Đoàn Quang Long: Nhà báo, “đồ nghề”

VOV.VN - Có thời gian là cấp dưới của anh Đoàn Quang Long, nguyên Trưởng ban Biên tập Thời sự Đài TNVN, tôi đã được anh truyền cho nhiều bài học trong nghề.

Thích văn chương nên từ Đài Phát thanh Giải phóng A chuyển về Đài TNVN, tôi tha thiết đầu quân cho văn hóa, văn nghệ nhưng những chương trình này không có chỗ cho tôi. Ông Dư tổ chức day day chiếc trán hói, thả từng tiếng một vào buổi chiều muộn: “Tổ Công nghiệp đang cần người. Tôi biết là cậu không muốn, nhưng phải về đó, vì cậu là đảng viên trẻ”.

Tôi mang gương mặt buổi chiều muộn lên gác hai, nhà hội trường lớn 58 Quán Sứ. Tổ trưởng Đoàn Quang Long hồ hởi:

- Uơ tề, dân miền trong, học Văn, về công nghiệp là hay lắm đó anh chắt hầy.

Vui lây tiếng Nghệ, tôi cười dè dặt. Anh cho tôi mấy đường cơ bản:

- Công nghiệp bây chừ, ngày xưa có cái tên đầu tiên rất “leng keng” là “Từ nhà máy đến công trường”. Lúc nào cũng nhanh nhẹn, khẩn trương, vui vẻ. Nhứt Đài. Đi viết bài, chỗ mô cũng máy móc, thiết bị, áo công nhân đồng phục. Nhứt xã hội. Đi về mô cũng có xe đưa, xe đón, ăn cơm công trường, xí nghiệp. Từ giám đốc đến công nhân, ai cũng muốn được hút tiếng vào máy, phát lên trời cho cả làng, cả phố, cả họ nghe. Nhứt phóng viên.

Nhà báo Đoàn Quang Long (trái) và con trai, nhà báo Đoàn Quang

Sau bài “Ba nhứt”, anh giao cho tôi đọc tin bài của đồng nghiệp, đi thu chương trình dưới sự bảo trợ của chuyên gia Lê Phương, về Hà Tây viết công nghiệp phục vụ nông nghiệp theo sự chỉ dẫn của tổ phó Bích Lưu.

Tổ trưởng Đoàn Quang Long gọi là “giai đoạn làm quen”, mà ai muốn thạo nghề cũng phải trải qua. Người đi trước căn dặn, bảo ban người đi sau. Thấy đúng không khen, thấy sai không nhắc nhở thì còn gì là lãnh đạo nữa. Tôi bắt đầu hiểu và mến anh. Đền đáp sự quan tâm của tổ trưởng, tôi cố đi nhiều, viết nhiều, có bài được khen, thính giả yêu cầu  nghe lại.

Cuối năm 1982, tôi về vùng than Hòn Gai - Cẩm Phả gần tháng, đi hết mỏ lộ thiên, xuống moong, vào lò chợ, xuống tận đáy đường lò Mông Dương, cách mặt đất ngót 100m, nhận ra nhiều cái được, nhiều cái chưa được, thậm chí cả những sai lầm. Phóng sự điều tra “Món nợ đất đá” được anh Long đưa lên Ban duyệt, khen hay. Cầm “Món nợ đất đá” trên tay, anh Long bảo tôi:

- Này, anh chắt, tư liệu có 10 thì viết 5 thôi nhé, phải phòng ngừa để phản đòn và bảo đảm an toàn nữa chứ.

Anh gợi ý đưa “Món nợ đất đá” đi dự thi Giải báo chí Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1983 và tôi được Giải B.

Lại nhớ chuyến đi Bình Trị - Thiên vào mùa hạ năm 1984.

Ra đi từ nhà A5, 128C Đại La, Hà Nội, mưa tầm tã. Chiếc GAT 69 của anh Thu cũ nát, vải bạt thủng lỗ chỗ, người ngồi trong xe phải đội mũ, mặc áo mưa. Tối ngủ lại Thanh Hóa đến trưa hôm sau nắng chang chang đến Vinh. Anh Quang Long bảo phải đến một địa chỉ ngoài kế hoạch là Bộ Chỉ huy quân sự Quân khu 4. Nói là ngoài kế hoạch, nhưng chắc anh Long đã có dự định trước nên từ cổng đã thấy hai hàng tiêu binh chỉnh tề.

Phía trước là băng khẩu hiệu: “Chào mừng đoàn nhà báo Đài TNVN”. Gay to rồi. Người mệt, trời nắng gắt, mà tôi chưa đi giữa hàng quân bao giờ. Anh Long rỉ tai: “Chú phải đi thẳng lưng, bước đều, dứt khoát như tập quân sự ấy”. Đầu gối mỏi nhừ, hội trường còn xa, mà thủ trưởng vẫn ngẩng cao đầu, bước đều đặn. Mệt phờ. Quân dung không thể tươi tắn được.

Anh Long nói nhỏ: “Vui vẻ, phấn chấn lên chú. Cái nghiệp phóng viên nó thế. Phải biết thích nghi hoàn cảnh chứ”. Tôi lại được anh truyền cho một bài học nữa rồi.

Nghe giọng Nghệ An của anh Đoàn Quang Long, mẹ tôi cười to:

- Chau ui, răng mà in dư tiếng chú Dần hè (Chú Dần là bộ đội đóng quân nhà tôi năm 1959).

Anh Quang Long vui vẻ hỏi: Năm nay nhà mệ cấy mấy sào?

