Đài Tiếng nói Việt Nam động viên quân, dân bám biển Trường Sa
VOV.VN - Mấy năm gần đây, Đài Tiếng nói Việt Nam không ngừng nâng cao chất lượng phát sóng tại vùng biển Trường Sa. Tiếng nói của quê hương, tiếng nói của Tổ quốc ngân vang, tha thiết trên khắp vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tại quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, sóng điện thoại 3G đã phủ khắp 21 đảo và 33 điểm đóng quân và trên mỗi đầu giường của cán bộ, chiến sĩ, mỗi nhà dân đều có một chiếc radio. Sau thời gian huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu, radio trở thành người bạn thân thiết của mọi người. Đêm đêm, giữa biển Đông, các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên những thanh âm quen thuộc. Đó là nhịp sống sôi động về kinh tế - xã hội của đất nước hay những làn điệu dân ca, nhạc cổ truyền đi cùng với nhiều thông tin trên đất liền. Đài Tiếng nói Việt Nam đã mang tới cho cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo tiền tiêu những tiếng lòng của hậu phương.
Trung tá Lê Ngọc Nam, đảo Song Tử Tây, đoàn Trường Sa cho biết, đóng quân xa đất liền, làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam là cầu nối, kịp thời cập nhật mọi mặt của tình hình trong nước và quốc tế, rút ngắn khoảng cách giữa đảo xa với đất liền. Mỗi lần nhạc hiệu "Đây là Tiếng nói Việt Nam" vang lên hào sảng, ở ngoài đảo xa, cán bộ, chiến sĩ rất đỗi tự hào: "Những thông tin từ Đài Tiếng nói Việt Nam rất bổ ích là những món ăn tinh thần không thể thiếu. Trong đó có các chương trình như "Biển đảo Việt Nam", "Tâm tình nơi biên giới, hải đảo" đã trở thành những cầu nối giữa cán bộ, chiến sĩ và hậu phương. Đài Tiếng nói Việt Nam đã thông tin kịp thời cho quân, dân trên đảo nắm và hiểu biết thêm về những thông tin kiến thức đời sống, xã hội".
Từ lâu nay, Đài Tiếng nói Việt Nam đã trở thành người bạn thân thiết đối với ngư dân hoạt động trên biển. Ông Cao Văn Thơ, ngư dân xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã có hơn 40 năm đi biển. Đánh bắt xa bờ, lênh đênh cả tháng giữa biển xa, làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam như một người bạn đồng hành gần gũi, là cầu nối giữa ngư dân với đất liền. Không chỉ cập nhật thông tin thời sự, các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam còn kịp thời thông báo mọi diễn biến thời tiết trên biển để ngư dân chủ động ứng phó. Mấy năm gần đây, chất lượng sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam ngày càng nâng cao, ngư dân nghe Đài to hơn, rõ hơn. Nghe Đài hàng ngày, giúp ngư dân thay đổi thói quen, nếp nghĩ, hiện đại hóa tàu cá, đánh bắt ngày càng hiệu quả.
Mới đây thôi, qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Cao Văn Thơ đã nhanh chóng nắm bắt thông tin, kịp thời cứu nạn, lai dắt 10 tàu cá của ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ bị nạn vào bờ an toàn, ông Thơ nói: "Đài Tiếng nói Việt Nam rất quan trọng đối với ngư dân. Khi chúng tôi ra ngoài khơi, tất cả thông tin từ trên bờ đến những nơi khác, chúng tôi đều nghe qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Tới giờ cứ phải nghe để nắm bắt, tin tưởng tuyệt đối luôn. Qua Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi kết hợp được với Hải quân Vùng 4, lực lượng ở vùng biển Trường Sa, mình biết ở nơi đó, tọa độ đó có tàu bị nạn, mình đến đó hỗ trợ cho bà con".
Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, bao gồm vùng biển và các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, có đông cán bộ, chiến sĩ và người dân sinh sống, làm việc, rất nhiều tàu thuyền thường xuyên khai thác hải sản và nhiều hoạt động khác trên biển. Trong bối cảnh tình hình an ninh, trật tự trên biển Đông diễn biến phức tạp, việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cung cấp các thông tin chỉ dẫn, hướng dẫn, cảnh báo thiên tai trên vùng biển qua sóng phát thanh là vô cùng quan trọng, góp phần to lớn trong việc khẳng định chủ quyền của đất nước ta đối với khu vực biển đảo Trường Sa.
Cách đây hơn 3 năm, Đài Tiếng nói Việt Nam đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Đài Phát sóng khu vực Nam Trung Bộ tại tỉnh Ninh Thuận, phủ sóng khu vực biển Đông và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là đài phát sóng AM có công suất phát sóng 400Kw, phủ sóng cả vùng biển Đông rộng lớn. Ông Lê Việt Cường, Giám đốc Đài phát sóng Nam Trung Bộ cho biết: "Bản thân tôi đã được đến vùng biển Trường Sa, với radio thì nghe sóng rất rõ, các điểm thu sóng rất tốt. Hiện tại, Đài phát sóng Nam Trung Bộ đang phát các chương trình của kênh VOV1 và VOV5. Riêng sóng trung này, gặp mặt nước biển, độ truyền sóng lan rất xa. Chúng tôi thường xuyên liên lạc với quần đảo Trường Sa kiểm tra sóng, các anh phản hồi là nghe rất tốt".
Tỉnh Khánh Hòa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo của Tổ quốc, là cửa ngõ ra biển Đông của vùng Tây Nguyên. Với nhiều tiềm năng, tỉnh Khánh Hòa đang phát huy cao độ lợi thế để phát triển bền vững kinh tế biển, mục tiêu trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang hoàn thiện Đề án xây dựng huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 09/ 2022 của Bộ Chính trị về "Xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Đài Tiếng nói Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, động viên cán bộ, chiến sĩ, người dân huyện đảo Trường Sa vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.
"Chúng tôi rất mong muốn, thời gian sắp đến Đài Tiếng nói Việt Nam tiếp tục động viên ngư dân bám biển, động viên các phong trào tất cả vì biển, đảo quê hương. Đây là điều kiện để tỉnh Khánh Hòa triển khai thành công đề án này. Tuyên truyền người dân bám biến, cùng các tỉnh, thành giữ được chủ quyền biển, đảo. Đài tiếp tục thông tin cứu nạn giúp người đi biển nắm chắc được tình hình, đảm bảo an toàn tuyệt đối tài sản, tính mạng"- ông Tuân nói.