Dân chây ỳ “đòi” đền bù đất nông nghiệp theo giá đất ở tại Hải Phòng

VOV.VN - Một số hộ dân cố tình chây ỳ yêu cầu đền bù đất nông nghiệp theo giá đất ở khi thu hồi đất khiến dự án xây dựng hạ tầng khu TĐC bị đình trệ.

Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất tái định cư (TĐC) phục vụ GPMB xây dựng Công viên cây xanh từ Bến xe Tam Bạc đến chân cầu đường bộ Tam Bạc để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn Hải Phòng được UBND TP Hải Phòng giao UBND quận Lê Chân làm chủ đầu tư.

Khu đất dự án 4,3ha xây dựng HTKT khu tái đinh cư vẫn chưa thể giải tỏa do hộ dân không chấp hành bàn giao đất.

Ngày 4/8/2016, HĐND TP Hải Phòng ban hành Quyết định số 36/QĐ-UBND về chủ trương đầu tư dự án.

Theo đó, dự án nhằm giải quyết bố trí TĐC cho các hộ gia đình, cá nhân có đất đai, nhà ở bị thu hồi, đảm bảo điều kiện để GPMB thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố. Dự án có quy mô đầu tư xây dựng cơ sở HTKT khu TĐC trên diện tích hơn 43.665 m2 (địa bàn phường Vĩnh Niệm), gồm các hạng mục: san nền; các hệ thống HTKT đô thị: đường giao thông nội bộ; thoát nước mưa, nước thải; thu gom rác thải; cấp nước, điện chiếu sáng, cây xanh, cứu hỏa theo tiêu chuẩn khu dân cư đô thị loại 1. Đây là dự án nhóm B, tổng mức đầu hơn 139 tỷ đồng từ vốn ngân sách thành phố.

Theo kế hoạch dự án khởi công trong năm 2016 và bàn giao HTKT cho các đơn vị trong tháng 10/2017. Tuy nhiên, đến nay gần 2 năm dự án chậm tiến độ chưa thực hiện được do một số người dân khiếu kiện kéo dài, gây cản trở mất ổn định trật tự an ninh xã hội, bất chấp việc chính quyền vận động tuyên truyền giải thích và tạo điều kiện hỗ trợ ở mức cao nhất theo quy định pháp luật.

Cụ thể, nội dung đơn thư của bà Trần Thị Trà và một số hộ dân phường Vĩnh Niệm bị thu hồi đất cho rằng, việc UBND quận Lê Chân quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 là trái thẩm quyền; các hộ dân cũng kiến nghị về bồi thường đất nông nghiệp theo đơn giá đất ở.

Theo đại diện UBND quận Lê Chân, ngay sau khi nhận được đơn kiến nghị của các hộ dân và bà Trần Thị Trà liên quan đến việc thu hồi đất, GPMB dự án khu TĐC 4,3 ha, quận Lê Chân đã tổ chức đối thoại 3 lần với các hộ dân. Tuy nhiên, bà Trà tiếp tục có đơn khiếu nại, UBND quận đã mời bà Trà và các công dân có đơn để làm việc.

Tại các cuộc làm việc, các hộ dân cho rằng UBND quận phải đền bù về đất theo đơn giá đất ở.

Quận phê duyệt quy hoạch là đúng thẩm quyền

Cũng tại các cuộc họp đối thoại và văn bản trả lời công dân, đại diện chính quyền quận Lê Chân đã làm rõ về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 UBND quận Lê Chân là đúng thẩm quyền được phân cấp theo quy định của pháp luật.

Trả lời kiến nghị của công dân, ngày 20/12/2017, UBND quận Lê Chân thành lập đoàn kiểm tra, rà soát việc triển khai thu hồi đất, GPMB thực hiện dự án đầu tư xây dựng HTKT khu tái định cư 4,3ha tại phường Vĩnh Niệm.

Qua kiểm tra, rà soát đoàn công tác khẳng định việc lập Quy hoạch, thẩm định và duyệt đồ án Quy hoạch, thẩm định và phê duyệt Đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ  lệ1/500 khu tái định cư phục vụ dự án 4,3 ha đảm bảo đúng trình tự, thẩm quyền và quy định pháp luật.

Quá trình triển khai dự án và việc áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ dân có đất bị thu hồi là đúng theo quy định của pháp luật.

Việc các hộ dân tự ý chuyển nhượng đất nông nghiệp là chưa đúng quy định của pháp luật.

Thanh tra quận Lê Chân Hải Phòng khẳng định việc thực hiện thu hồi đất dự án đúng quy định pháp luật.

