây là thí điểm thì phải theo dõi, rút kinh nghiệm. Nhiều người đặt vấn đề Bộ Y tế phải quản lý, giám sát nhưng tôi đặt câu hỏi nếu để Bộ Y tế quản lý vấn đề này, liệu có tốt hơn không?”

Ủng hộ chủ trương bệnh viện công lập được tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện, một số đại biểu cho rằng, trong quá trình thực hiện thí điểm 2 năm tại 4 bệnh viện lớn,  Bộ Y tế cần đánh giá để phát huy được ưu điểm, hạn chế được nhược điểm, đảm bảo một nền y tế công bằng và vì dân.

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đoàn An Giang, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cần có Hội đồng chuyên môn độc lập, giám sát và làm trọng tài để bệnh viện không tìm cách tăng nguồn thu bằng việc chỉ định quá mức:  “Trước đây, ngành y khó khăn, thiếu trang thiết bị, thiếu bác sĩ. Nhưng nay, có thể tự tin khẳng định, rất ít kỹ thuật trên thế giới làm được mà Việt Nam không làm được. Do vậy, với cơ chế tự chủ toàn diện, các bệnh viện càng lao vào các kỹ thuật khó, đắt tiền, các xét nghiệm khó, cao cấp. Người bệnh hiện nay rất hoang mang. Đến bệnh A thì bác sĩ bảo không cần can thiệp gì, không cần mổ. Đến bệnh viện B thì bác sĩ bảo nền mổ. Đến bệnh viện này yêu cầu làm 1 loại xét nghiệm, đến bệnh viện kia lại bảo phải làm 2 loại xét nghiệm. Theo tôi phải thành lập những Hội đồng độc lập để đánh giá về chuyên môn vì chuyên môn là vấn đề khó nhất, tranh luận nhiều nhất. Cùng 1 bệnh nhân nhưng 2 chuyên gia lại có những đánh giá khác nhau. Chỉ có Hội đồng chuyên môn độc lập mới kết luận khách quan việc chỉ định của bác sĩ là đúng hay không. Khi có tranh chấp thì đại diện của các hội chuyên ngành trong Hội đồng sẽ đứng ra làm trọng tài...”

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, ngoài văn bản phê duyệt 4 bệnh viện thí điểm tự chủ toàn diện, chưa có văn bản hướng dẫn nào đối với các bệnh viện còn lại nên sẽ khiến các cơ sở y tế lúng túng trong cách hiểu và thực hiện, dễ dẫn tới sai sót và thiếu thống nhất. Trong khi đó,hầu hết đơn vị y tế được giao tự chủ về tài chính nhưng lại chưa được giao tự chủ về bộ máy tổ chức, về cơ chế thu, về tuyển dụng, sử dụng nhân lực, cơ chế đãi ngộ và đầu tư mua sắm trang thiết bị. Do vậy, Bộ Y tế cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết việc thực hiện tự chủ toàn diện từ tài chính, nhân lực, đến cơ chế hoạt động, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, đồng bộ để các đơn vị căn cứ thực hiện./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ trưởng Y tế: Khuyến khích bệnh viện tự chủ về tài chính
Bộ trưởng Y tế: Khuyến khích bệnh viện tự chủ về tài chính

VOV.VN - Khuyến khích các bệnh viện tự chủ về tài chính để tạo ra một cuộc cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

Bộ trưởng Y tế: Khuyến khích bệnh viện tự chủ về tài chính

Bộ trưởng Y tế: Khuyến khích bệnh viện tự chủ về tài chính

VOV.VN - Khuyến khích các bệnh viện tự chủ về tài chính để tạo ra một cuộc cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.