Tại tọa đàm ngày 1/12, các chuyên gia giáo dục, đại diện cơ quan quản lý và các trường đã thẳng thắn phân tích những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ mầm non.
Đó là việc cấp phép khá dễ dàng, công tác kiểm tra còn lỏng lẻo, quá trình rà soát, quản lý bằng cấp chuyên môn của giáo viên, bảo mẫu chưa nghiêm túc... được cho là các nguyên nhân ban đầu khiến chất lượng nuôi dạy trẻ tại nhiều cơ sở mầm non tư thục ngày càng xuống cấp.
|
Tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non – Vì đâu nên nỗi"? |
Những đòi hỏi khá gắt gao từ phía nhà trường, phụ huynh đôi khi cũng tạo nên áp lực, khiến không ít giáo viên, bảo mẫu cảm thấy ức chế, khó kiểm soát hành vi nếu chẳng may trẻ quậy phá, không nghe lời hay đánh bạn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mấu chốt của giáo dục vẫn nằm ở kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp của giáo viên.
Để ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ, nhiều đại biểu cho rằng cần quan tâm nhiều hơn đến vai trò của ngành giáo dục mầm non tại các trường đại học.
Trong quá trình đào tạo, bên cạnh việc trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, các trường cần giáo dục kỹ về mặt đạo đức để các giáo viên mầm non tương lai tự trang bị những phương pháp sư phạm đúng mực và biết yêu thương trẻ.
Phụ huynh cũng cần được hướng dẫn để biết cách khai thác thông tin và kịp thời phát hiện các dấu hiệu nếu con mình bị bạo hành tại trường.
Khi bạo hành xảy ra, việc xử lý nghiêm với khung hình phạt cao cũng góp phần răn đe để hạn chế thực trạng đáng buồn này.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục – đào tạo, chính quyền địa phương và toàn xã hội mới mong giải quyết tận gốc vấn đề này.