Liên hoan Phát thanh lần thứ XV: Những điểm nhấn đặc biệt
VOV.VN - Với chủ đề “Linh hoạt chuyển đổi - Thích ứng vượt lên” được Bí thư Thành ủy TP.HCM và Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam bàn thảo, thống nhất lựa chọn, kỳ liên hoan lần này được xem là thành công toàn diện, thể hiện được vị trí, vai trò quan trọng của phát thanh.
Nhiều “cái nhất” trong các kỳ liên hoan
Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV năm 2022 có sự tham gia của 63/63 tỉnh thành, gồm 86 đơn vị từ Trung ương đến địa phương và các đơn vị thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam - nhiều nhất từ trước tới nay. Số đại biểu về dự đông nhất trong các kỳ liên hoan với hơn 800 người. Với số bài tác phẩm dự thi hơn 500, nhiều nhất từ trước đến nay, Ban Giám khảo đã chọn 203 tác phẩm vào vòng chung khảo. Riêng chương trình phát thanh trực tiếp có đến hơn 50% đài địa phương tham gia, đông đảo nhất so với các kỳ trước.
Theo ông Lê Công Đồng, Giám đốc VOH, với những con số hùng hậu đó, đây là kỳ liên hoan mang ý nghĩa "liên hoan" cao nhất. Chưa bao giờ chương trình phát thanh trực tiếp mang lại nhiều cảm xúc lắng đọng, nhiều nước mắt và niềm vui như năm nay. Cũng theo ông Đồng, để những người làm phát thanh có thêm “đất diễn”, VOH đã đóng góp thêm một giải thưởng là "câu chuyện truyền thanh".
“VOH lần đầu tiên với tư cách là một đơn vị địa phương phối hợp với VOV đề nghị bổ sung thêm nội dung thể loại câu chuyện truyền thanh để tham dự thi, mặc dù lần đầu tiên nhưng có đến 40/63 đơn vị tham gia” - ông Lê Công Đồng cho biết.
Dấu ấn nền tảng số
Theo Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ, việc lựa chọn chủ đề “Linh hoạt chuyển đổi - Thích ứng vượt lên” bao gồm nhiều ý nghĩa lớn lao. Thứ nhất, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, phát thanh đã có sự chuyển đổi linh hoạt cách thức sản xuất chương trình, phương thức truyền dẫn theo xu hướng chuyển đổi số; chuyển đổi phương thức, cách tiếp cận thính giả, tăng cường sự tương tác với thính giả để trở thành người bạn tâm tình, gần gũi hơn với thính giả ở nhiều đối tượng, nhiều nơi. Thứ hai, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội như hiện nay, những người làm phát thanh phải tự thích ứng để vượt lên chính mình, khẳng định vai trò của phát thanh trong đời sống xã hội.
Từ chủ đề đó, nhiều hoạt động nghiệp vụ sôi nổi, hội nghị về chuyển đổi số được tổ chức, như hội thảo quốc tế “Phát triển nguồn thu cho các Đài PT-TH trong xu hướng chuyển đổi số”, hội thảo kỹ thuật “Thách thức của phát thanh trong giai đoạn chuyển đổi số”, “Sản xuất chương trình phát thanh giải trí trong bối cảnh bùng nổ giải trí trực tuyến”…
Sự sôi động của việc ứng dụng nền tảng số trong các chương trình phát thanh tại kỳ liên hoan thể hiện rõ tại phần thi phát thanh trực tiếp. Nhiều tác phẩm thu hút hàng ngàn lượt like, share trên mạng xã hội, tăng cường sự tương tác với công chúng, mang lại nhiều cảm xúc đến với thính giả, khán giả.
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó Chủ tịch Vòng chung khảo Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV cho biết, các đơn vị dự thi năm nay tận dụng rất tốt việc tranh thủ công chúng trên môi trường số. Các chương trình phát thanh đã trở thành "đa phương tiện" (Multimedia) chứ không chỉ phát thanh truyền thống.
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng nói: “Phát thanh trực tiếp bây giờ khác ngày xưa, phát trên nền tảng số, đóng gói chương trình rồi chúng ta phân phối cho những người nghe radio qua các phương tiện truyền thống, hoặc người lái xe đang di chuyển, cho những công chúng sử dụng các thiết bị thông minh. Nó giúp cho chương trình phát thanh có độ mở hơn, tận dụng được nhiều không gian hơn, tiếp cận được nhiều công chúng hơn”.
Sức hút từ làm mới các thể loại
Một trong những giải mới trong Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV là giải Giọng Vàng. Trước đây, giải Giọng Vàng được chấm theo hình thức chọn giọng đọc ở các chương trình để chấm và trao giải. Tuy nhiên, năm nay Giọng vàng tách ra thành cuộc thi riêng. Theo ông Đồng Mạnh Hùng, Trưởng Ban Thư ký Biên tập, Tổng Thư ký Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ XV, lần đầu tiên Ban tổ chức đã nhận được 50 giọng tốt để tham gia thể loại này.
Ông Đồng Mạnh Hùng cho biết: “Qua thẩm định và chấm những tác phẩm này chúng tôi thấy rằng, chúng ta có một đội ngũ làm phát thanh có chất giọng rất tốt, đặc biệt họ biết biểu cảm; những điều gì họ muốn nói, muốn thể hiện trong tác phẩm thì đã được những giọng đọc đó thể hiện để làm sợi dây kết nối giữa công chúng và làn sóng radio”.
Còn theo Nhà báo Lê Thị Thanh Tuyền – Phó Giám đốc Đài PT-TH Long An, thành viên Ban Giám khảo Tiểu ban kịch truyền thanh và câu chuyện truyền thanh, những điểm mới của thể loại kịch truyền thanh và câu chuyện truyền thanh của Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm 2022 này là ban tổ chức tách ra thành 2 thể loại rạch ròi, câu chuyện truyền thanh riêng và kịch truyền thanh riêng. Từ đó, buộc các đơn vị dự thi phải xây dựng được tác phẩm sao cho đáp ứng được tiêu chí của từng thể loại.
Nhà báo Thanh Tuyền nói: “Đánh giá lớn nhất của liên hoan năm nay ở thể loại này, bản thân lúc tôi chấm cũng có rất nhiều lần cảm thấy xúc động. Có những câu chuyện ở ngoài đời được mang vào kịch truyền thanh và có những tình huống được các anh chị ở các đài xây dựng tạo được nhiều bất ngờ cho khán giả, cũng như bản thân người chấm”.
Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ XV năm 2022 đã kết nối những người làm phát thanh trong cả nước tề tựu tại TP.HCM, chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ của thành phố sau đại dịch COVID-19. Qua kỳ liên hoan này, các đại biểu cảm nhận được sức mạnh của phát thanh trỗi dậy mạnh mẽ hơn. Dù đạt giải Vàng, giải Bạc hay chỉ vào vòng chung khảo, song các tác phẩm tham dự liên hoan lần này đã làm "bùng cháy" hơn ngọn lửa yêu nghề của những người làm báo nói./.