Nghệ sỹ ưu tú Việt Hà - một giọng đọc mãi thanh xuân

VOV.VN - Khi tròn 20 tuổi, chất giọng trẻ trung, trong trẻo, Việt Hà trúng tuyển PTV Đài TNVN. 40 năm làm nghề, bà được giao đọc chủ yếu thể loại chính luận

Một buổi sáng tháng Tám 2018, tôi thăm gia đình nghệ sĩ ưu tú Việt Hà.

Ông bà sống trong một căn hộ chung cư cao tầng. Phòng khách nhìn thẳng ra sông Sài Gòn. Nhìn từ trên cao con sông mệnh mang, uốn lượn giữa nhấp nhô những dãy nhà cao tầng. Trên ban công nhìn ra sông, một giàn leo nhỏ với những chùm hoa trắng li ti…

 

Năm 1956, khi cô gái nết na, xinh xắn Trần Thị Ngọc Linh vừa tròn 20 tuổi thì Đài Tiếng Nói Việt Nam có đợt thi tuyển  phát thanh viên. Với chất giọng trẻ trung, trong trẻo, Ngọc Linh trúng tuyển. Cùng đợt thi tuyển này còn có các chị: chị Ngọ ( tức Hana –tiếng Anh), chị Thi tiếng Pháp… Họ đều là học sinh trung học ở Hà Nội. Khi được đọc chính thức trên Đài Tiếng nói Việt Nam, chị Ngọc Linh mang nghệ danh Việt Hà. Vì sao có tên đó, Người bạn đời, cũng là đồng nghiệp ở Đài của bà cắt nghĩa:

- Việt là Việt Nam, Hà là Hà Nội,

Thực ra bà không phải là người gốc Hà Nội. Bà được sinh ra ở Nam Định, trong một gia đình làm nghề phẩm mực. Ông thân sinh của bà theo nhà công thương Sơn Hà ra Hải Phòng lập nghiệp, định cư. Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, gia đình tản cư vào vùng tự do Thanh Hóa, bà theo học trung học kháng chiến ở Rừng Thông…

Cùng lúc Việt Hà được tuyển vào Đài TNVN, có chàng thanh niên Đặng Trung Hiếu mới 25 tuổi, người Nam bộ tập kết, quê Vĩnh Long được cử phụ trách trung tâm phát sóng Bạch Mai thuộc Đài TNVN. Một “cái cớ” hữu duyên khác là khi Đài tổ chức Đoàn Thanh niên thì Đặng Trung Hiếu được bầu làm Phó bí thư, còn Việt Hà là Ủy viên chấp hành. Chuyện gì đến thì sẽ đến, sau hai năm, họ thành một gia đình trẻ trong Đài TNVN.

Cuộc đời 40 năm làm phát thanh viên của Việt Hà được chia làm 2 giai đoạn: 20 năm đấu tranh thống nhất Tổ Quốc ở trên đất Bắc tại Đài TNVN; 20 xây dựng đất nước tại đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Mình, miền Nam.

40 năm làm nghề, chính xác là 37 năm tại chức, bà được giao đọc nhiều thể loại, chủ yếu là chính luận. Hồi còn ở Đài TNVN bà thường đọc các buổi phát thanh Thời sự, từ tháng 3/1959 đọc  thêm các  buổi phát thanh Quân đội nhân dân. Cặp phát thanh viên mà bà thường được phân công nhiều là với phát thanh viên giọng nam Nguyễn Thơ rồi đến Việt Khoa. Bà còn cùng đọc với các phát thanh viên giọng nam người Nam Bộ như Trần Phương, Minh Đạo. Toàn là các phát thanh viên lừng danh một thời của Đài quốc gia. Họ cũng là một số không nhiều lắm những người được xướng danh: Đây là Tiếng Nói Việt Nam…!

Trong thời gia làm phát thanh viên ở Đài TNVN, bà nhớ đến một vài kỷ niệm để lại ý nghĩa sâu sắc với đời làm nghề. Bà nhớ lại những giây phút xúc động khi đọc những dòng nhắn tin của các anh chị miền Nam tập kết ra Bắc nhắn về cho gia đình. Bà kể: Tôi còn nhớ như in một đoạn trong thơ của anh Đ quê ở miền Tây Nam bộ: “Má à, chúng con rất nhớ và thương má, nhưng đất nước có chiến tranh, chúng con là phận trai phải ra đi theo tiếng gọi của Tổ Quốc. Trong lúc xa cách này chúng con luôn kính mong má mạnh khỏe, yên lòng chờ con. Nhất định con sẽ trở về với má”…

