Dấu ấn Hồ Chí Minh ở Quảng Tây (Trung Quốc)
VOV.VN - Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là người kết nối và làm bền vững những giá trị, tình cảm thiêng liêng mà nhân dân hai nước đã dày công vun đắp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh – cái tên không chỉ gợi lên tình cảm thành kính trong mỗi người dân Việt Nam mà còn tạo được ấn tượng vô cùng tốt đẹp với bè bạn quốc tế. Ngay phía bên kia biên giới là Quảng Tây (Trung Quốc) - nơi chỉ cách Quảng Ninh, (Việt Nam) một dòng sông, dấu ấn của Hồ Chí Minh vẫn luôn hiện hữu như biểu tượng về một người bạn vĩ đại – người đã xây dựng và vun đắp tình hữu nghị giữa hai dân tộc.
Với nhân dân Trung Quốc, Hồ Chí Minh là cái tên rất đỗi quen thuộc. Bác Hồ không chỉ là lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam mà còn là người bạn thân thiết với những nhà cách mạng kỳ cựu của Trung Hoa như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ,.. đã cùng ngang vai sát cánh để đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng của hai dân tộc.
Tượng điêu khắc kỷ niệm ở Phòng Thành, đánh dấu điểm mở đầu
của Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Ngày 19/2/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm tỉnh Hải Ninh, nay là Móng Cái (Quảng Ninh). Đứng ở cầu Hữu Nghị trên sông Bắc Luân, Người ngắm cảnh Đông Hưng rồi dẫn đoàn bước qua vạch phân giới đỏ ở giữa cầu để sang thăm nước bạn.
Khi gặp anh lính gác Trung Quốc, Bác hỏi: “Tôi là Hồ Chí Minh, hôm nay tôi đến đây vừa không có tiền vừa không có giấy tờ, có thể nhập cảnh hay không?”. Anh lính trả lời: “Dạ được, bác là Chủ tịch Hồ Chí Minh ạ”. Bác Hồ lại hỏi: “Sao cháu lại biết bác?”. Anh lính trả lời: “Ở Trung Quốc đâu đâu cũng thấy hình ảnh Bác, làm sao mà không nhận ra được ạ”. Nói rồi anh nhiệt tình đón tiếp và dẫn đoàn đến phòng khách của trạm biên phòng.
Biết Đông Hưng có một trường mầm non, Người liền tới thăm và mua kẹo để tặng các cháu học sinh và thầy cô. Bác bước vào trường, các cháu học sinh vây lấy Bác, đồng thanh “Chào Bác Hồ ạ”. Người trò chuyện bằng tiếng Trung, cùng hát những bài ca quen thuộc của nước bạn.
Chuyến thăm bất ngờ và sự giản dị, khiêm nhường của Người đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho những người dân Đông Hưng lúc ấy. Để ghi nhớ dịp đặc biệt này, chính quyền và nhân dân nơi đây đã cho xây dựng ngôi đình mang tên Hồ Chí Minh, nằm cách bờ sông biên giới chỉ khoảng 30m.
Đình nhỏ bé nhưng kiên cố, được trang trí bằng ngói lưu li, cạnh đó là tấm bia bằng đá hoa cương ghi lại câu chuyện năm nào. Cho đến nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là nhà lãnh đạo nước ngoài cao cấp nhất và duy nhất tới Đông Hưng, chuyến thăm có ý nghĩa tăng cường hơn nữa sự giao lưu chính trị, kinh tế, văn hoá của nhân dân hai bên biên giới trong suốt những năm về sau.
Từ Đông Hưng đi tới Phòng Thành (thành phố Phòng Thành Cảng), một cảng biển quan trọng của cả Quảng Tây và Trung Quốc, cách biên giới khoảng 70km, thật xúc động khi thấy tên Hồ Chí Minh hiện hữu trên những tấm biển chỉ báo đường. Người Việt Nam ai cũng biết đến “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, nhưng có lẽ ít ai biết cảng Phòng Thành chính là nơi bắt đầu của tuyến đường vận tải bí mật trên biển, chi viện sức người, sức của cho miền Nam trong suốt những năm tháng chống Mỹ kiên cường.
Ngày 22/3/1968, lãnh đạo Trung Quốc lúc đó là Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai đã quyết định xây dựng cảng ở Phòng Thành với mã số công trình “Quảng Tây 3.22”, là đầu mối quan trọng cho một trong những con đường huyền thoại trong lịch sử Việt Nam.
Ngày 30/4/2015, nước bạn đã cho xây dựng bức tượng điêu khắc tại bến tàu Phòng Thành, mang dòng chữ “Điểm xuất phát con đường Hồ Chí Minh trên biển” bằng ba thứ tiếng Việt, Trung và Anh – lưu lại ký ức về thời kỳ “kề vai sát cánh” không thể nào quên.
Những dấu ấn của Hồ Chí Minh ở phía bên kia biên giới đã luôn được chính quyền và nhân dân Đông Hưng, Phòng Thành trân trọng, lưu giữ và tôn tạo trở thành những điểm tham quan.
Là người dân Việt Nam có cơ hội được tới thăm những di tích quý giá đó, ông Hoàng Xuân Sinh (Móng Cái, Quảng Ninh) xúc động chia sẻ: “Bác Hồ là con người được Trung Quốc đánh giá rất cao, có nhiều tiếng vang. Phía Trung Quốc họ đã biết khai thác và nắm bắt những điểm di tích về Bác, có mối quan hệ thân thiết với Việt Nam, từ đó gợi lại, giới thiệu lại, tạo điều kiện để mỗi chúng ta hiểu thêm về lịch sử, có ý nghĩa với cả hai phía. Qua đó thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa hai nước”.
Hồ Chí Minh với người dân bên kia biên giới Trung Quốc không chỉ là hình ảnh đại diện gần gũi cho những người bạn Việt Nam trong quá khứ mà hơn hết, ở hiện tại và cả tương lai, Bác vẫn là người kết nối và làm bền vững những giá trị, tình cảm thiêng liêng mà nhân dân hai nước đã dày công vun đắp./.