- Nỏ được răng nấy, chú nờ. Một sào trăm, hơn một sào mười, dưng mà nhờ khoán hộ nên có khả năng đủ ăn. Chả được bao nhiêu chú ạ. Một sào trăm (theo chỉ thị 100), một sào mười (theo Nghị quyết 10).

Anh Long khoái chí vỗ vào vai tôi: “Đây mới là nghị quyết đi vào cuộc sống. Thu thanh được những lời chân chất từ nông dân thế này mới bõ công đeo máy ghi âm”. Vậy là nhà báo đi trước đang cho tôi bài học “ghi âm” đáng nhớ.

Một tối áp Tết, nhà văn Hoàng Ngọc Anh, ở trên tôi một tầng, thả giọng quan trọng:

- Sếp Long nhờ tôi bảo anh lên nhà ngay. Việc khẩn.

Mưa dầm, rét ngăn ngắt, tôi cố guồng xe đạp ngược gió lên khu tập thể Kim Liên. Ngực lạnh buốt mà chân toát mồ hôi. Anh Long nói gọn:

Câu chuyện truyền thanh “Chuyến tàu mùa Xuân” của chú xúc động lắm, nhưng có chút phải sửa. Chú viết bánh tàu đè lên đường ray nghe chưa sướng, mà phải là con tàu nghiến đường ray, nghe mới đã, mới thấy cái giá năm cũ phải trả cho năm mới thành công.

Lệnh sếp ban ra, chỉ có thi hành. Tôi tức tốc guồng xe cà tàng lên Bá âm nhờ người diễn, xin phòng thu đột xuất “vá chín”. Hết đêm, xong việc, mệt rũ. Tôi trách anh quá tỷ mỷ, cẩn thận, làm khổ lính. Nhưng khi Câu chuyên truyền thanh phát mùng một Tết, nghe tiếng nghiến trên nền nhạc réo rắt, quả hay thật. Không biết đến bao giờ tôi học được cái “kỹ tính nghề nghiệp” của anh.

- Từ năm 1988 -1992, nhà báo Đoàn Quang Long làm Trưởng ban Biên tập Thời sự, tôi chuyển sang Ban Thư ký Biên tập nên không làm việc thường xuyên với anh.

Nghỉ hưu, anh cần mẫn viết sách truyền nghề, làm giảng viên “ngoài biên chế” cho nhiều lớp báo chí từ Bắc vào Nam. Hễ gặp nhau, anh em tôi chuyện nổ như ngô rang. Chung quy là chuyện nghề, mà thú vị nhứt, theo chữ của anh Long là “tình huống phát thanh”, lắm lúc kẹt đến dở khóc, dở cười.

Tôi nói vui: Tự hào anh là người con “Nghệ An Xô Viết vẫn là Nghệ An” như lời ca nổi tiếng. Anh sinh cùng năm (1930) cùng tuổi Đảng nên “không thể nào quên”.

Anh cười móm mém. Tôi nắm tay anh: “Anh là nhà báo, nhà Đài, nhà “đồ nghề”, nghĩa là truyền nghề theo kiểu thầy đồ Nghệ.

Nhà báo Đoàn Quang Long cười cả miệng lẫn mắt, thật vui./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

CLB Bạn nghe đài huyện Yên Dũng – 15 năm gắn bó với VOV
CLB Bạn nghe đài huyện Yên Dũng – 15 năm gắn bó với VOV

VOV.VN -Câu lạc bộ đã thu hút được đông đảo thính giả với 190 hội viên, sinh hoạt ở 9 Câu lạc bộ cơ sở và một tổ Cộng tác viên, Bạn nghe đài.

CLB Bạn nghe đài huyện Yên Dũng – 15 năm gắn bó với VOV

CLB Bạn nghe đài huyện Yên Dũng – 15 năm gắn bó với VOV

VOV.VN -Câu lạc bộ đã thu hút được đông đảo thính giả với 190 hội viên, sinh hoạt ở 9 Câu lạc bộ cơ sở và một tổ Cộng tác viên, Bạn nghe đài.

VOV phát sóng Kênh Sức khỏe và An toàn thực phẩm
VOV phát sóng Kênh Sức khỏe và An toàn thực phẩm

VOV.VN - Kênh Sức khỏe và An toàn thực phẩm sẽ thay thế cho Kênh phát thanh FM Cảm xúc đã tạm dừng phát sóng từ ngày 15/7/2016.

VOV phát sóng Kênh Sức khỏe và An toàn thực phẩm

VOV phát sóng Kênh Sức khỏe và An toàn thực phẩm

VOV.VN - Kênh Sức khỏe và An toàn thực phẩm sẽ thay thế cho Kênh phát thanh FM Cảm xúc đã tạm dừng phát sóng từ ngày 15/7/2016.

VOV2 chính thức phát sóng trên tần số FM 96.5 tại TP HCM
VOV2 chính thức phát sóng trên tần số FM 96.5 tại TP HCM

VOV.VN - Từ hôm nay, thính giả tại TP HCM và các tỉnh lân cận có thể nghe được các chương trình phát thanh của Hệ VOV2 trên tần số FM96.5 Mhz.

VOV2 chính thức phát sóng trên tần số FM 96.5 tại TP HCM

VOV2 chính thức phát sóng trên tần số FM 96.5 tại TP HCM

VOV.VN - Từ hôm nay, thính giả tại TP HCM và các tỉnh lân cận có thể nghe được các chương trình phát thanh của Hệ VOV2 trên tần số FM96.5 Mhz.