Đại biểu Quốc hội: Tăng tuổi nghỉ hưu là một lộ trình tất yếu
VOV.VN - Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, cho ý kiến về việc tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi với nam, 60 với nữ, đại biểu cho rằng, đây là một lộ trình tất yếu.
Ngày 20/11, Quốc hội chính thức thông qua Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi với nam, 60 với nữ.
Cụ thể, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị). |
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại bộ luật tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng, đây là một Bộ luật đã được xem xét rất kỹ lưỡng, phân tích dưới rất nhiều góc độ, khía cạnh.
Theo đại biểu này, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu là một lộ trình tất yếu cần phải triển khai. Tuy nhiên, để điều chỉnh cụ thể, đại biểu cũng mong muốn việc tăng tuổi nghỉ hưu cần đi kèm với quyền lợi mà người lao động đã đóng góp, trong đó có quyền hưởng BHXH, BHYT.
“Tăng tuổi nghỉ hưu nhưng chúng ta phải cho người lao động quyền lựa chọn, nếu quy định cứng quá thì không nên. Việc này cũng đồng thời liên thông với chính sách BHXH. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu tạo được sự đồng thuận cho người lao động thì chúng ta cũng phải có chính sách khuyến khích và hỗ trợ, đặc biệt là đối với lương hưu và trợ cấp, như vậy sẽ thuận hơn trong quá trình triển khai, mức độ yên tâm của người lao động sẽ cao hơn” - đại biểu Đỗ Văn Sinh nói.
Quốc hội chốt tuổi nghỉ hưu tăng theo lộ trình 60 với nữ, 62 với nam
Vị đại biểu đoàn Quảng Trị cũng cho biết, hiện nay chúng ta đang bước vào quá trình già hóa dân số và trong tương lai gần nếu không điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, đến một thời điểm, Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng thiếu lực lượng lao động.
“Những nước phát triển trước chúng ta khoảng 10-15 năm, họ đang thiếu lao động. Vậy đến lúc chúng ta phát triển đến trình độ của họ, chúng ta muốn thu hút lao động thì lấy lao động ở đâu? Bây giờ chúng ta mới điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là tương đối chậm” - đại biểu Đỗ Văn Sinh cho biết.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng, điều quan trọng nhất là cần phải phát triển mạnh về cầu của lao động, tức là phát triển mạnh về yêu cầu sản xuất, cũng như định hướng ưu tiên phát triển cho doanh nghiệp, phát triển sản xuất trong nước để thu hút lực lượng lao động.
Trước đó, trao đổi bên hành lang, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, việc điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu là quyết sách rất lớn của Đảng, Nhà nước, là tầm nhìn có tính chất chiến lược nhằm đi trước đón đầu thách thức già hóa dân số cũng như giải quyết mục tiêu bao trùm là vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xã hội nhưng cũng phải cân đối để đảm bảo công ăn việc làm, bảo toàn, phát triển bền vững quỹ bảo hiểm, giải quyết hài hòa việc bình đẳng và tiến tới giảm dần khoảng cách về giới.
“Đây là mục tiêu bao trùm và tương đối toàn diện. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là xu hướng chung của thế giới nhưng cũng chưa bao giờ là dễ với bất cứ quốc gia nào vì nó tác động rất lớn đến hàng chục triệu người lao động. Trong mỗi hoàn cảnh, đối tượng cụ thể phải có cách ứng xử khác nhau” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết./.
"Người lao động nặng nhọc, độc hại có quyền nghỉ hưu sớm hơn quy định"