Năm 1976, biết tin Việt Hà theo chồng về Nam, công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, lúc đó anh Đ đã trở thành một cán bộ chủ chốt của một tỉnh, nhưng gặp Việt Hà vẫn khóc như một đưa trẻ, anh nói: "Má tôi và gia đình bắt tôi phải tìm bằng được để cảm ơn chị, cảm ơn Đài TNVN đã giúp má tôi yên lòng để tôi đi chiến đấu”…

Một chuyện nghề nữa. Đó là lúc Việt Hà đọc tin Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối Mỹ - Diệm ở Sài Gòn, bà đã không kìm được xúc động, trào nước mắt. Vì vậy bản tin có đoạn lặng đi. Bà rất lo, bởi theo quy định không để tình cảm riêng xen vào giọng đọc, một điều “cấm kỵ” đối với phát thanh viên, nhưng bà đã không kiềm chế được. Những người nghe bản tin hôm đó đều rất xúc động và căm giận kẻ thù…

Nhiều người công tác ở Đài TNVN nay đã lớn tuổi thường nhắc lại: Sinh thời, Tổng giám đốc Trần Lâm trong tổng kết công tác hằng năm thường nhắc: Phát âm, đọc phải như giọng của Việt Hà. Riêng bà, bà vẫn cho rằng đọc trên Đài khó nhất vẫn là các thể loại : Bình luận, Xã luận, Thông cáo, Tuyên bố.

Trong cuộc đời phát thanh viên của mình, Việt Hà không ít lần gặp những sự cố “dễ thương”. Đó là vào những năm 90, nghe giọng của bà đọc không lên hình tại Đài truyền hình Thành phố Hồ chí Minh, nhiều người mến mộ gọi đến làm quen giao lưu. Hàng chục người gọi đến, tất cả đều gọi là “em Việt Hà", mặc dù lúc này bà đã ngoài 60. Quả thật “nghệ sỹ của tiếng nói” giữ lâu được nét thanh xuân như Việt Hà là vô cùng hiếm. Hỏi bà về niềm vui trong nghề nghiệp, bà đáp:

-Tôi chỉ có một niềm vui duy nhất là làm sao truyền đạt đúng ý định của người viết đến người nghe, xem Đài.

Tác giả bài này chung thân 40 năm làm Đài, vẫn thường suy ngẫm về sức mạnh của ngôn ngữ, Tiếng Việt ta trên sóng phát thanh qua giọng đọc phát thanh viên nữ. Phải chăng sức mạnh đó phải từ sự trong trẻo, dịu dàng ? Đời sống thay đổi! Cách làm Đài, cách đọc ngày nay cũng khác xưa. Nhưng giọng đọc của những Việt Hà, Việt Khoa, Tuyết Mai, Nguyễn Thơ, Minh Đạo Trần Phương, Kiên Cường.. “ những người muôn năm cũ”  đó vẫn đang hiện hiển trong hồn cốt của Đài Tiếng Nói Việt Nam vậy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phát thanh viên Nga Tatiana Rumyantseva: Đến VOV tôi như được về nhà
Phát thanh viên Nga Tatiana Rumyantseva: Đến VOV tôi như được về nhà

VOV.VN -Sau 30 năm trở lại Việt Nam và thăm Đài TNVN, bà Tatiana Rumyantseva thấy như được trở về ngôi nhà yêu dấu của mình.

Phát thanh viên Nga Tatiana Rumyantseva: Đến VOV tôi như được về nhà

Phát thanh viên Nga Tatiana Rumyantseva: Đến VOV tôi như được về nhà

VOV.VN -Sau 30 năm trở lại Việt Nam và thăm Đài TNVN, bà Tatiana Rumyantseva thấy như được trở về ngôi nhà yêu dấu của mình.

Phát thanh viên Hải Yến - Nghệ sĩ trên “sân khấu đặc biệt”
Phát thanh viên Hải Yến - Nghệ sĩ trên “sân khấu đặc biệt”

VOV.VN - "Tôi đến với nghề này cũng rất tình cờ, do trước đó được sự giới thiệu của người hàng xóm, nhà báo Đoàn Quang", phát thanh viên Ngô Hải Yến chia sẻ.

Phát thanh viên Hải Yến - Nghệ sĩ trên “sân khấu đặc biệt”

Phát thanh viên Hải Yến - Nghệ sĩ trên “sân khấu đặc biệt”

VOV.VN - "Tôi đến với nghề này cũng rất tình cờ, do trước đó được sự giới thiệu của người hàng xóm, nhà báo Đoàn Quang", phát thanh viên Ngô Hải Yến chia sẻ.