Dân kêu trời vì đại công trường khai thác cát trên sông Ba tại Phú Yên
VOV.VN -Sông Ba, đoạn hạ lưu qua tỉnh Phú Yên giống như một đại công trường, mỗi ngày có hàng trăm máy múc, máy bơm, xe tải đưa cát lên khỏi dòng sông...
Thời gian gần đây, tình trạng lợi dụng giấy phép để khai thác cát tràn lan trên sông Ba, tỉnh Phú Yên diễn biến phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, làm thất thoát tài nguyên. Cơ quan chức năng hiện vẫn chưa tìm được giải pháp quản lý tài nguyên hiệu quả.
Khai thác cát tràn lan làm sông Ba biến dạng. |
Sông Ba, đoạn hạ lưu qua tỉnh Phú Yên giống như một đại công trường, mỗi ngày có hàng trăm máy múc, máy bơm, xe tải đưa cát lên khỏi dòng sông. Nhiều đoạn bãi bồi trên sông bị biến dạng, xuất hiện hàng loạt hố sâu, rộng đến hàng chục ngàn mét vuông.
Tình trạng khai thác cát tràn lan đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sản xuất của người dân ven sống
“Vùng đây, lụt xuống thì nó xoi hết. Bây giờ, các công ty họ hút sâu xuống như trại bò tui ở kia, nó hút gần đó, lụt xuống là sập hết. Sâu không biết bao nhiêu nhưng họ hút phải mặc áo phao vì sợ rớt xuống, thì độ sâu nó sâu nhiều lắm, rất nguy hiểm. Như chúng tôi vay tiền của Ngân hàng để chăn nuôi bò, chứ hút cát kiểu đây thì đất sập hết, còn đất đâu để mà nuôi bò. Người có trách nhiệm cứu dân như chúng tôi sao mà nói được”, ông Lương Tấn Trường, ở thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa cho biết.
Ông Phạm Đại Dương- Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên kiểm tra khai thác cát trên sông Ba. |
Tỉnh Phú Yên có 24 mỏ cát được cấp phép, thì riêng khu vực hạ lưu sông Ba có đến 18 mỏ. Mỏ nhỏ nhất được cấp phép cũng 1 héc ta, rộng nhất lên đến 20 héc ta. Thời gian qua, do buông lỏng quản lý nên tài nguyên khoáng sản bị thất thoát, môi trường bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân chính do cơ quan chức năng không kiểm soát được ranh giới, độ sâu, khối lượng mà các doanh nghiệp đã khai thác. Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên đã phát hiện 23 doanh nghiệp khai thác cát ngoài ranh giới cho phép, không thực hiện cắm bảng công khai thông tin, không lắp đặt camera tại khu vực khai thác...
Mới đây, đoàn công tác của UBND tỉnh Phú Yên thực hiện kiểm tra đột xuất tại các doanh nghiệp thì những sai phạm này vẫn chưa được khắc phục.
Tại hiện trường, khi báo cáo với ông Nguyễn Chí Hiến, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên, ông Mai Kim Lộc- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường viện đủ lý do khó khăn từ ít nhân lực quản lý đến khó về quy định, thiết bị.
- Ông Mai Kim Lộc: Khó khăn hiện nay là lắp đặt trạm cân, vì khai thác giữa sông, không biết đặt như thế nào? Sở cũng báo cáo cho Bộ nhưng Bộ chưa có hướng dẫn cụ thể.
- Ông Nguyễn Chí Hiến: Có gì đâu, ba cái trạm cân, chỗ nào thuận lợi cân thì lắp đặt, chứ cần gì hướng dẫn? Mấy ông cứ làm gì to chuyện không vậy?
- Ông Mai Kim Lộc: Nói như anh đâu có phải. Yêu cầu lắp đặt camera nhưng không yêu cầu kết nối như thế nào. Quản lý nó rất là khó. Đang yêu cầu doanh nghiệp báo cáo mặt bằng khai thác, đã có 2 văn bản chỉ đạo rồi nhưng các doanh nghiệp cũng chưa báo cáo...
Sông Ba nơi đang có gần 20 mỏ cát khai thác. |
Ông Nguyễn Chí Hiến, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết: Để chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trong khai thác cát, tỉnh Phú Yên sẽ thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra, rà soát lại tình hình quản lý, khai thác các mỏ cát trên địa bàn. Kiên quyết tạm dừng khai thác đối với các doanh nghiệp không thực hiện các quy định bắt buộc như: lắp trạm cân, camera theo dõi, giám sát; khai thác và tiêu thụ không đúng nơi quy định.
“Trước hết, những đơn vị chưa có camera, chưa có thông tin vị trí khai thác cụ thể....qua kiểm tra chưa đảm bảo những thông tin ban đầu thì việc tạm dừng. Bản thân đơn vị đó mà cố tình thực hiện trong thời gian tỉnh giao yêu cầu tạm dừng thì rút giấy phép”, Nguyễn Chí Hiến nói.
Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Chí Hiến, tỉnh Phú Yên đồng thời không tiếp tục gia hạn đối với các mỏ được cấp phép có quy mô lớn nhưng doanh nghiệp không có đủ năng lực khai thác. Tỉnh Phú Yên sẽ tổ chức đấu giá nhằm thu ngân sách đối với những mỏ đúng điều kiện./.