Chuyên gia, nhà báo chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về xâm hại trẻ em
VOV.VN -Ngày 4/5, LCH Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức thảo luận nhằm chia sẻ kinh nghiệm giữa các chuyên gia, nhà báo VOV khi đưa tin về xâm hai trẻ em.
Tham dự buổi thảo luận có các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu về trẻ em, các tổ chức phi chính phủ bảo vệ quyền trẻ em và đông đảo phóng viên, biên tập viên trong Đài Tiếng nói Việt Nam. Một số đại biểu không tới dự được cũng gửi tham luận tới đóng góp ý kiến.
Đông đảo các đại biểu và các phóng viên nhà báo tham dự buổi thảo luận. |
Các ý kiến và tham luận của đại biểu tại buổi thảo luận tập trung chia sẻ các vấn đề của báo chí trong việc tiếp cận khai thác, xử lý các thông tin về xâm hại trẻ em. Khi đưa tin về các vụ xâm hại trẻ em, các nhà báo cần lưu ý giữ những thông tin các nhân cho nạn nhân, như: hình ảnh, tên tuổi, địa chỉ, thậm chí cả người nhà nạn nhân hay hàng xóm. Những thông tin có liên quan đến nhân thân nạn nhân có thể có tác động tiêu cực lâu dài đến đời sống của nạn nhân. Mặt khác, việc khai thác quá sâu, chi tiết các vụ việc cũng khiến cho dư luận xã hội có cái nhìn tiêu cực về cuộc sống, từ đó "giữ gìn" con trẻ quá mức, khiến cuộc sống quả các em không phát triển bình thường.
TS. Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: “Các vụ việc xâm hại tình dục vừa qua được báo chí các cơ quan truyền thông vào cuộc khiến cho các cơ quan làm luật phải sửa đổi và điều chỉnh luật cho thấy sức mạnh của báo chí là rất lớn. Tuy nhiên, đưa tin các vụ việc quá nhiều khiến cho các gia đình lúc nào cũng "cảnh giác", lo sợ, khiến cuộc sống của các em bị đảo lộn".
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới (CSAGA), nêu ý kiến: "Thay vì chỉ phản ánh vụ việc và kể câu chuyện của nạn nhân, các nhà báo có thể nêu vấn đề những hạn chế, "lỗ hổng" của luật pháp trong xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em. Các bạn có sức mạnh trong lĩnh vực này, từ đó chúng ta có thể sửa đổi luật, xử lý các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em triệt để hơn".
Một số phóng viên, biên tập viên chia sẻ khó khăn trong việc tiếp cận các cơ quan quản lý nhà nước, việc xử lý thông tin chi tiết về nạn nhân và các vụ việc sao cho vẫn đảm bảo tính trung thực “người thực việc thực”, mà vẫn bảo vệ được bí mật nhân dân của nạn nhân.
Chia sẻ khó khăn của các nhà báo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, phát biểu: "Chúng tôi rất chia sẻ với các bạn qua các khó khăn trong việc bảo vệ nạn nhân, lên tiếng để phòng chống xâm hại trẻ em. Khi viết về trẻ em các bạn phải yêu thương trẻ em, tìm hiểu kĩ trẻ em thì mới tiếp cận được với nạn nhân. Đôi khi chúng ta có 30 phút thì phải mất 25 phút để làm quen và chơi cùng các cháu sau đó chỉ còn 5 phút để khai thác thông tin”.
“Tôi rất muốn các nhà báo hay phóng viên có những trau dồi về kiến thức, hiểu biết sâu rộng hơn nữa, nhiệt tình, yêu thương thực sự với trẻ em và có trách nhiệm với trẻ em với chính những bài viết của mình hơn nữa. Qua đó góp phần phòng chống xâm hại trẻ em ngày càng tốt hơn, khắc phục những khó khăn trong đấu tranh phòng chống xâm hại trẻ em ở nước ta” - PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh chia sẻ thêm./.