Dân nghèo miền Tây cần lắm những cây cầu
VOV.VN - Tại các tỉnh miền Tây người nông dân luôn mong ước có những cây cầu kiên cố đảm bảo an toàn cho con trẻ đến trường.
Những ai đã từng được sinh ra và lớn lên trên vùng sông nước miền Tây sẽ hiểu cảm giác hàng ngày phải đi học, đi làm trên chiếc cầu khỉ mà thân cầu chỉ bằng “cùm tay” đong đưa theo sóng nước. Có nhiều nơi con sông rộng quá nên không thể xây nổi một cây cầu do kinh phí quá lớn…
“Nếu may mắn quê mình được xây dựng một cây cầu thì vui biết bao. Các con đi học sẽ không còn chịu cảnh ngồi trên các bè tự chế. Người già trong xóm nửa đêm đau ốm cũng có cây cầu mà đi đến trạm xá nhanh hơn...”, đó là bộc bạch của một người dân tại xã Thới Bình thuộc huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, nơi con sông Chẹm rộng khoảng 40m chảy qua.
Cây cầu dây văng do Tập đoàn Number 1 tài trợ xây dựng tại huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ. |
Những nơi không cầu thì khổ đã đành, nhưng nơi đã có được cây cầu cũng vẫn khổ. Do miền Tây đâu đâu cũng là nước mặn nên cầu xây được một thời gian thì dần bị hư hỏng. Như cây cầu Cựa Gà, ấp 8, xã Tân Lộc bắc qua sông Cựa Gà ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau là một trong số ấy. Trụ cầu bị bong tróc bê tông, lõi sắt lộ ra ngoài, để chống đỡ người dân dùng thân gỗ hoặc quấn tạm dây kẽm xung quanh để gia cố. Hàng ngày mọi người phải đi lại trên cây cầu này nhưng ai nấy cũng đều thấy bất an.
Ông Nguyễn Văn Nam người hàng ngày phải đi trên cầu chia sẻ: “Cây cầu này không biết lúc nào sập nhưng nếu không đi thì cũng không được, Tôi mong sẽ sớm có người giúp đỡ để sửa lại cầu cho bà con.”
Bà con tại xã An Trạch, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu khi đi qua cầu Vàm Ba Tỉnh cũng cùng một nỗi lo ấy, trụ cầu thì trơ lõi sắt, lan can lại rơi rụng qua ngày nếu không may bị té ngã mà không bám lại được thì cả người và xe đều trôi mất.
Ông Tô Chí Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã An Trạch chia sẻ: “Cầu Vàm Ba Tỉnh trên kênh Ba Tỉnh hư hỏng từ nhiều năm nay, nhưng do thiếu kinh phí nên vẫn chưa sửa chữa hay xây mới. Cây cầu này nối các ấp, xã và là tuyến đường chính để người dân địa phương ra chợ, đến trung tâm y tế, trẻ em đi học”.
Trước thực trạng này, nhiều doanh nghiệp và mạnh thường quân đóng góp vào nguồn vốn xã hội hóa để sửa chữa, xây dựng những cây cầu chắc chắn hơn cho bà con. Mới đây nhất có thể kể đến chương trình “Nhịp cầu ước mơ” do nhãn hàng Trà thảo mộc Dr Thanh thuộc Tập đoàn Number 1 - Tân Hiệp Phát tài trợ. Mục tiêu của chương trình là mỗi tháng xây dựng một cây cầu dây văng trị giá 700 triệu đồng cho bà con tại các xã nghèo ở miền Tây.
Theo khuôn khổ dự án “Nhịp cầu ước mơ”, nhà tài trợ sẽ phối hợp cùng chính quyền địa phương chọn ra 2 xã cùng tham gia cuộc thi lựa chọn tỉnh thành xây dựng cầu. Xã dành thắng lợi nhận cây cầu trị giá khoảng 700 triệu đồng, xã còn lại nhận phần thưởng 50 triệu đồng nộp vào quỹ hỗ trợ người nghèo của xã.
Dự án đã khởi công xây dựng được 10 cây cầu dây văng và có 5 cây cầu tại các tỉnh: Tiền Giang, An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An đã đưa vào sử dụng. Những cây cầu ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau sẽ tiếp tục được tập đoàn Number 1 triển khai xây dựng trong thời gian sắp tới, đây là một tín hiệu đáng mừng cho bà con nơi đây./.