Tiếp đó, ngày 26/6/2018, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã chủ trì buổi làm việc với bà Trần Thị Trà để giải quyết kiến nghị liên quan đến việc bồi thường, GPMB dự án.

Ngày 3/7/2018, tại Thông báo số 230, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Kết luận khẳng định UBND quận Lê Chân ban hành Quyết định số 741/QĐ-UBND ngày 29/4/2016 về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và ban hành Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu tái định cư phục vụ dự án đầu tư xây dựng công viên cây xanh Tam Bạc tại phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân là đúng thẩm quyền quy định tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Xây dựng năm 2014 và đúng chỉ đạo của UBND thành phố.

Tại văn bản này, Chủ tịch TP Hải Phòng cũng khẳng định, diện tích đất hộ gia đình bà Trần Thị Trà đang quản lý, sử dụng có nguồn gốc là đất nông nghiệp, UBND quận Lê Chân lập phương án bồi thường, hỗ trợ theo giá đất nông nghiệp là đúng quy định.

UBND quận Lê Chân đã xét giao 1 lô đất ở có thu tiền sử dụng đất tại khu tái định cư và bán 1 chung cư cho gia đình bà Trà.

UBND TP Hải Phòng cũng đồng ý chủ trương theo đề xuất của UBND quận Lê Chân giao đất cho bà Nguyễn Thị Liên (là vợ liệt sỹ và là mẹ bà Trà) theo diện chính sách; đồng ý để hộ bà Trần Thị Trà được mua thêm 1 căn hộ chung cư để giải quyết khó khăn về nhu cầu nhà ở (do bà Trà có 2 người con đã có gia đình đang ở cùng).

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại gia đình bà Trà vẫn chưa chấp hành việc bàn giao đất phục vụ dự án công cộng của thành phố, vì cho rằng mức giá đền bù người dân 100 nghìn đồng m2 theo giá đất nông nghiệp, sau khi thu hồi xong san lô, bán nền cho các nhà đầu tư với giá từ 20 triệu đến 35 triệu đồng/m2.

Đất nông nghiệp không thể bồi thường bằng giá đất ở

Ông Phạm Tiến Du – Chủ tịch quận Lê Chân cho biết: kiến nghị về bồi thường đất nông nghiệp theo đơn giá đất ở của các hộ là hoàn toàn không có cơ sở để tính toán bồi thường.

Về công tác GPMB quận Lê Chân cơ bản đáp ứng tiến độ đặt ra theo yêu cầu của UBND TP. Khi có cưỡng chế GPMB thì quy trình rất nghiêm ngặt, quận phải báo cáo UBND, Thường trực Thành ủy, các sở ngành thẩm định, sau đó Thường trực Thành ủy nghe xem rà soát tất cả các chế độ chính sách xem còn vấn đề gì nữa không Thường trực Thành ủy mới cho phép quyết định cưỡng chế.

Trước khi thực hiện cưỡng chế, quận và TP đã vận dụng tối đa cơ chế đền bù có thể được theo hướng có lợi nhất cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại vướng mắc.

Cụ thể, ở khu 4,3ha hiện một số công dân chưa đồng thuận cho rằng: đã có kế hoạch sử dụng đất thì quận Lê Chân phải triển khai kế hoạch sử dụng đất đó và mặc nhiên đất nông nghiệp phải trở thành đất đô thị.

Một số mảnh đất nằm trong dự án 4,3ha hoàn toàn là đất nông nghiệp được thu hồi phục vụ dự án tái định cư chứ không phải chuyển sang đất ở như người dân hiểu. Lãnh đạo quận Lê Chân khẳng định: “Theo sổ mục kê, bản đồ, giấy tờ quản lý hiện tại thể hiện rõ đất người dân đang sử dụng quản lý là đất nông nghiệp, mặc dù trong tay người dân có bìa đỏ đất nông nghiệp cho thuê hàng năm. Về mặt quản lý chúng tôi cũng nhận thiếu sót, chính quyền địa phương để người dân mua bán làm nhà trên đất nông nghiệp không phép mà lẽ ra ngay từ đầu chính quyền địa phương phải kiên quyết xử lý cưỡng chế.

Bản chất đây là đất nông nghiệp thì chế độ đền bù quận phải thực hiện theo đúng quy định chính sách đất nông nghiệp trên địa bàn TP là 100 nghìn đồng/m2 và chế độ hỗ trợ khoảng 600 nghìn chứ không thể làm khác được. Trên dự án này, quận Lê Chân chưa chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở trường hợp nào”.

