Thực tế ghi nhận khi chủ trương của Đảng đã có thì phải cụ thể hóa thông qua các chính sách pháp luật của Nhà nước và hoạt động của chính quyền các cấp. Bởi vậy, truyền thông chính sách được nhìn nhận là nội dung quan trọng trong hoạt động của Chính phủ, truyền tải thông tin về nội dung chính sách đến đối tượng tổ chức thực hiện chính sách và người dân vừa là người chịu sự tác động của chính sách, đồng thời là người thụ hưởng chính sách.

Đài TNVN thực hiện truyền thông chính sách vừa là cắt nghĩa, vừa là giải thích về một chính sách cụ thể với những nội dung chi tiết hóa được gắn với những ví dụ điển hình, tạo sự hiểu, sức hấp dẫn, sức thuyết phục, và trên hết là sự đồng thuận với Chính phủ, với chính quyền các cấp, từ đó tạo ra sự lôi cuốn để thực hiện chính sách đó. Những thành tựu phát triển kinh tế đất nước, những kết quả kinh tế nổi bật ở nhiều địa phương và rất nhiều bộ, ngành trong thời gian qua đã minh chứng sự đóng góp của công tác truyền thông chính sách, trong đó có các cơ quan truyền thông đã và đang song hành với công tác vận động thực hiện chính sách. Tôi xin lấy một ví dụ: Chủ trương của Đảng về CNH, HĐH, chính sách cụ thể về công tác giải phóng mặt bằng để phát triển các khu công nghiệp lớn với hàng nghìn héc-ta để đưa 2 trong số 3 tỉnh có số thu ngân sách cách đây hơn 20 năm về trước là thấp nhất nước, nay đã trở thành 2 tỉnh có số thu ngân sách thuộc top đầu của cả nước. Đó cũng là thành quả của công tác truyền thông chính sách, là công tác vận động thực hiện chính sách, chuyển đổi đất đai, giải phóng mặt bằng để phát triển công nghiệp. Đó là sự cụ thể hóa, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đã được tổ chức thực hiện ở các địa phương này.

Khi truyền thông chính sách không đầy đủ, không kịp thời, không đi trước, thiếu chính xác dễ dẫn tới chính sách bị bóp méo, thậm chí có thể bị xuyên tạc, bị hiểu sai và dẫn đến không có được hoặc ít có sự đồng thuận của nhân dân, làm cho hiệu quả của những nỗ lực hành động của Chính phủ khó đạt được như kỳ vọng, và khi các lực lượng chống phá thù địch xuyên tạc thì thậm chí còn chịu tác động tiêu cực đối với niềm tin của một bộ phận công chúng. Nhận thức như vậy, Đài TNVN đã phát huy vai trò của mình trong công tác đấu tranh phản bác những thông tin xuyên tạc chính sách.

Về hành động, hay nói cách khác là tổ chức thực hiện truyền thông chính sách, Đài TNVN đã tập trung vào 3 điểm chủ yếu sau: Một, với đặc điểm là cơ quan báo chí chủ lực đa loại hình, chúng tôi xác định việc đầu tiên phải truyền thông chính sách là xác định đối tượng chiếm tỷ trọng lớn khi chịu sự tác động của chính sách. Ví dụ, về chính sách đối với đồng bào dân tộc thì phải đẩy mạnh phát thanh chương trình dân tộc trên VOV4 phát thanh bao phủ hầu hết và nghe được diện rộng tới đồng bào dân tộc và phát đủ 13 thứ tiếng dân tộc, đến được với các đồng chí công an, quân đội đang ở nơi biên cương, hải đảo về chính sách này.

Điểm thứ hai, truyền thông chính sách phải có thông điệp. Cơ quan truyền thông sẽ căn cứ vào thông điệp mà chính sách đó đề ra để thực hiện phân bổ tin, bài, hình ảnh người đối thoại, giờ phát sóng, sử dụng tối đa các công cụ mà cơ quan truyền thông đang có. Công tác phòng chống dịch với thông điệp chống dịch như chống giặc, chính sách an sinh phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 vừa qua là một ví dụ.

Điểm thứ 3, cơ quan truyền thông phải chủ động nắm bắt được ngay từ khi chính sách đó đang trong giai đoạn hình thành, nắm bắt được cả những ý kiến phản biện trong quá trình hình thành chính sách để khi chính sách ra đời thì cơ quan truyền thông không bị động. Chúng tôi chủ động truyền thông với cách nhìn đa dạng, đa chiều, bám sát nội dung chính sách và đảm bảo định hướng để đối tượng do chính sách tác động thấy rõ nội dung, hiểu và đồng thuận. Nói cho người ta nhận thức được thì âm thanh, hình ảnh phải tốt. Nói cho người ta tin thì nội dung phải tốt. Nói cho người ta làm theo thì phải có ví dụ minh họa.

