Đài Phát thanh Giải phóng: 14 năm trọn nghĩa, vẹn tình
VOV.VN -Những cán bộ của Đài Phát thanh Giải phóng là những nhân chứng sống làm nên huyền thoại của ngành Phát thanh và Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ký ức không quên về Đài Phát thanh giải phóng
Đã 40 năm trôi qua, chương trình Thời sự đặc biệt chiều 30/4/1975 phát trên Đài Phát thanh giải phóng vẫn còn in đậm trong ký ức của nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN.
Nhà báo Kim Cúc vẫn nhớ như in hôm đó tại hội trường, ông Nguyễn Thành, Trưởng Ban Biên tập Đài Phát thanh Giải phóng tập trung tất cả cán bộ, phóng viên và nói: “Tôi xin thông báo với các anh các chị, 11h30 trưa nay 30/4/1975, cờ giải phóng đã cắm trên Dinh Độc lập”.
Lúc đó, nữ nhà báo trẻ xúc động đến nghẹn ngào. Sau đó, bà là một trong những thành viên được giao nhiệm vụ gấp rút làm chương trình Thời sự đặc biệt để phát trong buổi chiều 30/4. “Chúng tôi đã bàn cãi với nhau rất nhiều là nên viết như thế nào, mở đầu chương trình phát thanh đặc biệt ra sao để tạo sự hân hoan cho tất cả người dân. Cuối cùng đã ra được câu mà tôi nhớ mãi: Đồng bào và chiến sỹ thân mến! Các bạn thân mến! 11h30 trưa nay 30/4, Sài Gòn – Gia Định đã hoàn toàn giải phóng. Sau đó là những thông tin chiến thắng, những bài hát rộn ràng được phát đi. Chương trình đó để lại trong tôi và rất nhiều anh chị em trong Đài Phát thanh Giải phóng kỷ niệm không bao giờ quên được. Tối hôm đó, tôi ra Bờ Hồ và cảm nhận một không khí vô cùng hân hoan, khải hoàn khi nghe loa thông báo tin chiến thắng” – nhà báo Kim Cúc nhớ lại.
Với nhà báo Kim Cúc, 40 năm qua với nhiều sự thay đổi, nhưng những ngày tháng công tác trong ngôi nhà chung của Đài Giải phóng vẫn in đậm trong tâm trí của bà. Đến hôm nay, nhà báo Kim Cúc và những cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên công tác tại Đài Phát thanh Giải phóng vẫn tự hào được đóng góp một phần sức lực nhỏ bé trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với nhà báo Kim Cúc, hơn 5 năm công tác ở Đài Phát thanh Giải phóng đã giúp bà trưởng thành, hun đúc lý tưởng trong sáng, tạo niềm tin, tình yêu để bà gắn bó với nghề báo phát thanh đến trọn đời.
Còn ông Huỳnh Ngọc Ấn, cán bộ kỹ thuật của Đài Phát thanh Giải phóng, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN, vẫn không thể quên những tháng ngày gian khổ nhưng tự hào, giữ vững làn sóng của Đài vào Nam. Ông Huỳnh Ngọc Ấn chia sẻ: “Những người làm kỹ thuật luôn tự nhắc nhở mình, dù bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào vẫn đảm bảo Đài Phát thanh Giải phóng không mất sóng. Tiêu chuẩn kỹ thuật là làm thế nào giữ vững liên tục làn sóng vào Nam, vì thế những anh em làm ở bộ phận máy phát, kỹ thuật luôn làm việc 24/24”.
Ông Huỳnh Ngọc Ấn khẳng định, bên cạnh những người thường xuyên được “lên sóng” như phát thanh viên, biên tập viên, thì đóng góp của những người kỹ thuật, báo vụ, truyền dẫn ở phía sau vô cùng quan trọng. Thực tế, hoạt động kỹ thuật phát thanh đã giữ được Đài Giải phóng hoạt động trong suốt 14 năm, thực hiện xuất sắc trọng trách được Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó.
Còn ông Nguyễn Hồng Mão, nguyên Đoàn trưởng Đoàn ca nhạc của Đài Phát thanh Giải phóng A khi được gặp lại những người đồng chí từng công tác trong Đài đã xúc động viết lên những vần thơ:
“…14 năm chân đất đầu trần
Gìn giữ làn sóng Đài vào Nam ra Bắc
Ta đã đi trong mưa dầm gió rét
Nhớ vợ, nhớ con quặn thắt tim gan
Đoàn ca nhạc Đài ta đã vượt thác băng ngàn
Sưởi ấm đoàn quân nơi đại ngàn Trường Sơn heo hút
Tiếng hát Thanh Hoa, Ngọc Báu, Thu Năm cất lên cao vút
Tiếng hò của Lài Tâm lả lướt dòng Hương…
14 năm lắng đọng một chặng đường
Tiếng nói Đài Phát thanh giải phóng phát không ngừng nửa phút
Hà Nội thủ đô đã nuôi dưỡng chúng ta qua đạn bom bão táp…".
Vũ khí sắc bén đánh bại đế quốc Mỹ
Năm 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời - chỉ sau hơn 1 năm theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị Trung ương Cục miền Nam, lãnh đạo Đài TNVN đã chuẩn bị để thành lập Đài Phát thanh Giải phóng và ngày 1/2/1962, giữa chiến khu D – Biên Hòa, Đài Phát thanh Giải Phóng phát đi chương trình phát thanh chính thức đầu tiên với danh xưng “Đây là Đài Phát thanh Giải phóng, tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam”, làm xúc động lòng người và làm kẻ thù xâm lược kinh ngạc, bàng hoàng. Đài đã được đồng bào, chiến sỹ miền Nam đón nhận với niềm xúc động sâu sắc và với niềm tin chiến thắng.
Cuộc chiến ác liệt đã khiến Đài Phát thanh Giải phóng phải thay đổi địa điểm nhiều lần ở một số tỉnh và ở Hà Nội, là cơ quan tuyệt mật khi đóng trên đất Bắc với các bí danh: Viz 1080 Bộ Tổng Tham mưu, C55 và CP90. Đài Phát thanh Giải phóng đã đứng vững trong mọi tình huống, phát triển và hoàn thành sứ mạng vẻ vang của mình.
Nhà báo Trần Đức Nuôi, nguyên Trưởng Ban Kinh tế Đài TNVN cho biết, các đồng chí Hoàng Tùng, Tố Hữu lúc còn sống đã đánh giá rất cao sứ mệnh của CP90. Trải qua 14 năm hoạt động (1962 – 1976), Đài đã trải qua nhiều chặng đường khó khăn gian khổ, thay đổi mật danh, thay đổi địa điểm liên tục nhưng vẫn vượt qua thử thách, xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Đài Phát thanh giải phóng là vũ khí sắc bén, luôn luôn góp phần cổ vũ quân và dân ta trên các chiến trường; phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chiến đấu dũng cảm và mưu trí, đánh bại đến quốc Mỹ, giành thắng lợi hoàn toàn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc, non sông thu về một mối, Nam – Bắc sum họp một nhà”.
Tại buổi gặp mặt các cán bộ Đài Phát thanh Giải phóng khu vực Hà Nội ngày 25/4, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Xuân Huy cũng đã khẳng định: “Các cán bộ của Đài đã sống trong giai đoạn gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt, góp phần làm nên kỳ tích của ngày 30/4 lịch sử. Đây là những nhân chứng sống viết lên huyền thoại của ngành Phát thanh; góp phần vào truyền thống vẻ vang 70 năm của Đài TNVN và là niềm tự hào của các thế hệ làm Phát thanh”./.