Dầm thép cầu Vàm Cống có vết nứt: Bộ GTVT chính thức có ý kiến
VOV.VN - Bộ GTVT chính thức lên tiếng về thông tin nứt dầm ngang tại trụ P29, dự án cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu khiến dư luận hết sức lo lắng.
Trong văn bản gửi các cơ quan thông tấn, báo chí, Bộ GTVT khẳng định, kết cấu công trình vẫn đảm bảo ổn định.
Bộ GTVT cho biết, chiều ngày 14/11/2017, trong quá trình thi công khe co giãn tại trụ P29 cầu Vàm Cống, các đơn vị tư vấn, nhà thầu phát hiện dầm ngang trên đỉnh trụ P29 bị nứt.
Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị xác định chính xác nguyên nhân nứt dầm và đề xuất giải pháp khắc phục triệt để đảm bảo chất lượng, tuổi thọ công trình. |
Ngay sau đó, Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị cần đánh giá cẩn trọng toàn bộ quá trình từ khâu thiết kế đến chế tạo, thi công lắp đặt để xác định chính xác nguyên nhân nứt dầm và đề xuất giải pháp khắc phục triệt để đảm bảo chất lượng, tuổi thọ công trình.
Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long) và các đơn vị dừng ngay các hoạt động thi công trên cầu chính Vàm Cống, thực hiện các biện pháp cần thiết để hạn chế, ngăn ngừa các nguy hiểm đối với công trình và đảm bảo an toàn cho người và thiết bị thi công.
Cận cảnh vết nứt.
“Bộ GTVT đã cử tổ công tác gồm: Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Vụ Khoa học công nghệ và các chuyên gia đầu ngành tiến hành kiểm tra hiện trường để chỉ đạo xử lý khắc phục”, Bộ GTVT cho biết.
Theo Bộ GTVT, cầu Vàm Cống có kết cấu dầm treo dây văng, đã hợp long nhịp chính, toàn bộ kết cấu đã làm việc theo sơ đồ tính toán. Để kiểm tra sự ổn định của công trình sau khi xảy ra nứt, Tổ công tác đã yêu cầu nhà thầu, tư vấn giám sát kiểm tra tình trạng kỹ thuật của cầu (kích thước hình học của kết cấu dầm, trụ tháp và ứng suất dây văng).
“Kết quả kiểm tra, đo đạc cho thấy, không xuất hiện nứt và các biến dạng bất thường tại các vị trí dầm được kiểm tra (ngoại trừ dầm ngang có xuất hiện vết nứt nêu trên); kích thước hình học của công trình phù hợp với hồ sơ thiết kế. Qua đó cho thấy, kết cấu công trình vẫn đảm bảo ổn định”, thông cáo báo chí của Bộ GTVT nêu rõ.
Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu sắp hoàn thành.
Trước đó, chiều qua (16/11), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã kiểm tra thực tế tại công trường và sáng 17/11 tổ chức họp với Tổ công tác, Tổng công ty Cửu Long, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và nhà thầu để chỉ đạo giải quyết.
“Các đơn vị nhà thầu, tư vấn giám sát đã gửi toàn bộ dữ liệu liên quan về công ty mẹ tại Hàn Quốc và đã huy động các chuyên gia Hàn Quốc sang Việt Nam cùng phối hợp nghiên cứu đánh giá nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục”, Bộ GTVT cho biết.
Cầu Vàm Cống thuộc Dự án thành phần 3 - Dự án kết nối Khu vực trung tâm đồng bằng Mekong, sử dụng nguồn vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc. Dự án được thực hiện bởi các nhà thầu chuyên nghiệp, hàng đầu của Hàn Quốc: Tư vấn thiết kế - giám sát Hàn Quốc là liên danh Dasan - Kunhwa - Pyunghwa; nhà thầu thi công Hàn Quốc là liên danh Công ty GS E&C và Hanshin. Cầu chính đã được hợp long ngày 29/9/2017, hiện đang thi công các hạng mục hoàn thiện: thảm bê tông nhựa mặt cầu, lắp khe co giãn, sơn kẻ đường và lắp biển báo an toàn giao thông, chiếu sáng.
Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ dự kiến thông xe cuối năm nay.
Cầu Vàm Cống là cầu dây văng có 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, tổng chiều dài 2.969m, trong đó nhịp chính dài 870m.
Dự án được đầu tư hơn 270 triệu USD (gần 5.700 tỷ đồng) từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, khởi công năm 2013.
Việc cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh được thông xe vào cuối năm nay sẽ kết nối tuyến giao thông đường bộ huyết mạch phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nối Thành phố Hồ Chí Minh đến Kiên Giang.
Khi đó, việc di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh theo tuyến đường N2 về An Giang, Cần Thơ và Kiên Giang sẽ thuận lợi hơn. Đặc biệt, khi dự án nâng cấp tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi dự kiến hoàn thành trong năm 2018./.