Trong xã hội đang phát triển như ngày nay, xã hội số, hầu hết mọi người dân đều có thể tiếp cận thông tin nhanh chóng, đa dạng và đa tầng trên nền tảng  internet. Dường như ai cũng có thể là một nhà truyền thông với nhiều phương tiện hiện đại. Vì vậy, theo chúng tôi, cần tập trung hơn nữa cho lực lượng làm công tác truyền thông chính sách, trong đó có các cơ quan truyền thông lớn có vai trò định hướng dư luận. Cụ thể, nâng cao nguồn lực con người, có được đội ngũ những người làm báo vững về tư tưởng, có khả năng chuyên môn để tiếp cận nội dung chính sách đề ra. Nguồn lực chất lượng cao là phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý báo chí sẽ phải tiếp tục được bồi dưỡng đào tạo để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Nguồn lực đối với chúng tôi còn được hiểu là đảm bảo tốt hơn cho đời sống và thu nhập người làm báo, đủ sức để níu giữ những phóng viên giỏi, những biên tập viên giỏi, những kỹ thuật viên giỏi, những phát thanh viên giỏi để gắn bó lâu dài, yên tâm làm việc tại Đài, hạn chế được thấp nhất những cá nhân này xin thôi việc để chuyển đi nơi khác. Cùng với đó phải quan tâm kinh tế báo chí, cơ chế đặt hàng để những  cơ quan truyền thông chủ đạo phát triển trở thành những kênh thông tin định hướng xã hội.

Nói rộng thêm về truyền thông, nghề báo như người kể chuyện, dù là báo nói, báo hình, báo in hay báo điện tử. Mỗi loại hình báo chí dùng đặc trưng nghề nghiệp, lợi thế so sánh để kể câu chuyện từ thực tiễn cuộc sống. Truyền thông chính sách là mảng nghề đầy thách thức khi mà chính sách đưa ra bên cạnh số đông được hưởng lợi, luôn có nhóm người bị tác động. Và người làm báo phải hiểu sâu sắc bản chất vấn đề, không bị tác động bởi những nhóm vận động bóp méo chính sách. Người làm báo không chỉ giúp mọi người hiểu được bản chất sự việc, mà phải để công chúng thấy được triển vọng phát triển, thấy được chân trời. 

Từ thực tế hoạt động, Đài TNVN nhận thấy, để phát huy vai trò của truyền thông chính sách trong bối cảnh mới cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ một số giải pháp cụ thể.

Đó là, bảo đảm kết cấu hạ tầng công nghệ, thông tin hiện đại, truyền thông chính sách cho các chủ thể truyền thông chính sách và cơ sở truyền thông chính sách theo kịp xu thế phát triển của thế giới; đồng thời phù hợp với trình độ tiếp cận và sử dụng các thiết bị thông minh của công chúng.

Xây dựng môi trường pháp lý cho truyền thông chính sách trong thời kỳ chuyển đổi số. Trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin, bên cạnh báo chí truyền thông còn rất nhiều “dòng chảy” thông tin khác; đặc biệt là thông tin trên mạng xã hội. Do đó, rất cần có những nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp khoa học nhằm tư vấn chính sách quản lý truyền thông chính sách trong môi trường truyền thông chính sách số một cách kịp thời và hiệu quả.

Nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp an ninh truyền thông chính sách hiệu quả, đặc biệt là vấn đề phòng, chống tội phạm công nghệ cao và an ninh mạng. Chủ thể truyền thông chính sách, cơ quan quản lý Nhà nước và Ban Tuyên giáo các cấp cần nhận thức đúng về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và tính tất yếu của sự đổi mới, có chiến lược nghiên cứu, thay đổi chính sách quản lý truyền thông chính sách trước thách thức của sự phát triển mạng xã hội, truyền thông chính sách xã hội, sự ra đời của báo chí đa nền tảng, báo chí dữ liệu và báo chí sáng tạo.

Các cơ quan xây dựng chính sách cần có sự hợp tác chặt chẽ với các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí chủ lực. Hợp tác trên cơ sở hỗ trợ chuyên gia, cán bộ cũng như giải thích, đối thoại với công chúng; sẵn sàng tiếp thu giải thích rõ mục tiêu của chính sách cũng như tính khả thi của chính sách./.

Chủ Nhật, 06:00, 22/01/2023