Để đảm bảo an sinh xã hội trong điều kiện hoàn cảnh không đủ điều kiện xét TĐC của nhiều hộ gia đình, quận Lê Chân vẫn xem xét đề nghị TP quan tâm cho mua nhà chung cư. Đặc biệt, trường hợp bà Trần Thị Trà hộ khẩu ở phường Niệm Nghĩa mua lại đất nông nghiệp rồi xây nhà ở từ những năm 2012-2013. Khi xem xét cụ thể trường hợp này quận và thành phố hết sức quan tâm tạo điều kiện do là gia đình chính sách. Tuy nhiên, gia đình này không đồng thuận mà có hành vi chống đối lực lượng cưỡng chế, gây trật tự xã hội.

Chống đối chính quyền?

Tại dự án này đa số nhân dân đồng thuận nhường đất cho dự án vì mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội phải đi tạm cư trong khi chờ đợi hoàn thành để an cư lạc nghiệp thì một số trường hợp liên tục không chấp hành chủ trương, không chịu bàn giao mặt bằng, dự án chậm tiến độ khiến người dân bức xúc.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quang Thiệp, tổ trưởng tổ dân phố số 22, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP Hải Phòng cho rằng, quá trình thu hồi đất TP Hải Phòng giao cho quận Lê Chân làm chủ đầu tư thực hiện đúng trình tự pháp luật quy định. Các hộ tạm cư được chính quyền bố trí nơi sinh hoạt tại khu nhà xã hội điều kiện đầy đủ.

Mọi người dân đều chấp hành chủ trương chính sách pháp luật nhưng vẫn còn một vài trường hợp kiên quyết không di chuyển như bà Trần Thị Trà, cho rằng đây là “dự án ma” khi chính quyền tới vận động có thái độ chửi bới, lăng mạ, mang tính chất ngang ngược và thách đố…“Chúng tôi vận động đã quá nhiều rồi nhưng không lay chuyển, không chấp hành. Khi chính quyền cưỡng chế gia đình này cố thủ trong nhà, sản xuất chất nổ tự tạo đe nẹt, ném bom xăng vào lực lượng cưỡng chế là không thể chấp nhận. Dân chúng tôi ở đây trước đây bị thu hồi hàng trăm ha nhưng chưa bao giờ chính quyền phải cưỡng chế”, ông Thiệp nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cưỡng chế 3 công trình xây dựng không phép ở Bà Rịa - Vũng Tàu
Cưỡng chế 3 công trình xây dựng không phép ở Bà Rịa - Vũng Tàu

VOV.VN - Ngày 19/9, lực lượng chức năng thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức cưỡng chế tháo dỡ 3 công trình xây dựng trái phép trên địa bàn.

Cưỡng chế 3 công trình xây dựng không phép ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Cưỡng chế 3 công trình xây dựng không phép ở Bà Rịa - Vũng Tàu

VOV.VN - Ngày 19/9, lực lượng chức năng thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức cưỡng chế tháo dỡ 3 công trình xây dựng trái phép trên địa bàn.

Dự án đất vàng Lý Thường Kiệt: Kiên quyết cưỡng chế thu hồi đất
Dự án đất vàng Lý Thường Kiệt: Kiên quyết cưỡng chế thu hồi đất

VOV.VN - 11 hộ dân cho rằng việc cưỡng chế thu hồi nhà, đất trái luật. Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm khẳng định, Quyết định cưỡng chế là đúng pháp luật.

Dự án đất vàng Lý Thường Kiệt: Kiên quyết cưỡng chế thu hồi đất

Dự án đất vàng Lý Thường Kiệt: Kiên quyết cưỡng chế thu hồi đất

VOV.VN - 11 hộ dân cho rằng việc cưỡng chế thu hồi nhà, đất trái luật. Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm khẳng định, Quyết định cưỡng chế là đúng pháp luật.

Cưỡng chế các cơ sở thuê kinh doanh sai phạm ở mương Phan Kế Bính
Cưỡng chế các cơ sở thuê kinh doanh sai phạm ở mương Phan Kế Bính

VOV.VN - 6 cơ sở kinh doanh trên phần đất xây dựng sai phép, không phép và sử dụng sai mục đích sẽ bị cưỡng chế di dời.

Cưỡng chế các cơ sở thuê kinh doanh sai phạm ở mương Phan Kế Bính

Cưỡng chế các cơ sở thuê kinh doanh sai phạm ở mương Phan Kế Bính

VOV.VN - 6 cơ sở kinh doanh trên phần đất xây dựng sai phép, không phép và sử dụng sai mục đích sẽ bị cưỡng chế di dời.